Thứ Tư, ngày 01 tháng 05 năm 2024

Bảo vệ môi trường: Chăn thả quá mức đe dọa các vùng đất khô cằn

Ngày phát hành: 26/11/2022 Lượt xem 564



Dù chăn thả gia súc có thể có tác động tích cực đối với các dịch vụ hệ sinh thái, song biến đổi khí hậu có thể biến các tác động tích cực thành tiêu cực ở một số vùng đất khô cằn. Đây là kết luận được một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế đưa ra trong nghiên cứu, công bố trên tạp chí Science ngày 25/11, sau khi tiến hành khảo sát tại 326 vùng đất khô cằn trên khắp thế giới, thu thập thông tin về thực vật và đất đai tại các địa điểm có áp lực chăn thả từ thấp tới cao. 


Nghiên cứu phát hiện tầm quan trọng của áp lực chăn thả gia súc đối với việc thúc đẩy các dịch vụ hệ sinh thái, đặc biệt là lưu trữ carbon, phân hủy chất hữu cơ, độ phì nhiêu của đất cũng như chất lượng và số lượng thức ăn gia súc được sản xuất.


     Chủ nhiệm công trình nghiên cứu, Giáo sư David Eldridge thuộc Đại học New South Wales, cho biết do biến đổi khí hậu, phản ứng của một số dịch vụ hệ sinh thái thay đổi theo áp lực chăn thả tại địa phương. Cụ thể, trữ lượng carbon trong đất giảm và xói mòn đất tăng lên khi khí hậu ấm hơn, song chỉ dưới áp lực chăn thả gia súc cao. Theo Giáo sư Eldridge, tác động của việc gia tăng chăn thả gia súc không đồng đều. Cụ thể, những vùng đất khô ở khu vực có khí hậu lạnh hơn, với lượng mưa theo mùa ít hơn và có sự đa dạng thực vật lớn hơn sẽ có nhiều tác động tích cực hơn, còn những vùng đất khô hạn ở nơi có khí hậu ấm hơn, ít loài thực vật hơn dễ bị ảnh hưởng hơn. 


   Nhóm nghiên cứu cũng quan sát thấy nơi nào có sự đa dạng các loại động vật ăn cỏ hơn, nơi đó có tác động tích cực đến một số dịch vụ sinh thái như lưu trữ carbon - yếu tố cực kỳ quan trọng trong điều hòa khí hậu.


     Giáo sư Eldridge cũng cho biết phản ứng của các vùng đất khô hạn đối với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra có thể phụ thuộc vào cách thức con người quản lý đất đai tại địa phương khi khí hậu nóng lên. Tác động của hoạt động chăn thả, đặc biệt là chăn thả quá mức, đều có sự khác biệt trên toàn cầu. Do không có một biện pháp chung nào phù hợp với tất cả hoạt động chăn thả ở vùng đất khô hạn, nên cần xem xét các yếu tố như điều kiện chăn thả địa phương, số loại và số lượng gia súc và động vật ăn cỏ hoang dã khu vực đó./.

 

Theo TTXVN


Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết