Trong thời gian qua, hoạt động chất vấn của Quốc hội đã và đang có nhiều đổi mới, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội nói chung và hoạt động giám sát của Quốc hội nói riêng; đồng thời thúc đẩy trách nhiệm giải trình, liêm chính, sáng tạo của Chính phủ, các thành viên Chính phủ; nâng cao hơn nữa năng lực quản trị quốc gia trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
4 nhóm vấn đề được chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV
Theo chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, từ ngày 10 đến 12/11/2021, Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên Chính phủ về các vấn đề: Y tế; lao động-thương binh và xã hội; kế hoạch và đầu tư; giáo dục và đào tạo.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, công tác chuẩn bị cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã được triển khai thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm quy định của pháp luật. Theo đó, 4 nhóm vấn đề được chất vấn tại kỳ họp này bao gồm: lĩnh vực y tế; lao động, thương binh và xã hội; kế hoạch và đầu tư; giáo dục và đào tạo.
Đối với lĩnh vực y tế sẽ chất vấn về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thời gian vừa qua; chiến lược phòng, chống dịch, chiến lược về vaccine trong thời gian tới. Việc bảo đảm cung cấp và quản lý giá xét nghiệm đối với các vật tư y tế liên quan đến COVID-19; thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm. Giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch về chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng, miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là các vùng khó khăn; định hướng đào tạo, sử dụng và chế độ đặc thù cho đội ngũ cán bộ y tế… Trả lời cho các nội dung này, trách nhiệm chính là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
Đối với nhóm vấn đề lao động, thương binh và xã hội, nội dung chất vấn sẽ xoay quanh việc thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 bảo đảm tiến độ, đúng đối tượng, hiệu quả; công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ mồ côi do đại dịch. Thực trạng, nguyên nhân người lao động rời TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch; các chính sách thu hút lực lượng lao động trở về làm việc và giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc. Việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện cứu trợ thiện nguyện bảo đảm đúng chế độ, chính sách. Trả lời cho nội dung này trách nhiệm chính là Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Đối với nhóm vấn đề về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, nội dung chất vấn là về giải pháp phục hồi phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi phát triển sản xuất và kinh doanh. Công tác chuẩn bị đầu tư được phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch của năm 2021; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia; tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư cho phát triển. Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Đối với nhóm vấn đề về giáo dục, đào tạo, nội dung chất vấn là việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục, đào tạo trong điều kiện COVID-19; công tác dạy học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền; việc giảm tải chương trình học cho học sinh. Việc thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học; phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh. Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.
Các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Cuối cùng, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Dấu ấn đổi mới trong hoạt động chất vấn của Quốc hội
Chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp và quan trọng của Quốc hội, đồng thời là quyền quan trọng của đại biểu Quốc hội được Hiến pháp quy định. Đây cũng là hoạt động dành được sự quan tâm đặc biệt của người dân.
Trong suốt những nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, hoạt động chất vấn liên tục được đổi mới để nâng cao hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội tại các kỳ họp. Đặc biệt nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, hoạt động chất vấn đã có nhiều đổi mới, cải tiến, mang lại những thành quả đáng ghi nhận. Các nhóm vấn đề chất vấn được xem xét, cân nhắc lựa chọn kỹ, là những vấn đề lớn, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế-xã hội.
Ngay tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa XIV đã thu hút sự chú ý đặc biệt của cử tri và nhân dân cả nước bởi có nhiều điểm mới nổi bật. Trong đó, điểm mới đáng chú ý nhất là việc đại biểu Quốc hội được quyền giơ biển tranh luận. Quyền này, không chỉ tăng tính truy vấn, phản biện mà còn thể hiện quyết tâm thực hiện chất vấn đến cùng các vấn đề Quốc hội quan tâm. Chính hình thức mới này đã mang lại không khí sôi động, kịch tính, hấp dẫn hơn cho các phiên chất vấn của Quốc hội. Đây cũng là một bước tiến quan trọng cho thấy rõ nét việc chuyển từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận.
Tại các phiên chất vấn trong các kỳ họp tiếp theo, Quốc hội tiếp tục cải tiến hoạt động thảo luận, chất vấn ở hội trường theo hướng ưu tiên để đại biểu tranh luận làm rõ nội dung, thể hiện tính dân chủ rất cao. Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã bố trí Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời chất vấn trong 2,5 giờ làm việc chính thức. Đây là lần đầu tiên trong nhiều khóa Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ có trọn một buổi làm việc để trực tiếp trao đổi, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Tiếp đó, tại Kỳ họp thứ năm và Kỳ họp thứ sáu, việc tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành theo phương thức "Hỏi nhanh - Ðáp gọn" là một trong những cải tiến, đổi mới quan trọng trong hoạt động chất vấn của Quốc hội. Theo đó, thời gian để mỗi đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn là không quá một phút, sau khi ba đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi, người trả lời chất vấn sẽ trả lời với thời gian dành cho mỗi lần trả lời là không quá ba phút.
Việc cải tiến, đổi mới này nhằm mục đích tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động của Quốc hội. Phương thức này đòi hỏi không chỉ các đại biểu phải chuẩn bị kỹ các vấn đề được dư luận quan tâm mà các bộ trưởng, tư lệnh ngành phải nghiên cứu và nắm vấn đề thực sự sâu sắc để có thể trả lời ngắn gọn, súc tích, vào thẳng nội dung cần trả lời. Đặc biệt, qua phiên chất vấn, cử tri có thể giám sát hoạt động của các đại biểu Quốc hội, giám sát việc thực thi trách nhiệm của các bộ trưởng cũng như các tư lệnh ngành của Chính phủ ngay tại nghị trường.
Tính tranh luận và đối thoại với tinh thần xây dựng cao còn được thể hiện đậm nét trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Khác với các phiên chất vấn trước đó, phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 10 nhằm đánh giá lại một cách toàn diện kết quả triển khai các yêu cầu của Quốc hội được nêu trong các Nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ.
Có thể nói, khởi nguồn từ các chất vấn của đại biểu Quốc hội, nhiều vấn đề tồn tại trong xã hội đã được giải quyết; nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đảm bảo an sinh trong xã hội. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội còn giúp phát hiện những bất cập, hạn chế trong thực thi pháp luật và tìm kiếm các giải pháp khắc phục. Hay nói cách khác, chất vấn là sự cảnh báo của Quốc hội về một vấn đề hay một tình trạng cần được lưu ý giải quyết.
Chất vấn cũng là cơ hội để các Tư lệnh ngành thực hiện trách nhiệm giải trình, minh bạch hóa chính sách. Chính từ hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã gián tiếp tạo ra sự đồng thuận trong thực hiện chính sách không chỉ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và cả các tầng lớp nhân dân trong xã hội./.
Theo TTXVN