Thứ Ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024

Chuyên gia Australia đánh giá Việt Nam tham gia thành công mạng lưới sản xuất toàn cầu

Ngày phát hành: 02/11/2022 Lượt xem 746

Việt Nam đã thành công khi tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu và có thể trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ cao khi các vấn đề dài hạn ược giải quyết.

 

Dây chuyền lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty Cổ phần Sun Tech. Ảnh: TTXVN

 

Bình luận trên trang web của Diễn đàn Đông Á (eastasiaforum.org) mới đây, Tiến sĩ Suiwah Leung, Phó Giáo sư Kinh tế Danh dự tại Trường Chính sách Công Crawford, Đại học Quốc gia Australia, một chuyên gia về kinh tế Việt Nam và châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng Việt Nam đang gặp thuận lợi trong lĩnh vực sản xuất điện tử.

Vào tháng 6/2022, Apple thông báo sẽ chuyển sản xuất iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trước đó, Xiaomi của Trung Quốc cũng chuyển sản xuất một số thiết bị sang Việt Nam nhờ khoản đầu tư từ DBG Technology, một công ty con của DBG Electronics Investment Limited ở Hong Kong.

Samsung, một công ty xuất hiện sớm ở Việt Nam, đã đầu tư vào một nhà máy sản xuất trị giá 670 triệu USD ở tỉnh Bắc Ninh vào năm 2014. Kể từ đó, công ty này đã tăng đầu tư lên hơn 17 tỷ USD tại Việt Nam. Intel, một công ty đầu tư sớm khác tại Việt Nam, đã mở một cơ sở lắp ráp và kiểm tra chất bán dẫn trị giá 1 tỷ USD tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2006. Đến năm 2020, công ty này đã mở rộng đầu tư, nâng tổng số vốn lên 1,5 tỷ USD.

Từ năm 2010 đến năm 2020, xuất khẩu hàng điện tử, máy tính và linh kiện từ Việt Nam tăng trưởng trung bình hàng năm 28,6%, với mức tăng trưởng hai con số ngay cả trong những năm trước khi xảy ra căng thẳng thương mại trên thế giới và phong tỏa phòng đại dịch COVID-19. Kết quả này chủ yếu nhờ những cải cách hiệu quả trong nước vào giữa những năm 2000, cụ thể là Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Luật Đầu tư năm 2000.

Các quy định mới, được thực hiện đầy đủ vào năm 2015, tạo điều kiện để Việt Nam tham gia vào lĩnh vực thương mại linh kiện và phụ tùng toàn cầu. Chi phí kinh doanh tại các thành phố của Việt Nam cũng đã được hạ thấp đáng kể vào giữa những năm 2000, giúp Việt Nam có khả năng cạnh tranh trong khu vực.

Là một nước xuất khẩu hàng điện tử, Việt Nam đã tăng từ vị trí 47 năm 2001 lên vị trí thứ 10 vào năm 2020 với giá trị xuất khẩu chiếm 1,8% tổng giá trị xuất khẩu hàng điện tử toàn cầu. Câu hỏi đặt ra là liệu tốc độ tăng trưởng nhanh này có bền vững và liệu Việt Nam có thể giành được vị thế là một trung tâm sản xuất toàn cầu về điện tử hay không.

Chi phí nhân công thấp hơn là một lợi thế rõ ràng của Việt Nam.

Chú thích ảnh
Việt Nam cần khẩn trương nâng cao trình độ lao động để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất. Ảnh: TTXVN

Các cải cách hành chính khác bao gồm nâng cao hiệu quả khai báo thuế và giảm thuế suất tổng thể xuống 2%. Loại thuế quan trọng duy nhất đối với các tập đoàn công nghệ cao của nước ngoài là Thuế thu nhập doanh nghiệp. Các tập đoàn này cũng được miễn thuế doanh nghiệp tới 4 năm.

Chính phủ Việt Nam đã chủ động, với thành công rõ ràng trong việc thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất điện tử và đưa Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Nhưng các vấn đề dài hạn cần phải được giải quyết để trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ cao.

Hạn chế và giải pháp

Theo bà Suiwah Leung, phần lớn ngành sản xuất điện tử ở Việt Nam hiện tập trung vào các hoạt động trung gian trong chuỗi cung ứng - lắp ráp thành phẩm xuất khẩu của các công ty nước ngoài. Các hoạt động thượng nguồn như thiết kế sản phẩm và sản xuất thành phần phụ diễn ra ở các quốc gia khác. Mỹ và Hàn Quốc thường hoàn thiện thiết kế sản phẩm, trong khi Trung Quốc sản xuất thành phần phụ. Các hoạt động hạ nguồn như bán hàng và phân phối cũng diễn ra ở nước ngoài.

Điều này giải thích tại sao giá trị gia tăng trong lĩnh vực xuất khẩu điện tử của Việt Nam bình quân chỉ đạt 55%. Trong trường hợp mà một thành phần quan trọng của hàng điện tử xuất khẩu không phải trong nước, các doanh nghiệp Việt Nam không thể tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định EVFTA mà EU và Việt Nam ký kết năm 2019.

Để nâng cao chuỗi giá trị, Việt Nam nên khẩn trương nâng cao trình độ lao động. Điều đó giúp cung cấp cho các công ty nước ngoài nguồn lao động có tay nghề cao mà họ cần để mở rộng sản xuất. Nó cũng sẽ cho phép sản xuất các linh kiện điện tử trong nước, mà trình độ chuyên môn có thể được nâng lên để đáp ứng với các thiết kế và thiết bị mới mà các công ty "mẹ" tung ra thị trường.

Khoảng trống chuyên môn đang được lấp đầy bởi người nước ngoài và một số Việt kiều trở về từ nước ngoài. Một số nhà sản xuất linh kiện nhỏ của Hàn Quốc đang chuyển sang Việt Nam để cung cấp cho Samsung. Nhưng biện pháp ngắn hạn này không thể thay thế cho giáo dục và đào tạo về lâu dài. Trong khi thời gian đi học trung bình của người Việt Nam là 10,2 năm - chỉ đứng sau Singapore trong ASEAN - thì tỷ lệ nhập học bậc đại học của Việt Nam chỉ là 28,6% vào năm 2019.

Ước tính trong số khoảng 6,9 triệu người ở độ tuổi học đại học ở Việt Nam, chỉ có dưới 2 triệu người đang theo học đại học. Con số này cần phải tăng gấp đôi lên 3,8 triệu để Việt Nam có thể xếp cùng hạng với các nước có thu nhập trung bình cao khác trong vòng 15 - 20 năm. Tiến sĩ Suiwah Leung kết luận: những lợi thế về nhân khẩu học của Việt Nam được dự báo sẽ kết thúc vào năm 2040, không có thời gian để lãng phí trong việc nâng cao trình độ lao động.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết