Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 9, tại miền Trung, đặc biệt là tại một số địa phương của tỉnh Quảng Nam đã có gió lớn, mưa rất to, làm sạt lở đường giao thông, sạt lở núi, vùi lấp nhiều nhà cửa, gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng và tài sản, nhất là ở các huyện miền núi. Hiện các lực lượng của Quân khu 5 và tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương, tích cực cứu nạn, khắc phục hậu. Tuy nhiên do thời tiết bất lợi, địa hình hiểm trở khiến công tác cứu nạn, khắc phục rất gian nan và khó khăn.
* Liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng
- Vào trưa ngày 28/10/2020, một vụ sạt lở đất do lũ ống, lũ quét nghiêm trọng đã xảy ra tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Vụ sạt lở gây hậu quả nặng nề nhất ở làng Ông Đề, thôn 1 xã Trà Leng với tổng số hộ là 15, tổng số nhân khẩu là 55.
- Cùng ngày, lúc 13 giờ 30 phút, một ngọn núi bất ngờ sạt lở khiến hàng nghìn khối đất đá tràn xuống trung tâm Tăk Pỏ, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, khiến nhiều ngôi nhà cùng tài sản của người dân bị vùi lấp.
- Và cũng ngay tối 28/10, tại thôn Tà Làng, xã Bha Lêê (Tây Giang, Quảng Nam) cũng xảy ra vụ sạt lở núi vùi lấp một nhà dân, 8 thành viên trong gia đình may mắn thoát chết nhờ chạy thoát được ra ngoài.
- Đến 12h ngày 29/10, tại thôn 6 của xã Phước Lộc (giáp giới với tỉnh Kon Tum) xuất hiện một điểm sạt lở vùi lấp 11 người.
- Cũng do bị sạt lở núi trên địa bàn huyện Phước Sơn nên 3.000 người dân tại 2 xã Phước Lộc, Phước Thành đã bị chia cắt giao thông, gây cô lập từ ngày 28/10 đến nay...
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở đất nghiêm trọng, vùi lấp nhiều người tại Quảng Nam.
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 7h00 ngày 31/10/2020, bão số 9 và mưa lũ đã làm 27 người chết, 50 người mất tích, 67 người bị thương. Trong đó chỉ riêng tỉnh Quảng Nam số người chết đã chiếm tới 23 người, mất tích chiếm tới 22 người, và bị thương 46 người.
* Dồn mọi nỗ lực tìm kiếm người mất tích và khắc phục hậu quả
Ngay sau khi nhận được tin về vụ sạt lở đất đầu tiên vùi lấp nhiều người dân ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Công điện khẩn gửi Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân khu 5, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu phối hợp với các lực lượng liên quan tập trung bằng mọi biện pháp cần thiết để khẩn trương cứu hộ, cứu nạn những người bị vùi lấp, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Đêm 28/10: tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp khẩn để bàn giải pháp ứng cứu các nạn nhân. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đồng ý thành lập Sở Chỉ huy tiền phương để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chỉ đạo và một lãnh đạo Quân khu 5 là cấp phó.
Ngay sau cuộc họp khẩn với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về 2 vụ sạt lở nghiêm trọng tại Nam Trà My, đêm 28/10, lãnh đạo UBND tỉnh, Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng tổ chức họp bàn phương án tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân mất tích.
- Ngày 29/10:
+ Rạng sáng 29/10, các lực lượng của Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, địa phương và các ngành liên quan đã tìm cách tiếp cận vị trí sạt lở. Đồng thời thống nhất thành lập 3 sở chỉ huy gồm: sở chỉ huy chính đặt tại Bắc Trà My và 2 sở chỉ huy trực tiếp tại hiện trường ở xã Trà Leng và xã Trà Vân (Nam Trà My).
+ 7 giờ 40 phút, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tới huyện Bắc Trà My, nơi đóng Sở chỉ huy tiền phương, sau đó đi tiếp lên Nam Trà My để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn 53 người mất tích tại Quảng Nam.
+ Đến trưa ngày 29/10, lực lượng chức năng đã tìm thấy 16 thi thể trong hai vụ sạt lở nghiêm trọng khiến 53 người mất tích tại huyện Nam Trà My, trong đó, có 8 nạn nhân là người ở xã Trà Vân và 8 nạn nhân ở xã Trà Leng. Lực lượng tại chỗ cũng tìm thấy 3 thi thể trong vụ sạt lở vùi lấp 11 người tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn.
+ Khoảng 15 giờ, lực lượng cứu hộ Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam... đã tiếp cận được hiện trường điểm sạt lở đất tại thôn 1, xã Trà Leng và tìm được 33 người còn sống và 6 thi thể nạn nhân bị vùi lấp.
- Ngày 30/10:
+ Sáng 30/10, Đoàn công tác của Tỉnh ủy do Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phan Việt Cường dẫn đầu đã có mặt tại Phước Sơn để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn đối với người dân các xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc cùng số công nhân thủy điện Đắk Mi 2 đang bị cô lập do sạt lở. Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quảng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn thông tin, đối với 13 người bị vùi lấp mất tích ở xã Phước Lộc, các lực lượng tại chỗ đã tìm được 5 thi thể. Các tổ công tác do huyện, tỉnh và Quân khu 5 tăng cường vẫn chưa thể tiếp cận khu vực này do sạt lở nhiều điểm với khối lượng rất lớn.
Sau khi nghe ý kiến của địa phương, các ngành liên quan về công tác hỗ trợ khẩn cấp trên địa bàn Phước Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh kết luận, trước mắt thành lập ngay sở chỉ huy tiền phương, đặt tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện. Sở chỉ huy sẽ kịp thời chỉ huy công tác cứu hộ cứu nạn và hỗ trợ cấp bách cho người dân vùng bị cô lập; đặt các tổ ứng trực tại xã Phước Công, Phước Kim.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khẩn trương hỗ trợ lực lượng, trang thiết bị, phối hợp để triển khai các phương án đưa lực lượng tăng cường cho công tác cứu hộ cứu nạn. Đối với xã Phước Thành và Phước Kim với khoảng 3.000 dân, phải tập trung thông đường, tính phương án đảm bảo lương thực, thực phẩm, thuốc men, tuyệt đối không để dân đói rét sau bão số 9.
+ Cùng ngày, Bộ Quốc phòng đã huy động 10.420 cán bộ, chiến sĩ và 243 phương tiện, thiết bị tham gia tìm kiếm cứu nạn và giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.
- Ngày 31/10:
+ Sáng 31/10, tại cuộc họp bàn phương án tiếp tế lương thực cho người dân xã Phước Thành, Phước Lộc, Thượng tá Lê Trung Thành - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tiền phương tại Phước Sơn cho biết sẽ triển khai cả hai phương án đường bộ và đường hàng không để tiếp tế lương thực cho 3.000 người dân xã Phước Thành, Phước Lộc (huyện Phước Sơn) đang bị cô lập.
Theo đó Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Quân khu 5 cử trợ lý công binh đi cùng đoàn dân quân, xung kích để khảo sát, thiết lập đường vận chuyển. Đồng thời Sư đoàn 372 triển khai bay thả hàng tiếp tế ngay khi điều kiện thời tiết cho phép.
Khi thời tiết thuận lợi thì việc cứu trợ bằng máy bay là rất cần thiết, sẽ là nguồn cứu trợ chính, còn hiện tại thì phải theo phương án gùi cõng hàng hóa bằng đường mòn vượt núi. Trên cả 2 mũi tiếp cận xã Phước Lộc và xã Phước Thành, lực lượng công binh cùng tiểu đội tiền trạm phải đi trước để khắc phục những điểm quá khó khăn trên đường rừng. Sau đó các đội gùi hàng của dân quân chia nhóm, đi theo từng đoạn để giữ sức. Hệ thống liên lạc phải dùng bộ đàm vì sóng điện thoại rất yếu. Lực lượng dân phòng địa phương am hiểu về đường đi, các điểm sạt lở nên sẽ đi những chuyến đầu, cắm cờ tại các điểm nguy hiểm, chuẩn bị sẵn dây cáp, ròng rọc để dân quân kéo hàng qua các điểm nguy hiểm. Sau khi đường đi an toàn sẽ tiếp tục huy động lực lượng bộ đội hành quân qua để tiếp cận, cứu trợ đồng bào vùng bị chia cắt.
+ Chiều 31/10, hàng chục tấn gạo cứu trợ đã được tập kết về UBND các xã Phước Chánh, Phước Công, Phước Kim, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) để sẵn sàng chuyển lên tiếp tế 2 xã Phước Lộc và Phước Thành đang bị cô lập. Sáng sớm 1/11 bắt đầu những chuyến gùi hàng đầu tiên./.
Theo TTXVN