Chuẩn bị để đón đầu cơ hội từ CPTPP.
Ngày 12-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với 100% số đại biểu có mặt bấm nút tán thành.
Như vậy, Việt Nam là nước thứ bảy phê chuẩn Hiệp định này sau Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Ca-na-đa, Nhật Bản, Mê-hi-cô, Xin-ga-po và thời điểm Hiệp định chính thức có hiệu lực đã rất gần. Do đó, chúng ta cần tiến hành ngay những bước chuẩn bị kỹ lưỡng nhất nhằm tranh thủ cơ hội, hóa giải tốt những thách thức đặt ra cũng như thực hiện Hiệp định một cách hiệu quả.
Cơ hội và thách thức đan xen
Các chuyên gia cũng như cộng đồng doanh nghiệp đánh giá, CPTPP mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Trước hết, tham gia CPTPP với tư cách là một trong những thành viên sáng lập, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Bên cạnh đó, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) Trương Ðình Hòe cho rằng: Cơ hội là rất lớn cho thủy sản nước ta, vì hiện các nước CPTPP hằng năm nhập khẩu gần hai tỷ USD hàng thủy sản từ Việt Nam, tương đương 23% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Sau khi CPTPP có hiệu lực, giá trị kinh tế đem lại có thể cao hơn nhiều vì dư địa từ các thị trường này còn khá lớn. Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm cho biết: CPTPP mở ra nhiều thị trường xuất khẩu mới cho dệt may, nhất là một số thị trường Việt Nam chưa ký FTA như Ca-na-đa, Mê-hi-cô và Pê-ru,… Những thị trường truyền thống như Ô-xtrây-li-a cũng sẽ được khai thác tốt hơn. Xuất khẩu dệt may của ta vào Ô-xtrây-li-a hiện mỗi năm mới đạt khoảng hơn 200 triệu USD, là con số khá khiêm tốn vì mỗi năm thị trường này đang nhập khẩu khoảng 9 tỷ USD.
Quan trọng nhất, CPTPP được đánh giá là cơ hội vàng để Việt Nam đẩy nhanh cải cách thể chế trong nước, thúc đẩy vận hành nền kinh tế thị trường một cách toàn diện, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Theo Thạc sĩ Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - CIEM, cải cách thể chế dù mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, nhưng đây cũng vừa là nhu cầu, lại vừa là yêu cầu bắt buộc khi Việt Nam chấp nhận tham gia vào sân chơi chung. Do đó, mấu chốt là Việt Nam phải duy trì được đà cải cách liên tục, có chất lượng sau khi gia nhập CPTPP.
Mặt khác, khi tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn ngay tại sân nhà. Trong khi đó, chênh lệch về trình độ kinh tế giữa Việt Nam và các nước trong CPTPP còn khá lớn, cho nên cũng đặt ra nhiều băn khoăn về khả năng cạnh tranh của nhiều ngành kinh tế chủ chốt. Chủ tịch HÐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương chia sẻ: CPTPP là cơ hội để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam mở rộng thị phần, thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới. Do đó, doanh nghiệp phải đầu tư, nghiên cứu thị trường nhằm phát huy tốt nhất các lợi thế. Thế nhưng, cạnh tranh cũng sẽ gay gắt hơn và nếu không có chiến lược, hướng phát triển bài bản, chúng ta rất dễ bị các đối thủ nước ngoài mạnh về tài chính, quản trị thôn tính.
Kỳ vọng đột phá
Ở chiều ngược lại, đây cũng là cơ hội để thúc đẩy quá trình giảm chi phí kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp trong nước. Là hiệp định chất lượng cao, CPTPP đòi hỏi Việt Nam cần có những bước cải cách đột phá mạnh mẽ trong rất nhiều lĩnh vực giúp môi trường đầu tư kinh doanh trở nên thuận lợi hơn, tạo ra những tiền đề tốt cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa thực chất đi lên. Ngoài ra, CPTPP còn là động lực giúp doanh nghiệp Việt Nam tập trung đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng hàng hóa dịch vụ để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, đủ sức cạnh tranh trong những chuẩn mực khắt khe hơn, từ đó tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các hạng mục chính của Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)
Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường chia sẻ: Ðể tận dụng cơ hội, các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ, nâng cao năng suất không chỉ thông qua tay nghề của người lao động, mà còn qua hệ thống sản xuất, quản lý, tin học hóa trong quản trị và tự động hóa từng bước, từng khâu trong sản xuất, đồng thời chủ động nguồn nguyên phụ liệu trong nước để sẵn sàng đáp ứng các tiêu chí, đơn hàng lớn của các đối tác, khách hàng,…
CPTPP cũng mang lại kỳ vọng trong quá trình sửa đổi, bổ sung các luật để phù hợp theo cam kết CPTPP, tuy nhiên, cần nâng cao năng lực thực thi luật và chế tài xử lý vi phạm. Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh chia sẻ: Tăng trưởng về lượng là quan trọng nhưng với CPTPP, kỳ vọng của Chính phủ đặt nặng hơn vào các thay đổi về chất. Ðây là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao cho nên tác động đến môi trường chính sách lớn hơn rất nhiều so với các FTA trước đây. Xét về tính chất thì tham gia CPTPP giống như gia nhập WTO lần thứ hai. Và nếu WTO đã đem lại những thay đổi về chất cho môi trường thể chế như thế nào thì CPTPP cũng sẽ đem lại những thay đổi lớn như vậy.
Khi tham gia CPTPP, các lợi ích cốt lõi của Việt Nam đều được bảo đảm; chúng ta cũng giành được những bảo lưu và linh hoạt cụ thể để có thể thực hiện Hiệp định một cách hiệu quả, có lợi cho đất nước. Trong quá trình thực thi Hiệp định, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành thường xuyên cập nhật những tác động tổng thể đến nền kinh tế cũng như từng lĩnh vực cụ thể để xây dựng các giải pháp điều hành một cách phù hợp.
HOÀNG VIỆT NDĐT