Thứ Hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024

75 năm: Từ bình dân học vụ đến xã hội học tập

Ngày phát hành: 04/09/2020 Lượt xem 4540

Chỉ ít ngày sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 8-9-1945, Chính phủ đã ban hành ba sắc lệnh về chống nạn thất học, đặt sự nghiệp bình dân học vụ vừa là một phong trào cách mạng, vừa là thiết chế giáo dục của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Kể từ đó, công cuộc học tập của nhân dân Việt Nam đã bước lên tầm cao mới, để hôm nay, phong trào học tập thường xuyên, suốt đời đã lan tỏa, góp phần xây dựng xã hội học tập trong cả nước.

 


Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu".


* Mốc son trong công tác “diệt giặc dốt”
Cách đây 75 năm, ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn 90% đồng bào ta mù chữ... Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”.
Thực hiện ý kiến của Bác, ngay sau phiên họp đầu tiên của Chính phủ, ngày 8-9-1945, Chính phủ đã ban hành 3 sắc lệnh, đó là: Sắc lệnh 17/SL thành lập Nha bình dân học vụ, Sắc lệnh 19/SL quy định mọi làng phải có lớp học bình dân và Sắc lệnh 20/SL cưỡng bách học chữ quốc ngữ không mất tiền; đặt sự nghiệp bình dân học vụ vừa là một phong trào cách mạng, vừa là thiết chế giáo dục của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Sau đó, ngày 4-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời  kêu gọi “Chống nạn thất học” gửi tới toàn thể quốc dân đồng bào. Bác viết: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ” (1).
Thực hiện sắc lệnh và hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, phong trào Bình dân học vụ nhanh chóng được triển khai, lan rộng và ăn sâu vào từng thôn xóm, bản làng. Người học bao gồm đầy đủ các thành phần, từ trẻ em đến thanh niên, phụ nữ và các cụ già. Giáo viên là thầy giáo giáo dạy ở các trường học, là cán bộ các ngành, là học sinh, bộ đội, từ mọi tầng lớp nhân dân và cả những người vừa thoát nạn mù chữ. Lớp học là trụ sở của các trường phổ thông, các cơ quan chính quyền, doanh trại quân đội, nhà của người dân, đình, chùa... Và chỉ một năm sau, đã có 75.000 lớp học được tổ chức với sự tham gia của 95.000 giáo viên; trên 2,5 triệu người đã biết đọc, biết viết. Đây là một kỳ tích có một không hai về xã hội hóa học tập trong lịch sử giáo dục.
Phong trào Bình dân học vụ cứ thế phát triển, đi theo đồng bào tản cư kháng chiến, theo các đoàn dân công tiếp vận cho các chiến trường... Những lớp bổ túc văn hóa, tiếp sau bình dân học vụ xóa mù chữ đã đưa 8 triệu người dân trong 9 năm kháng chiến (1946-1954) vừa lo chống giặc giữ nước, vừa học tập, thoát nạn mù chữ, và 5 năm sau, năm 1959, tất cả các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng trung du miền Bắc đều hoàn thành nhiệm vụ xóa mù chữ cho nhân dân ở độ tuổi 12-50. Kết thúc kế hoạch năm năm lần thứ nhất (1961-1965) các vùng thấp thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc đã xóa xong nạn mù chữ cho nhân dân các dân tộc thiểu số.

 


Kinh nghiệm thực tiễn xóa mù chữ ở miền Bắc đã trở thành những bài học quý báu, bổ ích cho công cuộc xóa nạn mù chữ ở miền Nam ngay sau ngày giải phóng, đất nước thống nhất. Cuối tháng 2 năm 1978, toàn bộ 21 tỉnh, thành phố ở miền Nam đã cơ bản thanh toán nạn mù chữ.
Sự nghiệp nâng cao dân trí của đất nước tiếp tục tiến lên một bước mới, được đánh dấu bằng thập kỷ 1990-2000, cả nước triển khai công cuộc xóa mù chữ-phổ cập giáo dục tiểu học, thực hiện mục tiêu thế giới bước vào thế kỷ 21 không còn nạn mù chữ do UNESCO khuyến cáo và Liên hợp quốc phát động để đến năm 2000, tất cả các tỉnh/thành phố trong cả nước với 98,03 % số quận/huyện; 98,53% số xã/phường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia xóa mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học; hầu hết trẻ em trong độ tuổi đều được đi học tiểu học; 94% dân số trong độ tuổi 15-35 đã biết chữ. Đó thực sự là một mốc son lớn trong lịch sử giáo dục nước nhà.

* Phát triển nền giáo dục học tập suốt đời
75 năm qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào Bình dân học vụ, nền giáo dục Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc và gặt hái được nhiều thành công. 
Sự nghiệp giáo dục phát triển trên nền tảng xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam đã và đang vận động đúng quỹ đạo của xu thế chung và đạt được những thành tựu quan trọng. Các cơ sở giáo dục ngày càng được quan tâm đầu tư tốt hơn cả về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất.
Từ chỗ 95% dân số nước ta có mù chữ (năm 1945), đến nay, 97,35% dân số trong độ tuổi từ 15-60 biết chữ, tỷ lệ biết chữ của đồng bào dân tộc thiểu số cũng tăng lên 92,56%; 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện và 99% đơn vị cấp xã duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ. Hằng năm, có khoảng 18 triệu lượt người tham gia các lớp chuyên đề bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng trong các trung tâm học tập cộng đồng nhằm duy trì, củng cố kết quả xóa mù chữ.
Chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học được giữ vững và nâng cao, 63/63 tỉnh, thành phố đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó 14 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Chất lượng phổ cập giáo dục THCS được duy trì bền vững, 63/63 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1, trong đó một số tỉnh  đạt chuẩn THCS mức độ 2 và 3.
Mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học được củng cố và phát triển ở khắp các khu dân cư lớn, các vùng, một số tỉnh/thành phố. Tính đến năm học 2019-2020, cả nước có 237 trường đại học, học viện, 37 viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. Quy mô sinh viên đại học, cao đẳng trong giai đoạn 2011-2020 tăng khoảng 2,4%. Năm 2019, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới, tăng 12 bậc so với năm 2018. Lần đầu tiên, Việt Nam có 3 cơ sở giáo dục đại học được vào top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới; có 8 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nằm trong danh sách 500 trường đại học hàng đầu châu Á. Chất lượng nguồn nhân lực đã có chuyển biến tích cực. Trong những thành tựu về tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước 10 năm qua có phần đóng góp quan trọng của đội ngũ lao động trình độ cao mà đa số được đào tạo trong nước.
Bên cạnh công tác phổ cập, ngành giáo dục và đào tạo đã mở ra nhiều cơ hội học tập cho mọi lứa tuổi với nhiều hình thức và phương thức khác nhau, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Việc đáp ứng nhu cầu học của những đối tượng ngoài nhà trường được coi trọng thông qua việc phát triển mạng lưới hơn 700 trung tâm giáo dục thường xuyên. Hệ thống Hội khuyến học đã phủ kín từ cấp tỉnh đến cấp xã với trên 17 triệu hội viên là các cựu giáo viên, các nhà hoạt động chính trị, xã hội quan tâm thúc đẩy sự nghiệp học tập cho mọi lứa tuổi. Cả nước có hơn 8 triệu gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, gần 40.000 dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”, hơn 62.000 “Cộng đồng học tập” cấp thôn bản, tổ dân phố và 27.500 tổ chức nằm trên địa bàn hành chính cấp xã, do cấp xã quản lý đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”.
Thực hiện công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục, Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ như: miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí cho học sinh, sinh viên nghèo; hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non; hỗ trợ phát triển giáo dục đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ học bổng và phương tiện, đồ dùng học tập thực hiện chính sách giáo dục đối với người khuyết tật... Các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho sinh viên thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho hàng triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập và lập nghiệp.
Có thể khẳng định, từ bình dân học vụ đến xã hội học tập là một bước phát triển giáo dục cả về lượng và chất. Suốt thời gian dài 75 năm, trong hòa bình cũng như chiến tranh, nhân dân ta đã kiên trì tiến hành công cuộc chống nạn mù chữ, phát triển một nền giáo dục đại chúng cho tất cả mọi người. Đó là nhiệm vụ không thể tách rời của sự nghiệp xây dựng đất nước, phát triển kinh tế-xã hội, vun đắp và giữ gìn nền độc lập của Tổ quốc./.

 


Diệp Ninh (TTXVN)


(1): Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr. 36.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết