Lửa bao trùm một mảng rừng quốc gia Klamath ở bang California, Mỹ - Ảnh: REUTERS
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Fullerton do Viện Nghiên cứu các vấn đề chiến lược quốc tế (IISS) tổ chức tại Singapore vào ngày 27/7 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là một “mối đe dọa hiện hữu”. Trong khi đưa ra thông điệp cam kết hợp tác với các nước Đông Nam Á để giải quyết các mối quan ngại về an ninh chung, ông nhấn mạnh: “Chúng ta đang phải đối mặt với một loạt thách thức trong khu vực và điều này đòi hỏi phải có hành động chung. Có những mối đe dọa hiện hữu xuyên quốc gia như đại dịch và biến đổi khí hậu”.
Qua đây có thể thấy, Bộ Quốc phòng Mỹ hay nói rộng hơn là chính quyền Tổng thống Biden thừa nhận rằng biến đổi khí hậu là một mối đe dọa an ninh quốc gia. Hiện Mỹ đang dành sự quan tâm và nguồn lực đáng kể để đưa vấn đề chống biến đổi khí hậu vào các chính sách và chiến lược quốc phòng.
Với rất nhiều cơ sở để đề cập đến định vị quốc phòng của Mỹ ở châu Á, song bài phát biểu của ông Austin tại Fullerton không tập trung vào quản lý rủi ro an ninh do biến đổi khí hậu gây ra. Nhưng khí hậu là một yếu tố quan trọng định hình tư duy của Bộ Quốc phòng Mỹ trong việc tăng cường quan hệ với các đối tác và liên minh trong khu vực. Đối với Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ (INDOPACOM), việc giải quyết an ninh môi trường là một yếu tố quan trọng trong việc can dự với các đối tác, bao gồm thông qua việc hỗ trợ nâng cao năng lực ứng phó thảm họa ở một khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai cao nhất và dễ bị tổn thương bởi các tác động của biến đổi khí hậu.
Máy bay cứu hỏa lấy nước từ sông Clark Fork, bang Montana, để dập lửa ngày 12-7 - Ảnh: REUTERS
Tác động an ninh của biến đổi khí hậu
Trong khi biến đổi khí hậu thường được hiểu một cách rộng rãi là các tác động, ảnh hưởng đến các nhiệm vụ quân sự, điều đó cũng có ý nghĩa cho việc ứng phó với thiên tai. Nhưng trên thực tế, biến đổi khí hậu có thể sẽ định hình lại một loạt thách thức an ninh rộng lớn hơn nhiều.
Biến đổi khí hậu được Bộ trưởng Austin nêu xen kẽ với nhiều vấn đề khác trong bài phát biểu, bao gồm các động lực xung quanh xung đột vùng xám. Nước biển dâng có thể đẩy nhanh quá trình xây dựng đảo trên các vùng biển ở Biển Hoa Nam (Biển Đông), trong khi số lượng cá di cư suy giảm có thể làm trầm trọng thêm các cuộc đối đầu giữa tàu cá và lực lượng dân quân biển trong vùng biển tranh chấp. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng ven biển do bão và nước biển dâng đe dọa tăng trưởng kinh tế và phát triển con người trong khu vực, trong khi tranh chấp nước xuyên biên giới có thể góp phần gây ra căng thẳng giữa các quốc gia về vấn đề kiểm soát tài nguyên thiên nhiên. Biến đổi khí hậu có thể dẫn đến sự gián đoạn đáng kể, làm xói mòn sự ổn định và thịnh vượng, đồng thời tạo cơ hội tăng tính hợp pháp cho các tổ chức phi nhà nước.
Bên cạnh những điểm dễ bị tổn thương như vậy, các hiện tượng nắng nóng và mưa cực đoan gần đây trên khắp thế giới khiến một số nhà khoa học tự hỏi liệu hệ thống khí hậu có nhạy cảm hơn dự đoán hay không, với những tác động nghiêm trọng hơn xuất hiện khi nhiệt độ tăng lên. Đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, điều này có nghĩa là các cơn bão, lũ lụt, nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng sẽ thử thách khả năng phục hồi của ngay cả những xã hội chịu nhiều thiên tai nhất. Một nghiên cứu khoa học mới đây cũng chỉ ra rằng một số nơi đang phải hứng chịu nhiều hậu quả về biến đổi khí hậu hơn những gì đã dự báo trước đó. Chẳng hạn, rủi ro lũ lụt ven biển do mực nước dâng tại Indonesia đã nghiêm trọng hơn 14 lần so với các dự báo trước đó. Theo báo cáo khoa học khí hậu được công bố gần đây của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), mục tiêu của Thỏa thuận Paris về việc hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5°C có thể không đạt được và sẽ tác động sâu sắc đến con người và an ninh quốc gia.
Ngoại giao khí hậu và lập kế hoạch quốc phòng
Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy và phối hợp với các đối tác trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện Mỹ không đơn độc trong việc này. New Zealand cũng đã đi đầu trong những nỗ lực này trong khu vực, bao gồm cả tại Đối thoại Shangri-La và đã phát triển cách tiếp cận dựa trên nhận thức của khu vực về các mối đe dọa liên quan đến khí hậu. Các nước Đông Nam Á coi biến đổi khí hậu như một vấn đề về an ninh-quốc phòng. Hai thành viên của Đối thoại Tứ giác An ninh (Bộ Tứ) là Nhật Bản và Australia đã nhận ra rủi ro từ biến đổi khí hậu và thể hiện trong các chính sách quốc phòng của họ, với việc gần đây thành lập Nhóm đặc nhiệm về chống biến đổi khí hậu của Bộ Quốc phòng. Liên minh châu Âu, NATO và các tổ chức khác đang đạt được tiến bộ đáng kể trong việc đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào chính sách và kế hoạch quốc phòng; trong khi đó, Bộ Quốc phòng Anh cũng đang cố gắng giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với quốc phòng.
Do tương lai an ninh của các bên ngày càng gắn bó chặt chẽ với châu Á, việc chia sẻ các công cụ, phương pháp và trí tuệ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu có thể hỗ trợ nỗ lực của các quốc gia đồng minh và đối tác trong khu vực nhằm quản lý rủi ro của biến đổi khí hậu. Do vậy, Bộ trưởng Austin đã đưa ra nhiều cách tiếp cận để giải quyết những thách thức đang nổi lên, như tăng cường quan hệ đối tác, chia sẻ thông tin, nâng cao nhận thức về an ninh hàng hải. Điều quan trọng là phải tích hợp các phân tích về cách biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến khu vực này vào trong chính sách quốc phòng. Và Mỹ đang tìm cách làm việc thông qua các thể chế an ninh khu vực hiện có như ASEAN và Bộ Tứ.
Ngoại giao quốc phòng xung quanh vấn đề biến đổi khí hậu cũng là một cơ hội quan trọng để tạo ra những hiểu biết chung về các mối đe dọa trong tương lai và cùng nhau giải quyết những thách thức đó. Thông điệp phòng ngừa mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin đã nêu ra trong bài phát biểu của mình: “Dập tắt một cục than hồng còn tốt hơn là dập tắt một ngọn lửa”. Điều này đặc biệt đúng với một mối đe dọa gia tăng ở quy mô và tốc độ mà biến đổi khí hậu có thể tạo ra trong những năm tới./.
Theo TTXVN