Thứ Sáu, ngày 26 tháng 04 năm 2024

50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không": Học giả Mỹ nhận định chiến dịch ném bom Linebacker II là một sai lầm

Ngày phát hành: 21/12/2022 Lượt xem 308

Khu phố Khâm Thiên, thuộc khu Đống Đa, Hà Nội, bị máy bay B.52 của giặc Mỹ ném bom hủy diệt vào ngày 26/12/1972. (Ảnh: Minh Trường/TTXVN)


Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không với chiến dịch 12 ngày đêm chiến đấu chống lại cuộc tập kích đường không bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội cuối năm 1972, nhóm phóng viên TTXVN tại Washington D.C đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Andrew Wells-Dang, chuyên gia cao cấp về Việt Nam tại Trung tâm châu Á thuộc Viện Hòa bình Mỹ. Ông đã chia sẻ những câu chuyện của quá khứ liên quan đến hiện tại và tương lai…


Tiến sĩ Andrew Wells-Dang cho biết chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” được biết đến ở Mỹ với tên gọi "Chiến dịch Linebacker II" hay là "Chiến dịch ném bom Giáng sinh". Tiến sĩ Andrew Wells-Dang nêu rõ Chiến dịch Linebacker II là một sai lầm. Đây là chiến dịch ném bom lớn nhất của không quân Mỹ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhưng Mỹ đã hoàn toàn thất bại. Theo Tiến sĩ Andrew Wells – Dang, từ năm 1968, thậm chí trước đó, giới lãnh đạo Mỹ đã nhận ra rằng họ không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng Washington vẫn không từ bỏ vì "sợ mất uy tín của Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh". Đến năm 1972, đa số người dân Mỹ mong muốn hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Phong trào kêu gọi hòa bình lan mạnh trên toàn nước Mỹ cũng như các nước khác đã ngày càng có ảnh hưởng rộng lớn. Tuy nhiên, quá trình đàm phán kéo dài nhiều năm vì chính quyền Mỹ khi đó ưu tiên chiến tranh hơn cách giải quyết bằng hòa bình. 
Tiến sĩ Andrew Wells-Dang cho rằng sau khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam và Mỹ đã xây dựng lại mối quan hệ và Mỹ đã rút ra nhiều bài học từ sai lầm của chiến dịch tại Việt Nam năm 1972.


Tiến sĩ Andrew Wells-Dang là người có nhiều gắn bó với đất nước và con người Việt Nam. Ông từng có thời gian 20 năm sinh sống ở Việt Nam, trong đó có 8 năm ở Hà Nội và 12 năm sống ở Hội An. Ông lấy vợ là người Việt Nam và mới cùng gia đình trở về Mỹ sinh sống từ năm 2019. Lĩnh vực hoạt động chính của ông tại Viện Hòa bình Mỹ là cùng một nhóm chuyên gia về châu Á xây dựng những dự án khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, thực hiện các hội thảo chuyên đề về di sản chiến tranh, qua đó hàn gắn vết thương chiến tranh, đưa quan hệ Mỹ - Việt hướng tới tương lai của hòa bình và phát triển./.

 

Theo TTXVN


Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết