Thứ Bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024

Biến đổi khí hậu: Từ Hiệp định Paris đến COP28

Ngày phát hành: 07/11/2023 Lượt xem 314

 

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) dự kiến diễn ra tại Dubai từ ngày 30/11-12/12/2023. Đây là hội nghị quan trọng nhất của LHQ về vấn đề này trong 8 năm qua, do các nhà lãnh đạo thế giới sẽ lần đầu tiên đánh giá những mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.


Tháng 12/2015, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 21) diễn ra ở Paris (Pháp), trở thành một bước đột phá quan trọng trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm kiềm chế sự nóng lên toàn cầu. Thỏa thuận được xem như một cột mốc mang tính lịch sử với nội dung chính là hạn chế tình trạng nóng lên của Trái Đất ở mức dưới 2 độ C và nỗ lực cho một mục tiêu tham vọng hơn là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Một nội dung quan trọng nữa là từ thời điểm đó đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu. Là văn bản thay thế khi Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí  hậu hết hiệu lực vào cuối năm 2020, Hiệp định Paris có hiệu lực từ ngày 4/11/2016.


Hiệp định Paris năm 2015 là một thành công mang tính biểu tượng cao trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Hiệp định ấn định 2023 là năm đầu tiên tiến hành đánh giá việc thực thi thỏa thuận trên toàn cầu và đây sẽ là “cuộc thử nghiệm thực sự để xác nhận rằng chúng ta có thể đạt được mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C trong thập kỷ tới hay không”. 


Tuy nhiên, từ những mục tiêu, cam kết trên giấy tờ đến thực trạng đang diễn ra quả là nhiều thách thức. Theo cảnh báo của các nhà khoa học, biến đổi khí hậu đang đặt ra “mối đe dọa” hiện hữu đối với sự sống trên Trái Đất, khi mà nắng nóng và các hiện tượng thời tiết cực đoan đang xảy ra trong năm 2023 với cường độ trầm trọng hơn dự báo.


Nhiều kỷ lục khí hậu trong năm 2023 có biên độ chênh lệch lớn so với các mốc kỷ lục từng ghi nhận trước đây, đặc biệt là nhiệt độ ở các đại dương, nơi hấp thụ gần như toàn bộ lượng nhiệt dư thừa do ô nhiễm không khí mà con người gây ra. Chỉ cần nhiệt độ tăng khoảng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp đã gây ra hàng loạt hậu quả nghiêm trọng và gây thiệt hại lớn về kinh tế. Các tác động nghiêm trọng có thể xảy ra bao gồm các mối đe dọa đối với đời sống biển và các rạn san hô cũng như sự gia tăng cường độ của các cơn bão nhiệt đới lớn.


Trước năm 2023, số ngày có nhiệt độ trung bình toàn cầu lớn hơn 1,5 độ C so với các mức ghi nhận trong thời kỳ tiền công nghiệp rất hiếm. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến giữa tháng 9 vừa qua, đã có tới 38 ngày có mức nhiệt cao vượt ngưỡng đó. Cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho biết ba tháng 7, 8, 9 của năm 2023 là quãng thời gian nóng nhất từng ghi nhận và có thể là nóng chưa từng có trong khoảng 120.000 năm.


Kết quả các cuộc nghiên cứu cho thấy, nếu nhiệt độ bề mặt Trái Đất tăng 2 độ C so với mức nhiệt thời kỳ tiền công nghiệp, thì mỗi năm có một tuần khoảng 750 triệu người có thể sẽ phải hứng chịu điều kiện khí hậu nóng ẩm có nguy cơ dẫn đến tử vong. Nếu mức tăng nhiệt là 3 độ C thì số người phải đối mặt với nguy cơ nói trên sẽ tăng lên mức hơn 1,5 tỷ người. Bên cạnh đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại trung bình mỗi năm 143 tỷ USD đối với nền kinh tế toàn cầu, bao gồm tổn thất về người (90 tỷ USD) và thiệt hại về kinh tế (53 tỷ USD).


Giới chuyên môn hy vọng rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan thời gian gần đây sẽ giúp thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách tại COP28 hỗ trợ cắt giảm lớn lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch và tăng tài trợ cho việc thích ứng với khí hậu, đặc biệt là ở những khu vực dễ tổn thương nhất trên thế giới. Johan Rockstrom - Giám đốc Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam - cho rằng COP28 là cơ hội cuối cùng đưa ra “những cam kết đáng tin cậy để bắt đầu cắt giảm lượng khí CO2 sinh ra từ quá trình sử dụng nhiên liệu hóa thạch”. Ông Rockstrom kêu gọi các nền kinh tế lớn - bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc và EU - tăng cường giải quyết khủng hoảng khí hậu bởi mục tiêu kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C là “không thể thương lượng”.

 

Minh Trà TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết