Thứ Bảy, ngày 30 tháng 11 năm 2024

Chính phủ Nhật Bản coi dị ứng phấn hoa là một vấn đề xã hội nghiêm trọng

Ngày phát hành: 04/04/2023 Lượt xem 840

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu tại phiên họp của Hạ viện tại Tokyo. Ảnh Kyodo/TTXVN


   Phát biểu trước Ủy bân ngân sách Hạ viện ngày 3/4, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết chính phủ nước này coi dị ứng phấn hoa là một vấn đề xã hội nghiêm trọng và sẽ tổ chức một cuộc họp với các bộ trưởng liên quan để thảo luận các đối sách phù hợp.


   Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu trên của Thủ tướng Kishida được đưa ra trong bối cảnh tình trạng dị ứng phấn hoa tại Nhật Bản năm nay diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân. Theo một cuộc khảo sát do Bộ Môi trường Nhật Bản công bố ngày 26/3 vừa qua, trong năm 1998, tỷ lệ người dân nước này bị dị ứng phấn hoa là 19,6%, đến năm 2008 là 29,8% và năm 2019 là 42,5%, tức là tăng trung bình 10% mỗi thập kỷ. Trong đó, riêng phấn hoa tuyết tùng đã ảnh hưởng đến hơn 1/3 số người sinh sống tại Nhật Bản.


   Từ đầu tháng 2/2023 khi Nhật Bản bước vào mùa phấn hoa, Bộ Môi trường nước này đã đưa ra cảnh báo lượng phấn hoa từ cây tuyết tùng năm nay có thể đạt kỷ lục ở 12/47 địa phương do nhiệt độ trung bình trong năm ngoái cao hơn các năm trước, mưa ít và nhiều nắng trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8. 


   Tại thủ đô Tokyo, mùa dị ứng phấn hoa năm nay đến sớm hơn 5 ngày so với trung bình 10 năm gần đây và lượng phấn hoa cũng tăng gấp 2,7 lần so với năm ngoái, cao thứ 2 trong vòng 10 năm gần đây. Tại một phòng khám ở Tokyo, người đến khám và điều trị dị ứng phấn hoa đã bắt đầu từ giữa tháng 1, sớm hơn nửa tháng so với thường lệ và đến đầu tháng 2, trung bình mỗi ngày, phòng khám này tiếp nhận khoảng 15 bệnh nhân, cao gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. 
   Theo các chuyên gia về môi trường của Nhật Bản, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ người dị ứng phấn hoa là do số lượng cây tuyết tùng tăng khá mạnh trong thời gian gần đây, bao gồm cả cây trồng lấy gỗ và cây mọc hoang. Bên cạnh đó, các yếu tố về khí hậu, ô nhiễm môi trường và hiệu ứng đô thị cũng góp phần làm tăng khả năng dị ứng và tình trạng dị ứng nghiêm trọng hơn, nhất là đối với những người nhạy cảm với dị ứng.


   Bệnh dị ứng phấn hoa phổ biến tại Nhật Bản trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4 hằng năm khi một lượng lớn cây tuyết tùng đến mùa sinh sản phán tán một lượng lớn phấn hoa ra ngoài không khí. Trung bình mỗi bông hoa tuyết tùng đực phán tán khoảng 400.000 hạt phấn hoa và khi tiếp xúc với con người sẽ gây kích ứng, dẫn đến các hiện tượng chảy nước mũi, hắt hơi liên tục, ngứa mắt, đỏ mắt hoặc nổi mẩn trên da. Tuy không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng người dị ứng phấn hoa sẽ có cảm giác khó chịu trong thời gian ít nhất từ 1 đến 2 tuần, bị giảm khả năng tư duy, tập trung trong học tập và làm việc cũng như bị mất ngủ, thiếu ngủ.


   Từ những năm 80 của thế kỷ trước, Nhật Bản đã coi dị ứng phấn hoa là một trong những căn bệnh quốc gia, tuy nhiên, các loại thuốc điều trị chỉ có tác dụng giảm ảnh hưởng của bệnh mà không thể chữa dứt điểm. Do đó, lần này, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ sớm đưa ra một gói giải pháp đồng bộ và dài hạn để giảm thiểu tác động của bệnh dị ứng phấn hoa đối với sức khỏe người dân./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết