Thứ Năm, ngày 28 tháng 03 năm 2024

COVID-19: Dự liệu tình huống xấu nhất để ứng phó hiệu quả

Ngày phát hành: 10/05/2021 Lượt xem 816

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp khẩn với lãnh đạo 6 tỉnh biên giới phía Tây Nam. Ảnh: VGP

 

Trong những ngày qua, tốc độ lây nhiễm dịch bệnh COVI-19 tại Việt Nam diễn ra rất nhanh, hiện đã lan ra 26 tỉnh/thành phố. Tại các cuộc họp gần đây, Chính phủ nhấn mạnh, phải dự liệu các tình huống xấu nhất để sẵn sàng các giải pháp ứng phó phù hợp và hiệu quả. Chính phủ cũng kêu gọi toàn dân không lơ là chủ quan, mất cảnh giác, nhưng cũng không hốt hoảng, lo sợ, phải tỉnh táo, sáng suốt, kiên trì cùng nhau phòng, chống dịch.


* Xử lý người đứng đầu các cấp nếu để xảy ra dịch bệnh diện rộng do nguyên nhân chủ quan
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến 12 giờ ngày 10/5, Việt Nam có tổng cộng 2.012 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 442 ca.  
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nước ta đã có 2.602 ca được điều trị khỏi. Cả nước đang cách ly, theo dõi sức khỏe 59.198 người, trong đó cách ly tại bệnh viện 991 người; cách ly tập trung 25.804 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 32.403 người.
Cũng theo Bộ Y tế, tính đến 16 giờ ngày 8/5, Việt Nam đã tiêm chủng 851.513/917.600 liều vaccine phân bổ, đạt 93%.
Tại cuộc họp khẩn cấp về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với các tỉnh biên giới Tây Nam, sáng 9/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, trong 10 ngày qua, tốc độ lây nhiễm dịch bệnh rất nhanh (26 tỉnh/thành phố), rất khó lường. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do dịch bệnh lây lan từ người nhập cảnh vào cộng với tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; thực hiện phòng, chống dịch không đúng quy chế, không đúng quy trình, không đúng nguyên tắc. Trong khi đó, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây lây nhiễm rất nhanh, khó lường. Cùng với đó tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp ở các nước láng giềng cũng khiến nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nước ta là rất lớn. Việc kiểm soát đường biên giới rất khó khăn, vì điều kiện đường biên giới khu vực Tây Nam dễ tạo điều kiện cho người qua lại trái phép nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập qua biên giới rất lớn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, phải triển khai các biện pháp cứng rắn hơn, mạnh mẽ hơn, tích cực hơn, bám sát tình hình thực tế hơn, để ngăn chặn dịch bệnh. Thủ tướng nhấn mạnh, nơi nào để xảy ra dịch bệnh diện rộng, không thể tổ chức bầu cử, trì trệ kinh tế-xã hội do nguyên nhân chủ quan, dứt khoát phải xử lý người đứng đầu các cấp. Chúng ta không thể lơ là, chậm trễ thêm nữa.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Y tế tiếp tục tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để cơ sở thực hiện tốt 5K, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Từng địa phương tùy theo tình hình để thực hiện giãn cách, hạn chế các hoạt động tập trung, vui chơi, giải trí; bảo đảm vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, xã hội, sản xuất an toàn, sinh kế cho bà con…
Nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của Bí thư, Chủ tịch các cấp, Thủ tướng yêu cầu: Bí thư, Chủ tịch các cấp, từ tỉnh đến huyện, xã, thôn phải vào cuộc với tinh thần cao nhất, chống dịch như chống giặc, mỗi tỉnh là một pháo đài, mỗi huyện là 1 pháo đài, mỗi xã là 1 pháo đài, mỗi người dân là 1 chiến sĩ, là 1 thành viên của pháo đài, thì chúng ta mới ngăn chặn được dịch bệnh.
Đồng thời tiếp tục kêu gọi toàn dân không lơ là chủ quan, mất cảnh giác để phải trả giá đắt, nhưng cũng không hốt hoảng, lo sợ, mất bình tĩnh, phải tỉnh táo, sáng suốt, sáng tạo, bản lĩnh, kiên trì cùng với các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị phòng, chống dịch cho tốt. Mỗi người dân vì chính mình cùng là vì cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Trước tình hình dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân hạn chế đến nơi công cộng, tụ tập đông người không cần thiết; không được chủ quan, lơ là; luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép cần lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời.
Mỗi người cần thực hiện tốt khuyến cáo 5K: Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tập trung đông người-Khai báo y tế để phòng, chống dịch COVID-19; liên hệ với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn khi cần thiết.

* Phải dự liệu các tình huống xấu nhất để sẵn sàng các giải pháp ứng phó hiệu quả
Với đặc thù có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia, nơi dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, những ngày qua, các tỉnh biên giới Tây Nam đã tăng cường lực lượng, bịt kín biên giới cả trên đất liền, trên biển, tạo nhiều tầng, nhiều lớp để hỗ trợ lẫn nhau… Đồng thời, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, tố giác người nhập cảnh trái phép, không tiếp tay cho các đối tượng nhập cảnh trái phép.
Các địa phương cũng xây dựng các kịch bản, thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cách ly tập trung, xét nghiệm, điều trị, bảo đảm trang thiết bị, vật tư y tế để ứng phó với các tình huống dịch bệnh. Đồng thời, triển khai hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm cho các địa phương của Campuchia…
Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam vẫn rất lớn. Theo Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, tuyến biên giới Tây Nam không như phía Bắc, bước qua dòng sông, cánh đồng là qua biên giới… các lực lượng chức năng phải căng mình với 500m/chốt kiểm soát. Chúng ta cần phải tiếp tục tăng cường nhân lực, phương tiện, hỗ trợ vật chất, kịp thời động viên tinh thần đối với các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.
Nhấn mạnh tình hình cấp bách, không thể chần chừ, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chuẩn bị kỹ lưỡng cho tất cả mọi phương án, nhất là việc chuẩn bị các bệnh viện dã chiến. Thủ tướng yêu cầu triển khai thêm một số bệnh viện dã chiến tại An Giang và Đồng Tháp với tổng quy mô hàng nghìn giường, sẵn sàng cho những kịch bản xấu nhất. Cùng với đó, phải khẩn trương hoàn thành xây dựng bệnh viện dã chiến tại Cần Thơ để sẵn sàng cho các tình huống.
Thủ tướng nêu rõ, các lực lượng nòng cốt như biên phòng, công an, dân quân tự vệ, cả hệ thống chính trị và toàn dân phải thực hiện hai nhiệm vụ rất quan trọng: một là bảo vệ bằng được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới; hai là, tiếp tục củng cố, xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị phát triển với Campuchia… Nhiệm vụ quan trọng khác là phải xây dựng, sẵn sàng các kịch bản, phương án rõ ràng, chi tiết với mọi tình huống, nhất là kiểm soát chặt biên giới tại các điểm xung yếu đã được chỉ ra.
Về vấn đề quản lý xuất nhập cảnh trái phép, Phó Thủ tướng cho biết, ở biên giới thì Bộ Quốc phòng lo, nhưng các tỉnh cũng phải chủ động, tăng cường lắp camera giám sát không chỉ ở tuyến biên giới, mà cả ở khu vực đô thị, đầu mối giao thông, những nơi nguy cơ cao… để khi cần sẽ truy vết nhanh được. Đặc biệt, cần phải xử lý triệt để, chủ động ngăn chặn, triệt phá các đường dây nhập cảnh trái phép…
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh phải đánh giá đúng tình hình, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang… Đồng thời chúng ta cũng phải dự liệu các tình huống xấu nhất để sẵn sàng các giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết