Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản, ngày 13/10, đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, làm Trưởng đoàn đã tham dự Trao đổi lý luận lần thứ 10 với đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản do đồng chí Tanaka Yu, Ủy viên Thường vụ Đoàn Chủ tịch, Phó Trưởng ban Bí thư Trung ương, làm Trưởng đoàn.
Cuộc trao đổi lý luận lần này giữa hai Đảng có chủ đề “Xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực trong thế kỷ XXI: Tiếp cận mới về thực tiễn và lý luận”. Cuộc trao đổi này diễn ra đúng vào dịp Đảng Cộng sản Nhật Bản vừa kỷ niệm 100 năm ngày thành lập (15/7/1922-15/7/2022) và Đảng Cộng sản Việt Nam vừa tổ chức thành công Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII.
Tại cuộc trao đổi lý luận, hai bên đi sâu trao đổi ý kiến về xu hướng phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới trong thế kỷ XXI, đồng thời chia sẻ các quan điểm và kinh nghiệm trong quá trình tìm tòi đề ra đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội của mỗi Đảng.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đã điểm lại những thành tựu có ý nghĩa lịch sử mà Đảng ta đạt được trong quá trình hơn 35 năm tiến hành đổi mới và hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội thông qua bài viết quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”; đồng thời nhấn mạnh những bước phát triển về lý luận của Đảng ta đã được Đại hội XIII khẳng định với tư duy và tầm nhìn dài hạn có tính chiến lược trong quá trình lãnh đạo và dẫn dắt đất nước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đã đề cập 3 xu hướng phát triển nổi bật của chủ nghĩa xã hội hiện thực trong thế kỷ XXI, đó là xu hướng phát triển hiện đại, xu hướng phát triển đa dạng và xu hướng phát triển lấy con người làm trung tâm; chia sẻ thông tin về đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và về mô hình xã hội chủ nghĩa Việt Nam với 3 trụ cột là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đã nhấn mạnh nhân tố hàng đầu, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam và sự thành công của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng và quan điểm quán triệt sâu sắc bài học “dân là gốc”, nhân dân làm trung tâm của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, là chủ thể của công cuộc đổi mới.
Đồng chí Tanaka Yu đã trình bày khái quát về quá trình phát triển nhận thức về thời đại của Đảng Cộng sản Nhật Bản. Hiện nay, Đảng Cộng sản Nhật Bản cho rằng thế giới đang có “sự chuyển đổi cơ cấu” do sự sụp đổ thể chế thực dân và thắng lợi của hơn 100 dân tộc, quốc gia giành được độc lập, chủ quyền là sự biến đổi lớn nhất trong thế kỷ XXI; khẳng định đây là nguồn gốc sức mạnh lớn nhất để đẩy mạnh hòa bình và tiến bộ xã hội trong thế kỷ XXI.
Đồng chí Tanaka Yu cho rằng thời đại một số ít cường quốc chi phối nền chính trị quốc tế đã kết thúc; thời đại các nước lớn, nhỏ bình đẳng và làm chủ nền chính trị quốc tế đã bắt đầu với một đặc trưng mới là phong trào nhân dân tham gia và đóng vai trò quan trọng trong nền chính trị quốc tế.
Về đặc điểm mới của thế kỷ XXI, đồng chí Tanaka Yu đã nhấn mạnh 3 đặc điểm là nhân loại nỗ lực tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân, sự phát triển hợp tác khu vực cho nền hòa bình thế giới và xu hướng phát triển hướng đến bảo đảm quyền con người trên thế giới, trong đó có bình đẳng về giới đang trở thành trào lưu lớn.
Tại cuộc trao đổi lý luận, các chuyên gia, học giả hai Đảng đã đi sâu trao đổi ý kiến làm rõ thêm nhiều nhận thức mới về lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nhật Bản và trên thế giới.
Cuộc trao đổi lý luận lần thứ 10 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Nhật Bản đã diễn ra với tinh thần trao đổi khoa học, cởi mở, thẳng thắn và xây dựng. Hai bên khẳng định ý nghĩa quan trọng của các cuộc trao đổi lý luận giữa hai Đảng đã đóng góp thiết thực đối với sự phát triển lý luận phục vụ công tác lãnh đạo của mỗi Đảng và xu hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thế giới.
Trước đó, ngày 12/10, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng và đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam đã đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và gặp gỡ cán bộ, nhân viên của các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Nhật Bản./.
Theo TTXVN