Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Cuốn sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp giành thắng lợi trong mọi cuộc chiến

Ngày phát hành: 22/11/2021 Lượt xem 1006


TTXVN (Sputnik) - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia “Sự thật” tại Hà Nội vừa phát hành cuốn sách “Về binh pháp Tôn Tử” của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Nga và tiếng Việt. Bản dịch sang tiếng Nga do Giáo sư-Tiến sĩ Khoa học (GS-TSKH) Vladimir Kolotov, Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Viễn Đông kiêm Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Saint-Peterburg thực hiện.


Luận thuyết xưa vẫn phù hợp với thời đại ngày nay
Cuốn sách của Tôn Tử là bộ lý thuyết Trung Hoa cổ đại nổi tiếng nhất về chiến lược quân sự và chính trị. Cuốn sách được viết vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên nhưng vẫn lưu giữ được tính thời sự của nó cho đến ngày nay. Tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, được nghiên cứu trong các học viện quân sự ở các nước khác nhau. Chuyên luận đã được dịch sang tiếng Nga 3 lần, bản đầu tiên, bản dịch nổi tiếng nhất, do nhà phương Đông học cựu trào của Liên Xô là Viện sĩ Nikolai Konrad chuyển ngữ trong những năm Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.


Năm 2014, GS-TSKH Vladimir Kolotov bắt đầu quan tâm đến tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi chuyên gia Việt Nam học từ Saint-Peterburg viết bài báo nhân kỷ niệm mốc 60 năm chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy và nhà chỉ huy quân sự kiệt xuất của Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nghiên cứu hoạt động của vị tướng Việt Nam, GS Nga đưa ra giả thiết rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sử dụng kế sách của Tôn Tử, ví dụ như “Thượng ốc trừu thê” (hay “Thượng lâu khứ thê” - Lên lầu rút thang), khi bộ đội Việt Nam biến thung lũng lòng chảo Điện Biên Phủ thành chiếc bẫy với quân Pháp, hay “Kim thiền thoát xác” (Ve sầu lột xác), khi Việt Minh xuất hiện trước sự ngỡ ngàng của kẻ thù, không hề hoang mang và thô sơ phân tán như phía Pháp tưởng mà đã tạo được thế mạnh và là đội quân có trang bị tốt. Sau đó, nhà khoa học Nga đã tìm hiểu tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quyết định dịch sang tiếng Nga. GS-TSKH Vladimir Kolotov đã dành cho công việc này hai năm ròng. Bản dịch đã ra mắt, nhưng công trình nghiên cứu còn chưa hoàn thành. Hiện tại, GS-TSKH Vladimir Kolotov đang chuẩn bị để đưa những bình luận chi tiết vào cuốn sách.


Nhà khoa học Nga nhận xét: “Thật khó hình dung rằng vào giữa thế kỷ XX, với trang bị vũ khí tốt, có không quân và xe bọc thép mới nhất, vậy mà quân đội Pháp lại bị đánh bại trên chiến địa xa xôi trước một đối thủ với nền tảng chuẩn bị kỹ thuật kém hơn nhiều. Những kế sách Trung Hoa cổ đại được vị lãnh tụ Việt Nam dịch và truyền đạt cho các chiến sĩ và chỉ huy quân đội non trẻ của đất nước lại hoàn toàn có hiệu quả trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa thực dân châu Âu. Toàn bộ cuốn sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh toát lên niềm tin tất thắng. Bởi người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã áp dụng một cách xuất sắc một trong những kế sách chính trong Binh pháp Tôn Tử: ‘Chiến thuật tốt nhất là đánh bại âm mưu của kẻ thù. Tiếp đến, cắt đứt liên lạc của chúng. Sau đó, phá vỡ đội quân của chúng. Chiến lược tồi tệ nhất là bao vây pháo đài’. Có không ít ví dụ điển hình về việc áp dụng những đạo luật chiến tranh mà nhà thông thái Trung Hoa đã tổng kết vào cuộc kháng chiến lần thứ hai của quân dân Việt Nam chống Mỹ cứu nước. Không phải vô cớ mà người Mỹ nhắc rằng các nhà chỉ huy quân sự Việt Nam đã thuộc lòng ‘Quy luật chiến tranh’ theo bản dịch của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Tôn Tử biết rõ cái giá phải trả khủng khiếp của chiến tranh và cho rằng chiến thắng lý tưởng trước kẻ thù đạt được bằng các phương pháp ngoại giao mà không cần tham chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn nhất trí với nhà tư tưởng Trung Hoa cổ đại về điều này. Đất nước Việt Nam hiện đại tiếp tục sống theo di huấn của  Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện nghệ thuật giữ cân bằng và ngoại giao khôn khéo./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết