Việt Nam có tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao nhất ở Đông Nam Á trong thập kỷ qua. Đây là đánh giá trong một bài viết trên trang mạng seekingalpha.com chuyên đăng tin tức về thị trường tài chính.
Trong bài viết đăng ngày 25/10, trang mạng có trụ sở ở New York (Mỹ) cho rằng với mức tăng trưởng GDP 5,33% trong quý III, động lực tăng trưởng của Việt Nam vẫn rất mạnh nhờ các hộ gia đình chi tiêu khoản tiết kiệm tích lũy trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, tình hình địa chính trị thuận lợi và việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến cũng là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần giúp Việt Nam trở thành thị trường hoạt động tốt nhất trong khu vực.
Bài viết cũng chỉ ra rằng sự lạc quan trong nửa đầu năm nay đã giảm bớt trong tháng 9, khi các nhà đầu tư đánh giá tác động của nhu cầu suy yếu ở thị trường các đối tác thương mại lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát do giá dầu mỏ và giá gạo tăng (những hàng hóa chính trong thước đo lạm phát tiêu dùng của Việt Nam) chắc chắn sẽ làm chậm chu kỳ cắt giảm lãi suất hiện nay.
Mặc dù vậy, bài viết cho rằng những áp lực về giá cả hàng hóa chỉ mang tính tạm thời và sẽ không làm thay đổi chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, dự kiến sau thời gian ngắn siết chặt tiền tệ, lãi suất sẽ ở mức thấp hơn, theo đó giúp thúc đẩy hoạt động cho vay và giúp các công ty bất động sản bán được những sản phẩm còn tồn đọng.
Mặc dù trao đổi thương mại có phần sụt giảm và áp lực lạm phát tăng, nhưng tăng trưởng thu nhập theo cơ cấu kinh tế của Việt Nam không giảm và sẽ tiếp tục tăng bất ngờ trong những năm tới. Theo bài viết, các tin tức mới đây cho thấy Việt Nam đang tiến rất gần đến việc trở thành thị trường mới nổi (từ “thị trường cận biên” hiện nay). Việc này sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho Việt Nam./.
Theo TTXVN