Thứ Ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024

Bảo vệ môi trường: Hành động khí hậu không thể chờ đến khi hết dịch COVID-19

Ngày phát hành: 08/09/2021 Lượt xem 597
Nhiệt độ trái đất đang tiếp tục gia tăng. (Ảnh minh họa)

    Sự nóng lên trên toàn cầu đang ảnh hưởng sức khỏe con người nhiều đến mức không thể chờ đến khi thế giới giải quyết được đại dịch COVID-19 mới hành động khẩn cấp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, đó là nội dung một bài viết được hơn 220 tờ báo y học  thế giới đồng loạt đăng tải ngày 6/9 trước Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) diễn tại Anh vào tháng 11 tới.
     Bài viết trên do các tổng biên tập của hàng chục tờ báo y học lớn như the Lancet, the East African Medical Journal, Revista de Saude Publica (của Brazil) và the International Nursing Review… trực tiếp viết ra. Các tác giả cho biết từ giai đoạn tiền công nghiệp đến nay, nhiệt độ Trái Đất đã tăng khoảng 1,1 độ C, chính điều này đã gây ra hàng loạt vấn đề về sức khỏe cho con người. Bài viết nhấn mạnh: “Sức khỏe của nhân loại đang bị ảnh hưởng do sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và sự phá hoại thiên nhiên”. 
       Theo bài viết, trong 20 năm qua, tỷ lệ tử vong do nhiệt độ cao ở người từ 65 tuổi trở lên đã tăng hơn 50%. Nhiệt độ tăng gây mất nước, làm giảm chức năng của thận, gây các bệnh ác tính về da liễu, dị ứng, các bệnh về tim mạch và phổi, và gây tử vong. Bài viết cũng chỉ ra rằng việc sản xuất nông nghiệp giảm do biến đổi khí hậu còn gây ảnh hưởng đến các nỗ lực giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trên thế giới.
      Các tác giả cảnh báo những tác động trên mới chỉ là bắt đầu và đang ảnh hưởng mạnh nhất đến những nhóm người dễ bị tổn thương như người thiểu số, trẻ em, người nghèo. 
      Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ), với cái đà này, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng thêm 1,5 độ C vào năm 2030 so với thời tiền công nghiệp. Điều này cộng với tình trạng mất cân bằng sinh thái liên tục sẽ đặt ra nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người tới mức không thể cứu vãn. 
     Các tác giả bài báo nhấn mạnh: “Bất chấp sự cần thiết của việc chống dịch trên toàn cầu, chúng ta không thể chờ đến khi đại dịch qua đi mới nhanh chóng giảm khí thải”.
     Trong tuyên bố trước khi đăng tải bài viết trên, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo: “Các nguy cơ đặt ra từ biến đổi khí hậu có thể vượt xa mọi nguy cơ từ bất cứ dịch bệnh riêng lẻ nào. Dịch COVID-19 sẽ kết thúc, nhưng không có vaccine cho cuộc khủng hoảng khí hậu”. Ông khẳng định mọi hành động nhằm giảm khí thải và sự nóng lên toàn cầu sẽ đưa chúng ta đến gần hơn với một tương lai an toàn và khỏe mạnh hơn.
Trong bài viết trên, các tác giả cũng chỉ ra rằng nhiều chính phủ đã ứng phó với mối đe dọa COVID-19 bằng “ngân sách lớn chưa từng thấy”, đồng thời kêu gọi “cách ứng phó khẩn cấp tương tự” trong cuộc khủng hoảng môi trường, vì các lợi ích có thể nhận lại. Bài viết nhấn mạnh: “Chỉ riêng việc chất lượng không khí tốt hơn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, hoàn toàn xứng đáng với chi phí cho việc giảm khí thải toàn cầu“. Các tác giả cũng kêu gọi các chính phủ cần thay đổi căn bản trong cách tổ chức các xã hội và nền kinh tế, cũng như cách chúng ta sống./.
 

 

    Bích Liên (TTXVN)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết