Thứ Tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024

Bước tiến mới của Việt Nam

Ngày phát hành: 01/11/2023 Lượt xem 457

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng; Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won cùng lãnh đạo một số bộ, ngành, doanh nghiệp thực hiện nghi thức cắt băng Khánh thành NIC Cơ sở Hòa Lạc. Ảnh: MPI


Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa khánh thành ngày 28/10 tại khu công nghệ cao Hòa Lạc là mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo đầu tiên trên thế giới do Nhà nước làm chủ. Đây được coi là bước đi mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam với mục tiêu trở thành trung tâm của đổi mới sáng tạo trong khu vực và thế giới.


Cơ hội “nghìn năm có một”


Cách đây vài năm, gần như tất cả những con chip Việt Nam đều phải nhập khẩu. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, Việt Nam đi rất nhanh trong đổi mới sáng tạo. Nhiều “ông lớn” công nghệ Việt Nam như Viettel, FPT hay Vingroup đều ghi dấu ấn trong hoạt động đổi mới sáng tạo. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu quan tâm đến thị trường này.


Sự ra đời của NIC cho thấy quyết tâm đưa NIC trở thành hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với mong muốn là động lực đổi mới sáng tạo trong nhiều năm của Chính phủ Việt Nam. Sẽ có hàng triệu, hàng tỷ con chip được sản xuất tại Việt Nam khi làn sóng dịch chuyển của chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu đang hướng tới các thị trường mới.


Giám đốc NIC Vũ Quốc Huy cho biết NIC đóng vai trò là một tổ chức trung gian khi làm việc và kết nối với các quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính trong việc hỗ trợ gọi vốn và cơ sở mặt bằng cho các startup ngay từ giai đoạn đầu: “Đây sẽ là hệ sinh thái tầm cỡ ở khu vực và thế giới để thu hút các đối tác, doanh nghiệp trong và ngoài nước đặt các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, nghiên cứu và phát triển cũng như dự án đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ”.


Với riêng NIC, quá trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo tập trung vào công nghệ. Trong đó, có 8 lĩnh vực trọng tâm: Nhà máy thông minh, Đô thị thông minh, Nội dung số, An ninh mạng, Công nghệ môi trường, Công nghệ Y tế, Công nghiệp bán dẫn và Công nghệ Hydrogen.


Hiện Việt Nam đang xây dựng và tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi nhất với nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.


Với những cơ chế riêng biệt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kỳ vọng NIC sẽ trở thành hạt nhân thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam. Giúp Việt Nam nắm bắt thời cơ nghìn năm có một của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để bứt phá vươn lên.


“Bệ phóng” cho công nghiệp bán dẫn

 
Nhiều doanh nghiệp lớn như Intel, Mavel, Qualcomm, Amkor hiện đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Việt Nam đã ký hợp tác với một số tập đoàn của Mỹ là Synopsys, Cadence và Trường Đại học bang Arizona để thúc đẩy năng lực về thiết kế, phát triển chip bán dẫn cũng như đào tạo nhân lực chất lượng cao về ngành này.


Vai trò của Việt Nam trong chuỗi công nghiệp bán dẫn ngày càng lớn. Trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) tại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Mỹ John Neuffer nhấn mạnh, người Mỹ hiểu rằng chuỗi cung ứng bán dẫn cần có sự hợp tác quốc tế, trong đó có Việt Nam.


Đối tác hợp tác hiện nay của NIC bao gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Google, Samsung, SpaceX, Intel, Cadence, VinaCapital, Southeast Impact Alliance, VNPT, Sovico, FPT về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, tăng cường nghiên cứu và phát triển chip bán dẫn. Đây là lĩnh vực luôn có nhu cầu trong nhiều năm tới.


Ông Vũ Quốc Huy chia sẻ: “NIC đang mong muốn tập trung vào lĩnh vực này để sắp tới phối hợp với các trường, tập đoàn công nghệ về bán dẫn lớn trên thế giới nhằm đào tạo ra 50.000 kỹ sư công nghệ trong vòng 10 năm tới, tầm nhìn Việt Nam sẽ trở thành nơi cung cấp nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới”.


Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực chăm chỉ, cần cù. Tuy nhiên, chất lượng lao động hiện tại chưa đủ để phục vụ cho ngành công nghiệp đặc thù này. 75% số lượng chip bán dẫn được sản xuất ở Đông Á và Đông Nam Á và những gì Việt Nam đang làm cho thấy nỗ lực để nắm bắt cơ hội này.


Dự kiến có khoảng 300 sinh viên tham gia các khóa học của Samsung Innovation Campus tại cơ sở này trong khóa học năm nay (2023 - 2024). Samsung cũng sẽ cung cấp và trang bị các thiết bị điện tử, phòng Lab tại NIC Hòa Lạc nhằm phục vụ công tác giảng dạy các khóa học SIC nêu trên cũng như để phối hợp thực hiện các sự kiện, chương trình đào tạo và nghiên cứu khác trong khuôn khổ hoạt động trách nhiệm xã hội của Samsung Việt Nam.


Cũng trong khuôn khổ Hội nghị lần này, lần đầu tiên Việt Nam ra mắt mạng lưới Bán dẫn và Trung tâm ươm tạo thiết kế chip. Đây được xem như một bước tiến mới cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một đối tác tin cậy trong hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và hiện đại hóa nền kinh tế.


Như vậy, sau gần 3 năm xây dựng, với cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng bài bản, hiện đại, NIC đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 28/10. Tổng mức đầu tư khoảng 750.000 tỉ đồng, hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa.


NIC cơ sở Hòa Lạc là một tòa nhà với thiết kế hình cánh chim đại bàng cất cánh - biểu tượng cho sứ mệnh hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo, tạo nên các giá trị đột phá, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển vươn xa.


Trung tâm là nơi hội tụ một hệ sinh thái năng động trong khu vực, quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn và nhân tài trong và ngoài nước. Đây cũng là nơi cung cấp không gian làm việc, nghiên cứu, ươm tạo, đưa các dự án đổi mới sáng tạo phát triển lên một tầm cao mới./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết