Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (giữa) tại Hội nghị thượng đỉnh EU-CELAC 2023 diễn ra Brussels, Bỉ.
(Ảnh: news.cgtn.com)
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribê (CELAC) đã khép lại với nhiều nội dung quan trọng đạt được sau hai ngày nhóm họp ở thủ đô Brussels của Bỉ. Sau 8 năm gián đoạn, thành công của hội nghị lần này được kỳ vọng tạo ra khởi đầu mới cho mối quan hệ giữa hai khu vực dựa trên nền tảng các giá trị chung.
Nền tảng hợp tác dựa trên các giá trị chung
EU và CELAC có mối quan hệ đối tác lâu dài dựa trên các giá trị chung và cam kết chung về dân chủ, tôn trọng nhân quyền và pháp quyền. Đây là hai khu vực đại diện cho hơn 1/3 số thành viên của Liên hợp quốc và là lực lượng cho một hệ thống đa phương mạnh mẽ. Hai khu vực cũng chia sẻ một tầm nhìn chung về bảo vệ hành tinh, có chung ý chí để có thể cùng nhau hướng tới một mục tiêu trong tương lai. Đối với các vấn đề mang tính toàn cầu, EU và CELAC phối hợp và hỗ trợ để đối phó các thách thức chung, tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Tại Hội nghị thượng đỉnh EU-CELAC lần thứ nhất diễn ra tại Santiago de Chile, thủ đô của Chile năm 2013, hai bên đã tập trung vào hợp tác thương mại, thúc đẩy đầu tư chất lượng trong lĩnh vực xã hội và môi trường. Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai, ở Brussels, Bỉ, vào năm 2015, các nhà lãnh đạo hai bên đã nhất trí cùng nhau hành động vì một xã hội thịnh vượng, gắn kết và toàn diện hơn.
Trong hợp tác kinh tế, EU hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại khu vực Mỹ Latinh và Caribê trong bối cảnh khu vực này đang là thị trường mới thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribê (CEPAL) mới đây cho biết, FDI vào khu vực này đã tăng 55,2% trong năm 2022, lên mức kỷ lục 224,579 tỷ USD. Trong số các nhà đầu tư nước ngoài, EU (không bao gồm Hà Lan và Luxembourg) chiếm 17%. EU hiện đang triển khai khoản đầu tư kéo dài tới năm 2027 vào khu vực Mỹ Latinh và Caribê, trị giá hơn 45 tỷ euro. Ðây là khoản đầu tư quốc tế nằm trong khuôn khổ chương trình Global Gateway, một sáng kiến của EC nhằm cung cấp khoảng 300 tỷ euro cho các dự án phát triển bền vững, chủ yếu là chuyển đổi xanh và kỹ thuật số ở khu vực Mỹ Latinh và Caribê, châu Phi, châu Á-Thái Bình Dương. EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của CELAC, với gần 300 tỷ euro giá trị thương mại song phương trong năm 2022 đồng thời đóng góp nhiều nhất về hỗ trợ phát triển cho khu vực Mỹ Latinh và Caribê.
EU cũng đang tìm cách đẩy nhanh thỏa thuận thương mại đã đạt được năm 2019 với Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), khối kinh tế lớn thứ 5 thế giới ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe, gồm Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay. Quá trình phê chuẩn thỏa thuận này hiện bị đình trệ tại các thành viên EU, do những lo ngại từ phía EU về hoạt động bảo vệ môi trường ở các nước thành viên MERCOSUR, nhất là nạn chặt, phá rừng ở Amazon.
Ở lĩnh vực tài nguyên, Mỹ Latinh và Caribê có những nguồn tài nguyên cần thiết cho châu Âu, trong khi khu vực này lại cần ở Lục địa già công nghệ, kết quả nghiên cứu và khoa học để có thể khai thác một cách hiệu quả hơn nguồn tài nguyên. Bên cạnh đó, những khó khăn chung về nguồn cung nhiên liệu hiện nay trên thế giới đã thúc đẩy EU tìm kiếm những đối tác đáng tin cậy cũng như đa dạng hóa chuỗi cung ứng, trong đó khu vực Mỹ Latinh và Caribe nổi lên như một trong những nhà cung cấp năng lượng sạch giàu tiềm năng.
Cơ hội mở rộng hợp tác toàn diện
Trong Hội nghị Thượng đỉnh EU-CELAC diễn ra ngày 17 và 18/7, các nhà lãnh đạo đã đề cập đến nhiều chủ đề nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác, bao gồm tăng cường hợp tác trong các diễn đàn đa phương, hòa bình và ổn định khu vực, thương mại, đầu tư, phục hồi kinh tế, chuyển đổi kỹ thuật số và sinh thái công bằng, nỗ lực chống biến đổi khí hậu, nghiên cứu và đổi mới, công lý và an ninh cho công dân. Hội nghị khép lại thành công khi các bên nhất trí thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác EU-CELAC và ký kết nhiều thỏa thuận thương mại.
Hội nghị đã củng cố hơn nữa quan hệ đối tác giữa EU và các quốc gia CELAC về các ưu tiên chung, về kỹ thuật số và chuyển đổi xanh, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học, sức khỏe, an ninh lương thực, di cư, an ninh và quản trị hoặc cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia.
Tại Hội nghị, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và Banco Santander đã ký khoản vay trị giá 300 triệu euro để hỗ trợ thành lập một loạt nhà máy quang điện quy mô nhỏ ở Brazil, một phần trong chiến lược Cổng Toàn cầu của EU. Tương tự, EIB cũng công bố khoản vay 200 triệu euro cho Banco del Estado de Chile để tài trợ cho những ngôi nhà mới với tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng tốt hơn và khoản vay 100 triệu euro để hỗ trợ ngành công nghiệp hydro tái tạo đang phát triển của Chile.
Trong lĩnh vực kỹ thuật số, EU và nhiều nước Mỹ Latinh và Caribê đã nhất trí thành lập Liên minh kỹ thuật số EU-LAC. Đây sẽ là một khuôn khổ hợp tác về các vấn đề kỹ thuật số vì lợi ích của công dân của cả hai khu vực và tái khẳng định cam kết đối với quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.
Trái với dự đoán ban đầu, hội nghị đã ra Tuyên bố chung và chỉ duy nhất Nicaragua không nhất trí với một mục đề cập đến cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine. Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel bày tỏ hài lòng vì đạt được quan điểm vững chắc của 60 quốc gia. Cũng trong Tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo EU và CELAC đã nhất trí sẽ nhóm họp thượng đỉnh hai năm/lần. Điều này sẽ giúp hai bên hội tụ tốt hơn lợi ích và tầm nhìn của mình.
Đánh giá về hội nghị thượng đỉnh này, Thủ tướng Saint Vincent và Grenadines, Ralph Gonsalves, Chủ tịch lâm thời của CELAC, nhấn mạnh đây là "sự kiện lịch sử", khi đạt được tiến bộ cụ thể với việc thỏa thuận "hậu Cotonou" cuối cùng đã được thông qua. Thỏa thuận này thiết lập khuôn khổ pháp lý cho quan hệ giữa EU và 79 quốc gia châu Phi, Caribê và Thái Bình Dương.
Trong khi đó, phát biểu họp báo sau khi kết thúc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết thượng đỉnh EU-CELAC 2023 giống như một khởi đầu mới giữa những người bạn cũ. Hiện tại là thời điểm có nhiều thay đổi địa chính trị và EU, các đối tác Mỹ Latinh và Caribe cần xích lại gần nhau hơn. Bà von der Layen nhấn mạnh với Chương trình đầu tư Cổng Toàn cầu, EU sẽ đầu tư hơn 45 tỷ euro vào khu vực với mong muốn mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và tạo ra chuỗi giá trị. Đây là tinh thần hợp tác của hai khối.
Theo giới chuyên gia, với tiềm năng hợp tác lớn, hội nghị thượng đỉnh lần này là cơ hội để EU và CELAC mở rộng hợp tác toàn diện cùng có lợi, cùng nhau đối phó thách thức chung toàn cầu, vì sự phát triển của hai khu vực và trên thế giới./.
Theo TTXVN