Thứ Ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024

Đoàn công tác nhóm 3 làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về tổng kết công cuộc đổi mới trong 40 năm qua

Ngày phát hành: 16/10/2023 Lượt xem 623

Ngày 13/10, Đoàn công tác nhóm 3 (thuộc Ban chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam) đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH).

 

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung và Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương Phạm Văn Linh chủ trì buổi làm việc. Về phía Bộ LĐTBXH có Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ tham dự.

 

 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biêu chỉ đạo buổi làm việc 

 

Không thể tách rời vấn đề xã hội và phát triển kinh tế

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao công tác chuẩn bị của Ban Cán sự Đảng Bộ LĐTBXH cũng như quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng là chính sách xã hội thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của chế độ, góp phần quan trọng trong bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho nhân dân; tạo điều kiện để nhân dân tham gia và thụ hưởng ngày một tốt hơn thành quả của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước.

 

"Vấn đề xã hội phải nằm trong tư duy phát triển, lựa chọn mô hình kinh tế. Các mục tiêu xã hội hiện nay chỉ đạt được khi chúng ta có mô hình kinh tế bền vững hơn như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tri thức, … thay thế mô hình phát triển dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Xác định yêu cầu không thể tách rời vấn đề xã hội và phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng cho rằng cần làm rõ mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, rút ra bài học kinh nghiệm trong khắc phục, điều tiết mặt trái của kinh tế thị trường bằng các công cụ, chính sách xã hội rõ ràng, cụ thể.

 

Phó Thủ tướng đề nghị Ban Cán sự Đảng Bộ LĐTBXH cần tiếp tục phân tích thực tiễn, rút ra những vấn đề lý luận theo tư tưởng, quan điểm, mục tiêu của Đảng về mô hình phát triển, thể chế chính trị, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong từng giai đoạn phát triển. Từ đó xác định những vấn đề ưu tiên giữa phát triển kinh tế với thực hiện các chính sách xã hội trong giai đoạn sắp tới.

 

Đồng thời, Ban Cán sự Đảng Bộ LĐTBXH cần làm rõ hơn nội hàm khái niệm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tham khảo kinh nghiệm vận hành mô hình an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường, vai trò của nhà nước, sự tham gia của tư nhân từ các quốc gia trên thế giới.

 

Thay đổi căn bản trong nhận thức và thực tiễn về vấn đề xã hội, chính sách xã hội, kết hợp phát triển hài hòa giữa kinh tế - văn hóa - xã hội

 

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung chia sẻ, Bộ LĐTBXH là đơn vị được giao nhiệm vụ giúp Đoàn công tác nhóm 3 trong công tác nghiên cứu, tổng kết về xây dựng hoàn thiện các chủ trương, cơ chế, chính sách đối với các nhóm vấn đề xã hội. Tuy nhiên, đây là nhóm vấn đề có phạm vi rộng, bao gồm an sinh xã hội, y tế, giáo dục, môi trường, … vượt qua các lĩnh vực đa ngành mà Bộ đang quản lý.

 

Theo Bộ trưởng, thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã có hai lần tổng kết lớn, đó là: Tổng kết công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa sau 30 năm và Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020, đưa ra định hướng 10 năm tới. Từ đó, cần vận dụng kết quả từ hai lần tổng kết để nghiên cứu, chỉ ra những vấn đề căn cốt, cô đọng và quan trọng nhất nhằm hoàn thiện Báo cáo Tổng kết về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm ở Việt Nam và đưa vào dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

 

“Đảng, Nhà nước và xã hội đang có những thay đổi căn bản trong nhận thức và thực tiễn về vấn đề xã hội, chính sách xã hội cũng như việc kết hợp phát triển hài hòa giữa kinh tế - văn hóa - xã hội, từ đó yêu cầu cần phát triển chính sách xã hội theo từng bước, từng lĩnh vực” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

 

Dẫn chứng bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đặt vấn đề, khi bàn về chủ nghĩa xã hội thì cần đặt mục tiêu phát triển một xã hội thực sự vì con người, không vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc.

 

Bộ trưởng đề xuất trong lộ trình phát triển, Đảng và Nhà nước cần chuyển từ an sinh xã hội, chăm lo cơ bản từng bước sang phúc lợi xã hội, thay đổi từ chăm lo cho một bộ phận người yếu thế ở mức tối thiểu trở thành toàn bộ nhân dân đều được thụ hưởng thành quả của sự phát triển của kinh tế - xã hội và có cuộc sống chất lượng cao. Tại đây, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, chỉ đảm bảo hỗ trợ 100% cho một số bộ phận nhân dân như người có công, người mất khả năng lao động, … các trường hợp còn lại thì Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần hoặc định hướng về chính sách hỗ trợ.

 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất vấn đề xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, hiện đại, thích ứng và linh hoạt, đưa Việt Nam là quốc gia tiên phong trong vấn đề việc làm thỏa đáng, công bằng và an sinh xã hội bền vững, hai trụ cột của sự phát triển bền vững. Lấy thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập là cơ bản nhất cho phát triển chính sách xã hội.

 

Đồng thời, xác định mô hình an sinh xã hội trong hiện tại và tương lai, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam cần chọn lọc những tinh túy của 04 mô hình an sinh xã hội trên thế giới để phát triển, theo các hướng: Mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách xã hội; Đa dạng hóa sự tham gia của xã hội, trao quyền cho xã hội, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo; Xây dựng thị trường lao động đúng nghĩa linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập làm nền tảng phát triển cho tất cả các vấn đề; Phát triển dịch vụ xã hội, tạo ra một xã hội thực sự mà Nhà nước chỉ giữ vai trò chủ đạo.

 

Nhiều kết quả nổi bật từ an sinh xã hội trong công cuộc đổi mới

 

Báo cáo với Đoàn công tác nhóm 3, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Văn Hồi cho biết, các chính sách xã hội của đất nước không ngừng được hoàn thiện, từng bước nâng cao chất lượng, mức hỗ trợ và mở rộng diện bao phủ theo hướng công bằng, tiến bộ, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, cơ bản bảo đảm an sinh của người dân theo quy định của Hiến pháp.

Về các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công và thân nhân, có trên 1,2 triệu người đang hưởng ưu đãi hàng tháng, cơ bản hỗ trợ dứt điểm đối với hộ người có công gặp khó khăn về nhà ở; 98,6% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn.

 

Đối với thể chế thị trường lao động thì từng bước được hoàn thiện, trở thành giải pháp cơ bản tạo việc làm bền vững; tỷ lệ thất nghiệp chung ổn định dưới 3%, thất nghiệp thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 đạt 67%.

Trong lĩnh vực an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội (BHXH) đã từng bước phát triển, khẳng định vai trò là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, năm 2022, diện bao phủ BHXH đạt 38,08% và bảo hiểm thất nghiệp đạt 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi; có 1,46 triệu người tham gia BHXH tự nguyện.

 

Nhiều chính sách trợ giúp xã hội (TGXH) đã mở rộng về đối tượng và tăng mức hưởng. Số người hưởng TGXH thường xuyên tăng hàng năm, đạt 3,3 triệu người năm 2022 (chiếm 3,5% dân số). Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra, nhiều người dân được hỗ trợ kịp thời từ chính sách TGXH đột xuất.

 

Về đảm bảo mức tối thiểu các dịch vụ xã hội cơ bản, trong giáo dục tối thiểu, trẻ em đi học đúng tuổi cấp tiểu học đạt 99% từ năm 2015, cấp trung học cơ sở đạt trên 95% từ năm 2020, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết chữ đạt 97,85%. Tính đến nay, cả nước có độ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 92% dân số, trên 90% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 10,8%; 90% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo được phủ sóng phát thanh mặt đất, truyền hình mặt đất.

 

 

Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết