Chủ Nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024

Bước tiến quan trọng trong bảo vệ trẻ em trên không gian trực tuyến

Ngày phát hành: 03/12/2024 Lượt xem 53

 

Quốc hội Australia ngày 29/11/2024 đã thông qua luật đầu tiên trên thế giới cấm trẻ em và thanh thiếu niên nước này sử dụng mạng xã hội từ cuối năm 2025. Chính phủ Australia đánh giá bước đi này là cần thiết để bảo vệ sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của trẻ em.

 


Theo luật này, bất kỳ ai dưới 16 tuổi sẽ bị chặn sử dụng các nền tảng bao gồm TikTok, Instagram, Snapchat và Facebook. Các công ty truyền thông xã hội có thể bị phạt tới 50 triệu AUD (33 triệu USD) nếu không thực hiện “các biện pháp hợp lý” để những người dưới 16 tuổi tránh xa các nền tảng của họ.


Tuy nhiên, luật không quy định hình phạt nào đối với những người trẻ tuổi hoặc phụ huynh vi phạm luật. Các công ty truyền thông xã hội cũng sẽ không thể buộc người dùng cung cấp giấy tờ tùy thân do chính phủ cấp, bao gồm cả thẻ căn cước kỹ thuật số, để xem tuổi của họ. “Ứng dụng nhắn tin”, “dịch vụ chơi game trực tuyến” và “dịch vụ có mục đích chính là hỗ trợ sức khỏe và giáo dục” không nằm trong lệnh cấm, cũng như các trang web như YouTube không yêu cầu người dùng phải đăng nhập để truy cập nền tảng.


Động thái trên của chính phủ Australia đã làm dấy lên nhiều ý kiến tranh luận. Thượng nghị sỹ Karen Grogan của Công đảng cho rằng: Luật này là một công cụ cần thiết, nhưng không phải là “thuốc chữa bách bệnh”. Những người trẻ tuổi vẫn cần phải được đặc biệt quan tâm khi luật cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội được áp dụng hạn chế để đảm bảo rằng có những cách thức mang tính xây dựng giúp kết nối họ với những người xung quanh. Chuyên gia Nicole Palfrey thuộc tổ chức sức khỏe tâm thần Headspace nhận định cần phải cân bằng mọi tác hại từ mạng xã hội với lợi ích của việc kết nối và “tìm kiếm sự giúp đỡ” trực tuyến, đặc biệt là đối với những đứa trẻ sống ở vùng xa xôi hoặc nông thôn. Trong khi đó, nhà tâm lý học lâm sàng Danielle Einstein ủng hộ chiến dịch nâng độ tuổi trẻ em có thể truy cập mạng xã hội với lập luận mạng xã hội không mang lại lợi ích nào cho sức khỏe tâm thần đối với những người trẻ tuổi.


Kết quả một cuộc khảo sát được thực hiện tại Đức sau khi Australia thông qua luật cấm người dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội cho thấy phần lớn người dân Đức đều ủng hộ lệnh cấm. Khoảng 77% trong số khoảng 2.000 người được hỏi cho biết sẽ hoàn toàn hoặc ủng hộ một phần luật tương tự như vừa thông qua ở Australia tại Đức. Chỉ có 13% số người được khảo sát cho biết không đồng tình với lệnh cấm này trong khi số còn lại chưa có câu trả lời. Có tới 82% số người được hỏi hoàn toàn chắc chắn hoặc khá chắc chắn rằng việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội theo một cách nào đó có hại cho trẻ em và thanh thiếu niên. Một số người coi nội dung trên các nền tảng truyền thông xã hội là nguyên nhân gây ra tác hại và nhiều người khác lo ngại hơn rằng phương tiện truyền thông xã hội có thể gây nghiện. Theo khảo sát, khoảng 52% tin rằng cả hai yếu tố đều đóng vai trò như nhau. Mặc dù vậy, có 9% chắc chắn hoặc khá chắc chắn rằng phương tiện truyền thông xã hội không gây hại cho sức khỏe của những người trẻ tuổi.

 


Lợi ích của mạng xã hội trong đời sống hiện đại gần như không thể phủ nhận. Với khả năng kết nối mọi người, mọi lúc, mọi nơi, mạng xã hội trở thành một kênh giao lưu, trao đổi thông tin hữu hiệu. Đây cũng là không gian để mọi người chia sẻ kiến thức hoặc những tin tức cập nhật hàng ngày, là môi trường nhanh nhạy để cập nhật những xu hướng thay đổi từng ngày của xã hội. Mạng xã hội cũng là nơi để mọi người có thể chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ, quan điểm cá nhân một cách nhanh và hiệu quả nhất; đồng thời đây cũng là kênh giải trí tiện lợi của người dùng với nhiều tiện ích tích hợp như: âm nhạc, phim ảnh, trò chơi… Tuy nhiên, bên cạnh nhiều lợi ích không thể phủ nhận, mạng xã hội còn có những tác hại mà nếu như người dùng không biết cách sử dụng hoặc không chủ động kiểm soát được thông tin thì có thể dễ bị cuốn vào những thông tin tiêu cực, rắc rối thậm chí để lại hậu quả khôn lường. Đặc biệt, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi những tác động tiêu cực này.


Giới chuyên gia đã cảnh báo về những tác hại tiềm tàng của AI về thông tin sai lệch, tư tưởng phân biệt đối xử, xâm phạm quyền riêng tư, gian lận và nhiều hành vi phạm quyền con người khác. AI cũng gây ra những rủi ro tiềm ẩn bao gồm quấy rối, kích động thù hận và lạm dụng trực tuyến cũng như đe dọa sự an toàn của trẻ em, quyền riêng tư và nguy cơ thao túng thông tin. Việc lạm dụng mạng xã hội nói riêng và Internet nói chung sẽ khiến trẻ mất tập trung, ảnh hưởng tới não bộ và trí nhớ giảm sút. Thể chất của trẻ sẽ gặp nhiều vấn đề và rơi vào tình trạng rối loạn giấc ngủ. Thậm chí, nghiện mạng xã hội có thể sẽ khiến tâm trạng trẻ trở nên bất ổn; thậm chí rơi vào tình trạng trầm cảm, rối loạn hành vi.


Trong một bài phát biểu kêu gọi kiểm soát mạng xã hội và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tuyên bố các mạng xã hội không được kiểm soát và AI đã khuếch đại những “xung lực tồi tệ nhất của con người”, cho phép ngôn từ kích động thù địch và bạo lực lan truyền nhanh chóng. Điều cần thiết là phải kiểm soát ngôn từ gây kích động và thông tin sai lệch lan truyền trực tuyến. Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng chỉ trích sự phát triển của các công cụ như deepfake, khiến công chúng tin vào những thông tin sai lệch./.

 

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết