Thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2024

Những điều đặc biệt tại AMM-56 và vai trò tích cực của Việt Nam

Ngày phát hành: 18/07/2023 Lượt xem 1143


Theo ý kiến giới quan sát nhận định, tại AMM-56, Việt Nam tiếp tục thể hiện sự tiếp nối các cam kết và trách nhiệm của mình đối với khu vực và với công việc chung của ASEAN.


AMM-56 có gì đặc biệt?


Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Hoàng nhận định: “AMM-56 diễn ra trong bối cảnh cuộc cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc không hề có dấu hiệu hạ nhiệt mà còn diễn biến phức tạp hơn. Mỹ cố gắng lôi kéo một số quốc gia ASEAN tham gia vào liên minh chống Trung Quốc, còn Trung Quốc thì đang lần lữa trong việc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với Việt Nam và một số quốc gia ven Biển Đông”.


Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm cho rằng: “Trong nội bộ khối ASEAN cũng nổi lên vấn đề an ninh nội địa của Myanmar cũng như một số quan hệ song phương nội khối. Vì vậy, AMM-56 không chỉ có Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN mà là một chuỗi 18 cuộc họp về 8 vấn đề trọng tâm và nhiều mối quan hệ mới của ASEAN với thế giới”.


Ngoài các cuộc họp với đối tác chiến lược đã có, ASEAN còn có 2 cuộc họp 3 bên giữa Chủ tịch ASEAN và Ban Thư ký ASEAN với hai đối tác mới là Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một ví dụ cho thấy sức hấp dẫn của ASEAN đã tăng lên rất đáng kể ở cả châu Á, châu Âu, châu Mỹ Latinh.


Đây cũng là Hội nghị AMM có 29 quốc gia tham dự, với hơn 1.100 đại biểu; trong đó, đáng chú ý là phái đoàn của Liên minh châu Âu (EU). Bộ trưởng Ngoại giao của các đối tác của ASEAN là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ cũng tham gia các phiên họp mở rộng và các phiên họp song phương AMM+ giữa ASEAN với các đối tác (PCM).


4 vấn đề rất mới, được dư luận quan tâm


Theo ông Nguyễn Hoàng, trong chương trình nghị sự có 4 vấn đề rất mới, được dư luận hết sức quan tâm, gồm:


Thứ nhất, thúc đẩy quá trình biến ASEAN thành khu vực không có vũ khí hạt nhân, tiếp tục thúc đẩy các đối tác đang sở hữu vũ khí hạt nhân tham gia Nghị định thư Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) nhằm kiến tạo hòa bình bền vững.


Thứ hai, định hình các cấu trúc bảo đảm an ninh lương thực, hợp tác nội khối và ngoại khối về y tế, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và chuyển đổi năng lượng.


Thứ ba, tăng cường hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) nhằm thúc đẩy hợp tác về quyền con người trên nhiều lĩnh vực.


Thứ tư, thiết lập quan hệ giữa ASEAN với Hiệp hội vành đai Ấn Độ Dương (IORA) và tham gia Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF) như một phần trong nỗ lực triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP) nhằm duy trì ổn định và hòa bình khu vực; song song với việc triển khai AOIP bằng cách lồng ghép hợp tác với các nước.


Những hoạt động đáng chú ý của đoàn Việt Nam


Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Trưởng đoàn đã tham dự toàn bộ các cuộc họp toàn thể, họp kín và họp hẹp trong khuôn khổ AMM-56. Đoàn Việt Nam còn tham dự các cuộc họp với các đối tác của ASEAN cũng như hội đàm với các đối tác của Việt Nam. Tiến sĩ quan hệ quốc tế Hoàng Giang bình luận: “Đoàn Việt Nam đã có một chương trình hoạt động, làm việc dày đặc tại AMM-56. Điều này thể hiện rất rõ vai trò tích cực và vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam trong cấu trúc ASEAN và khu vực”.


Tại hội nghị lần này, đoàn Việt Nam tham dự trên 20 cuộc họp, góp phần tăng cường đoàn kết, đồng thuận trong ASEAN, tăng cường hợp tác giữa ASEAN với các đối tác. Chuyên gia Nguyễn Hoàng đánh giá: “Đóng góp đáng chú ý nhất của phái đoàn Việt Nam là tham mưu cho Ban Thư ký ASEAN hoàn chỉnh nội dung bàn thảo về nâng cao năng lực và hiệu quả thực hiện các thể chế của ASEAN, rà soát quá trình thực hiện Hiến chương ASEAN nhằm điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và tình hình mới”.


Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nhận xét: “Điều đáng chú ý là trong phiên họp hẹp, phái đoàn Việt Nam đã yêu cầu các đối tác tôn trọng lập trường nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông, tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN đóng góp cho hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực bằng lời nói và hành động. Điều đó có nghĩa là những ý kiến đi ngược lại nguyên tắc lập trường của ASEAN về vấn đề Biển Đông nói riêng cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực nói chung sẽ không được hoan nghênh”./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết