Thứ Sáu, ngày 04 tháng 10 năm 2024

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình

Ngày phát hành: 03/11/2023 Lượt xem 175

 

Đồng chí Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc.


Chiều 2/11, Đoàn công tác do Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh dẫn đầu đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình về tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam. 

 

Thông tin tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cho biết, vận dụng linh hoạt các vấn đề lý luận áp dụng vào thực tiễn địa phương, tỉnh Quảng Bình đã chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản. Kinh tế tăng trưởng ổn định theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã kéo theo sự ổn định về chính trị, quốc phòng an ninh giữ vững; đời sống văn hóa tinh thần, đời sống vật chất của người dân được nâng cao; các lĩnh vực giáo dục, y tế được chú trọng; hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông được đầu tư, nâng cấp một cách đồng bộ.

 

Doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Bình có những đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế của tỉnh, chăm lo an sinh xã hội, đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo và đóng góp quan trọng đối với Quảng Bình thời gian qua. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, các doanh nghiệp Nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh, mặc dù có năng lực, tư duy phát triển nhưng vẫn gặp các vướng mắc, rào cản trong các cơ chế, chính sách.

 

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình tập trung thảo luận, làm rõ những kinh nghiệm quý của tỉnh Quảng Bình từ thực tiễn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại địa phương; quan điểm của tỉnh Quảng Bình về sự phát triển nhận thức, tư duy sáng tạo, đột phá lý luận cơ bản của Đảng ta về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từ năm 1986 đến nay.

 

Đồng thời, các đại biểu đánh giá thực trạng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở tỉnh Quảng Bình nói riêng và Việt Nam nói chung từ năm 1986 đến nay, tập trung vào 10 năm gần đây; thực trạng thể chế hóa và cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nêu bật những tiềm năng, lợi thế, những thành tựu trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Quảng Bình trên các mặt; đồng thời đưa ra một số đề xuất nhằm tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Đánh giá Quảng Bình là tỉnh có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của miền Trung và cả nước cũng như hội nhập quốc tế với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, việc tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn cần thiết, làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng, định hướng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Công tác này góp phần bổ sung, hoàn thiện lý luận của Đảng về đường lối đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đồng thời trực tiếp phục vụ cho việc xây dựng các văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

 

Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, phải hài hòa giữa yếu tố định hướng xã hội chủ nghĩa và vai trò nhà nước để đảm bảo nền kinh tế vận hành theo nguyên tắc của thị trường. Định hướng xã hội chủ nghĩa la rất quan trọng, song phải đảm bảo đối tượng xã hội, người dân, đặc biệt là những người yếu thế không bị bỏ lại trong các chính sách phát triển của chung của đất nước.

 

*Trước đó, sáng 2/11, Đoàn công tác do Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh dẫn đầu đã khảo sát, làm việc với lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm Công nghiệp Long Đại, đóng tại phường Đồng Sơn, thành phố Đồng Hới. Công ty được thành lập năm 1981, trực thuộc Bộ Lâm nghiệp với tên gọi là Liên hiệp Lâm Công nghiệp Long Đại. Qua nhiều lần sắp xếp, tái cơ cấu, đổi mới, phát triển, mô hình doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước của đơn vị vẫn được duy trì và phát triển.

Tại buổi làm việc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá, Công ty hoạt động theo mô hình kinh tế nhiều thành phần của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là đơn vị đóng vai trò thực hiện nhiệm vụ phát triển rừng bền vững, nhiệm vụ xã hội, chính trị, an ninh, phát huy vai trò của doanh nghiệp vốn 100% của Nhà nước, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, khai thác có hiệu quả diện tích rừng và đất lâm nghiệp.

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Công ty cần quản lý có hiệu quả đất đai, không để xảy ra lấn chiếm, thất thoát diện tích đất và rừng. Đặc biệt, quản lý đất đai gắn với việc đảm bảo đất sản xuất cho người dân sống gần rừng, đồng bào dân tộc thiếu số và di cư ngoài kế hoạch.

Ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cần đánh giá những tồn tại, hạn chế và những nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến hoạt động tại Công ty; đồng thời làm rõ được những định hướng, chủ trương, đường lối của Đảng trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và cụ thể hóa tại địa phương. Đây là vấn đề không chỉ liên quan đến phát triển kinh tế bền vững mà còn liên quan đến các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng an ninh và gìn giữ, bảo vệ đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số...

Trong sáng 2/11, Đoàn công tác đã khảo sát và làm việc tại Nhà máy Xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón hữu cơ (xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch) thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển dự án Việt Nam./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết