Biến đổi khí hậu: Cảnh báo GDP thế giới có nguy cơ mất giảm gần 20% do ngập lụt ven biển
Do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ven biển trên thế giới đang đối mặt với tình trạng ngập lụt. Nếu không hạn chế được biến đổi khí hậu và tăng cường bảo vệ bờ biển, tình trạng này có nguy cơ gây thiệt hại tài sản lên tới 14.200 tỷ USD vào năm 2100. Đây là dự báo được đưa ra trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Scientific Reports ngày 30/7.
Nghiên cứu do các trường Đại học Amsterdam, Đại học Melbourne và Diễn đàn Khí hậu toàn cầu tiến hành. Để đưa ra dự báo thiệt hại, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu về mực nước biển dâng trên toàn cầu theo những kịch bản khác nhau. Mức thiệt hại được ước tính dựa trên những yếu tố gồm dân số và tài sản gặp rủi ro, các mô hình mô phỏng mực nước biển, sóng và thủy triều tại nhiều vùng ven biển trên thế giới. Các nhà nghiên cứu cũng ước lượng dựa trên quy mô GDP của thế giới năm 2019 đạt khoảng 17.600 tỷ USD.
Theo nghiên cứu, nếu các nước trên thế giới không đầu tư vào các biện pháp phòng chống lũ hoặc giảm khí thải toàn cầu, diện tích đất bị ngập sẽ tăng 48%, dân số bị ảnh hưởng tăng 52% và cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng sẽ tăng 46%, thiệt hại tương đương khoảng 20% GDP của thế giới vào cuối thế kỷ này. Các tác giả cho rằng các trận lũ lụt có đặc thù xảy ra 100 năm một lần có nguy cơ xảy ra thường xuyên hơn với khoảng 10 năm một lần tại nhiều nơi trên thế giới.
Nghiên cứu cảnh báo tổng cộng 68% diện tích vùng ven biển trên toàn cầu bị ngập do bão và thủy triều trong khi 32% diện tích ngập do nước biển dâng. Các khu vực là nơi sinh sống của 171 triệu người sẽ bị ảnh hưởng do ngập lụt. Trong đó, ngập lụt sẽ gây thiệt hại nặng nhất tại các vùng Đông Bắc Mỹ, Tây Bắc châu Âu, Đông Nam Á và Bắc Australia.
Các vùng ven biển rất dễ bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng và biến đổi khí hậu. Ông Ebru Kirezci thuộc Đại học Melbourne và cũng là một trong số tác giả nghiên cứu trên, cho biết để ngăn những tác động tiêu cực của các hiện tượng này, chính phủ các nước cần xây dựng và áp dụng các chiến lược thích ứng cần thiết tùy vào mức nguy hiểm ở vùng ven biển và nhu cầu của các cộng đồng ven biển. Các chiến lược này bao gồm cả xây dựng và nâng cấp các công trình bảo vệ bờ biển như đê biển, tường chắn sóng; triển khai các hệ thống cảnh báo ven biển và tăng cường khả năng ứng phó./.
Theo TTXVN