Thứ Ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024

Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới: Hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững về sức khỏe

Ngày phát hành: 19/10/2022 Lượt xem 482


Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại 1 hội nghị ở Geneva, Thụy Sĩ.

(Ảnh tư liệu: THX/TTXVN) 


Sau hai năm đại dịch COVID-19, hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới (WHS) đã diễn ra tại thủ đô Berlin, Đức. Sự kiện này do Tổng Giám đốc WHO cùng Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp đồng bảo trợ. Không chỉ là một trong những diễn đàn quốc tế quan trọng nhất về sức khỏe toàn cầu, hội nghị WHS 2022 còn xây dựng lộ trình cho một tương lai khỏe mạnh và bình đẳng hơn.

 Chưa thể lơ là với đại dịch COVID-19
Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới (WHS) diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, đang có xu hướng tái bùng phát tại một số quốc gia với nhiều dòng phụ của các biến thể virus SARS-CoV-2.
Kể từ khi virus gây bệnh COVID-19 lần đầu tiên được phát hiện tại Trung Quốc vào cuối năm 2019, tới nay, thế giới đã ghi nhận hơn 630 triệu ca mắc và hơn 6,5 triệu ca tử vong. Trước sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trên diện rộng về mặt địa lý, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 11/3/2020 đã tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu.
Để chiến đấu với cuộc khủng hoảng y tế chưa có tiền lệ, cả thế giới đã cùng chạy đua để tìm cách bào chế ra vaccine phòng COVID-19, thứ vũ khí được xem là hữu hiệu, là lá chắn giúp bảo vệ con người trước nguy cơ nhiễm và lây lan của dịch bệnh. Trong gần 3 năm qua đã chứng kiến những nỗ lực rất lớn của toàn thế giới trong việc đẩy nhanh tỉ lệ bao phủ vaccine. Theo thống kê của tổ chức Our World in Data, tới nay, 68,3% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19. 12,84 tỷ liều đã được tiêm trên toàn cầu và 2,33 triệu liều đang được tiêm mỗi ngày.
Có thể khẳng định đại dịch COVID-19 đã dần được kiểm soát nhờ những bước tiến đột phá trong công tác nghiên cứu, phát triển vaccine cùng chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu. Nhưng hiện có một thực tế là sau khi nhiều quốc gia gỡ bỏ biện pháp phòng dịch, hoạt động tiếp xúc xã hội gần như được khôi phục trở lại mức trước đại dịch và đây chính là yếu tố khiến dịch bệnh dễ lây lan. Ðáng nói là, tốc độ tiêm chủng đang chững lại ở một số quốc gia. Số liều vaccine được tiêm chủng hằng tuần trong tháng 9/2022 ở Liên minh châu Âu (EU) chỉ khoảng 1-1,4 triệu liều, trong khi số liệu được ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái là từ 6 triệu đến 10 triệu liều/tuần.
Giới chuyên gia cảnh báo, các đợt bùng phát dịch COVID-19 mới sẽ quay trở lại trong mùa Đông này, khi tốc độ tiêm phòng chững lại và những biện pháp phòng dịch không còn là quy định bắt buộc ở nhiều nơi. Thực tế này đe dọa gia tăng áp lực lên hệ thống y tế toàn cầu, vốn đã chao đảo do cuộc khủng hoảng nhân lực trầm trọng.
Cụ thể, nước Ðức mới đây ghi nhận gần 114,2 nghìn ca nhiễm mới trong ngày và tỷ lệ mắc bệnh trong bảy ngày có chiều hướng liên tục tăng lên. Bộ Y tế liên bang Ðức cảnh báo, có thể số ca nhiễm thực tế cao gấp ba lần so với con số được công bố. Trong khi Mỹ mỗi ngày ghi nhận hàng trăm ca tử vong do COVID-19. Còn tại Canada, tính đến ngày 3/10, nước này có hơn 5 nghìn ca mắc COVID-19 phải nhập viện điều trị, cao hơn gấp hai lần so cùng kỳ năm ngoái. Singapore dự báo sẽ đối mặt làn sóng dịch COVID-19 mới với bình quân 15.000 ca nhiễm mỗi ngày vào giữa tháng 11 tới. Ngành y tế Singapore đang theo dõi sát tình hình dịch bệnh và tác động của làn sóng lây nhiễm biến thể phụ XBB, còn được biết đến là BA.2.10, tới hệ thống y tế quốc gia...
Thực tế nêu trên đã gióng lên lời nhắc nhở toàn thế giới rằng, đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc; virus SARS-CoV-2 đang tồn tại, không ngừng biến đổi và đe dọa gây ra những đợt bùng phát mới vào bất kỳ thời điểm nào. Thậm chí giới chức y tế Ấn Ðộ còn cảnh báo về mối đe dọa từ biến thể Omicron BF.7 khi Trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học Gujarat đã phát hiện trường hợp đầu tiên trong nước nhiễm biến thể này.
Nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát mạnh trở lại, cùng sự gia tăng của các ca mắc cúm mùa vào mùa Đông, có thể đẩy hệ thống y tế nhiều nước vào khó khăn. Ngành y tế của Anh, Canada... hiện đang vật lộn với bài toán thiếu hụt nhân lực. Một số khoa cấp cứu tại các bệnh viện ở Canada đã phải đóng cửa vào mùa Hè vừa qua do thiếu nhân lực.
Ngoài ra, hội chứng COVID kéo dài với các triệu chứng như khó thở, đau tức ngực, tim đập nhanh, sương mù não khiến nhiều người lao động từng mắc COVID-19 không thể quay trở lại với công việc, dẫn tới lỗ hổng về nhân lực…

 Chung tay hành động ứng phó các mối đe dọa y tế trong tương lai
Ngoài đại dịch COVID-19, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 18/10 còn cảnh báo không nên đánh giá thấp tình hình dịch bệnh trên Trái đất, mặc dù số ca tử vong trong đại dịch COVID-19 đã giảm mạnh. Ông Ghebreyesus khẳng định thế giới vẫn đang phải đối mặt với một thực tế rất khó khăn: đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, bệnh đậu mùa khỉ vẫn đang lan rộng, dịch Ebola ở Uganda và dịch tả đã được báo cáo từ 27 quốc gia, trong đó 11 quốc gia chưa từng xuất hiện dịch tả trước đây.
Ngoài ra, theo người đứng đầu  WHO, các bệnh không lây nhiễm như bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần cũng ngày càng trở thành mối quan tâm lớn. Trong đại dịch COVID-19, số lượng người có vấn đề về sức khỏe tâm thần tăng mạnh, trong đó riêng các trường hợp trầm cảm và lo âu tăng  25%. Nhóm người bị ảnh hưởng đặc biệt là trẻ em vì  phải nghỉ học trong thời gian dài. Bạo lực gia đình cũng xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt là trong các gia đình có không gian sống chật hẹp.
Trong bối cảnh đó, hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới (WHS) là dịp để các nước cùng cam kết hành động để ứng phó với các mối đe dọa y tế trong tương lai. Hội nghị diễn ra trong ba ngày (từ 16 đến 18/10) tại thủ đô Berlin, Đức. Đây là năm đầu tiên sự kiện y tế thường niên này diễn ra trực tiếp với sự tham dự của đại diện đến từ hơn 100 quốc gia, 300 diễn giả và hơn 6.000 khách mời thuộc nhiều lĩnh vực liên quan đến sức khỏe cộng đồng. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp đồng bảo trợ cho sự kiện này.
Hội nghị bao gồm hơn 60 phiên họp và thảo luận, tập trung vào các chủ đề chính như: đầu tư cho sức khỏe và tinh thần; Biến đổi khí hậu và sức khỏe hành tinh; Chuẩn bị để đối phó với đại dịch; Chuyển đổi số; Hệ thống thực phẩm đối với sức khỏe; Khả năng phục hồi và công bằng của hệ thống y tế và cuối cùng là Sức khỏe toàn cầu vì hòa bình. Với các mục tiêu trên, WHS 2022 được kỳ vọng tạo ra sự đồng tâm, hiệp lực bằng cách kêu gọi sự tham gia của tất cả các nhà lãnh đạo y tế toàn cầu và các bên liên quan thuộc nhiều lĩnh vực ở tất cả các khu vực trên thế giới. Không chỉ là một trong những diễn đàn quốc tế quan trọng nhất về sức khỏe toàn cầu, Hội nghị WHS 2022 còn xây dựng lộ trình cho một tương lai khỏe mạnh và bình đẳng hơn.
Tại hội nghị, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định: “Thông qua hội nghị thượng đỉnh Y tế năm 2022 và sự tăng cường hợp tác, chúng tôi mong muốn đẩy nhanh tiến độ hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững liên quan đến sức khỏe và biến thế giới trở thành nơi an toàn hơn cho tất cả mọi người”. 
   Còn Chủ tịch WHS, Giáo sư Tiến sĩ. Axel Radlach Pries-Dekan thì kêu gọi cần phải xây dựng tương lai dựa trên việc cải thiện sức khỏe trên toàn thế giới: bình đẳng về y tế ở mọi nơi với một hành tinh khỏe mạnh là cơ sở. Ông cho rằng hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới 2022 cùng với WHO là diễn đàn để thúc đẩy những mục tiêu này.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz thì nhấn mạnh: “Các diễn đàn như WHS luôn và sẽ không thể thiếu vì chúng đảm bảo rằng các cuộc thảo luận quan trọng có thể diễn ra, tạo ra không gian cho các quan điểm khác nhau và cho phép trao đổi học thuật cấp độ cao nhất, từ đó đặt nền tảng cho việc hoạch định chính sách dựa trên tri thức”.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chia sẻ: “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng hiện nay và trang bị tốt hơn cho đại dịch tiếp theo có thể xảy ra. Đó là trách nhiệm của chúng tôi với tư cách là những nhà lãnh đạo. Để làm tốt hơn, chúng tôi phải hiểu rõ hơn và dựa vào nghiên cứu khoa học. Đó là tất cả những gì có ở WHS”…
   Tại WHS lần này cũng đã đánh dấu việc lần đầu tiên Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thú y thế giới ban hành Kế hoạch Hành động y tế chung nhằm phát hiện và giải quyết các đại dịch tiềm tàng trong tương lai. Kế hoạch chung nói trên nhằm tạo ra một cơ chế để kết hợp các hệ thống và năng lực với nhau, từ đó có thể phối hợp ngăn ngừa, dự báo, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa y tế tốt hơn. Mục tiêu của sáng kiến là nhằm cải thiện môi trường, sức khỏe của con người và động thực vật. Kế hoạch trên kéo dài 5 năm (2022-2026), được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng cường hợp tác, năng lực và phối hợp, từ đó củng cố khả năng phòng thủ của thế giới trước các dịch bệnh và đại dịch trong tương lai như COVID-19.
Trong bối cảnh dân số thế giới được dự báo sẽ lên tới 8 tỷ người vào năm 2023, những áp lực đối với các hệ thống tự nhiên là to lớn và sẽ còn tăng lên. Đại dịch COVID-19 đã để lộ mặt yếu ở mọi lĩnh vực. Kế hoạch này cảnh báo các đại dịch trong tương lai sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, lây lan nhanh hơn, gây tổn thất lớn hơn đến kinh tế thế giới, cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn cả COVID-19, nếu như không có thay đổi trong cách tiếp cận toàn cầu về mối quan hệ giữa con người và môi trường, cũng như cách thức ứng phó và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Cả 4 tổ chức trên đều kỳ vọng kế hoạch có thể giải quyết các nguyên nhân thực sự khiến dịch bệnh xuất hiện, cải thiện công tác ngăn ngừa, chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh, giảm nhẹ tác động của các mối đe dọa y tế.
Ngoài ra, tại hội nghị, các nhà lãnh đạo toàn cầu cũng cam kết xây dựng quỹ 2,6 tỷ USD cho Sáng kiến Xóa bỏ bại liệt toàn cầu (GPEI) 2022-2026. Theo WHO, khoản quỹ này sẽ hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu vượt qua những rào cản sau cùng để hiện thực hóa mục tiêu xóa bỏ bệnh bại liệt, thực hiện tiêm chủng cho 370 triệu trẻ em mỗi năm trong vòng 5 năm tới và tiếp tục thực hiện giám sát căn bệnh này tại 50 nước…/.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết