Thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2024

EU đã chạm 'điểm tới hạn'?

Ngày phát hành: 28/03/2022 Lượt xem 1289

Nằm trong chuỗi hoạt động ngoại giao đặc biệt sôi nổi của lãnh đạo phương Tây, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã không thông qua được quyết định lớn nào, dù có sự hiện diện lần đầu tiên trong lịch sử của một tổng thống Mỹ. 

 

Toàn cảnh Hội nghị Hội đồng châu Âu ở Brussels, Bỉ ngày 24/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN

 

Chỉ chưa đầy 5 tuần lễ, EU đã phải tổ chức đến 3 cuộc họp thượng đỉnh. Tần suất gặp nhau dày đặc của các nhà lãnh đạo, chưa kể các cuộc điện đàm và các khuôn khổ trao đổi theo nhóm nhỏ giữa nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước thành viên, cho thấy sức nóng mà cuộc khủng hoảng Ukraine đang phả sang khắp châu Âu. Đặc biệt, với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Hội nghị thượng đỉnh EU và những sự kiện khác là màn phô diễn sự gắn kết của phương Tây giữa lúc môi trường an ninh quốc tế đứng trước thách thức rất lớn. Thế nhưng, ngoại trừ việc thông qua bản Định hướng chiến lược, những kết luận của hội nghị vẫn còn tương đối mơ hồ. 

Trong thông cáo chung đưa ra sau cuộc họp hai ngày, các nhà lãnh đạo khẳng định “EU sát cánh cùng Ukraine và người dân của nước này, Hội đồng châu Âu tái khẳng định tuyên bố Versailles, ghi nhận xu thế hướng tới châu Âu của Ukraine, như đã thể hiện trong Thỏa thuận liên kết”. Tuy nhiên, từ ngữ mới chỉ đơn giản đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra ý kiến về quy trình kết nạp Ukraine “phù hợp với các điều khoản của các hiệp ước”. Không có đột phá nào về chủ đề gai góc này, bởi vì việc “cho ý kiến” chỉ để tỏ thiện chí với quốc gia muốn gia nhập, quy trình này kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng trước khi bắt đầu một giai đoạn đàm phán dài dằng dặc với đầy rẫy những biến số phức tạp. 

Về bản Định hướng chiến lược của EU, đây là văn kiện rất quan trọng đánh giá những thách thức mà EU phải đối phó, vạch ra đường lối an ninh quốc phòng của cả khối từ nay đến 2030. Văn kiện này được soạn thảo với sự chủ trì của Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại Jossep Borrell, đặt ra mục tiêu thành lập một lực lượng chung của EU có quân số 5.000 người, có khả năng triển khai nhanh trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng quốc tế lớn. Chiến lược cũng vạch ra một số nét chính để củng cố khả năng đối phó với các cuộc tấn công tin học, sử dụng hiệu quả năng lực quân sự của EU phù hợp với các yêu cầu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Quá trình xem xét tại cuộc họp chỉ có ý nghĩa thủ tục vì đã được các ngoại trưởng thông qua ngày 21/3, đúng theo thời gian biểu được xác định từ rất lâu trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Việc văn kiện được ban hành một cách gấp gáp giữa lúc kết cục cuộc chiến chưa rõ ràng, cũng như ảnh hưởng của văn kiện đối với tương lai cấu trúc an ninh châu Âu và thế giới còn nhiều ẩn sổ khiến cho nhiều người hoài nghi liệu Định hướng chiến lược có đủ tầm để vạch ra hướng đi phù hợp cho EU hay không. 

Một trong những điều đáng tiếc là EU đã không nhất trí được giải pháp để xử lý tình trạng giá năng lượng  leo thang thời gian qua, gây ra những tác động lớn. Có thể thấy rõ sự chia rẽ mạnh mẽ trong vấn đề năng lượng. Những ngày gần đây, không khó để nhận thấy cuộc chiến ở Ukraine ngày càng ảnh hưởng rõ hơn đối với đời sống kinh tế-xã hội châu Âu. Không chỉ là hình ảnh dòng người lánh nạn từ Ukraine đổ sang các nước láng giềng, mà sự nhảy múa của giá cả, đặc biệt là giá nhiên liệu, và nỗi lo về nguy cơ thiếu lương thực đang làm cho đa số người dân và doanh nghiệp ở tất cả các nước lo âu. Tây Ban Nha đi đầu vận động EU can thiệp vào giá năng lượng, nhấn mạnh giá khí đốt tăng làm cho giá điện tăng theo. Thủ tướng Tây Ban Nha đe dọa sẽ phủ quyết kết luận của hội nghị nếu không được thỏa mãn. Tuy nhiên, Đức và Hà Lan chống đối kịch liệt, vì cho rằng nếu giá tăng, không có cách nào khác là phải cắt giảm nhu cầu hoặc ngừng mua. EU đã thỏa hiệp vào phút chót, chấp nhận để Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha được áp dụng một số biện pháp tạm thời trái với quy tắc về thị trường điện lực châu Âu nhằm chống lại việc giá điện tăng quá cao. 

Xu hướng tăng giá năng lượng, những hệ lụy của nó đến lạm phát, tăng trưởng kinh tế và đặc biệt là khó khăn trong việc tìm nguồn cung phù hợp là những nguyên nhân quan trọng khiến cho lãnh đạo EU khó đạt được sự đồng thuận cần thiết để tiếp tục thắt chặt các biện pháp gây sức ép đối với Nga, chủ đề quan trọng của hội nghị. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có bài phát biểu trực tuyến, hô hào EU tăng cường trừng phạt Nga. Tuy vậy, đối mặt với thực trạng khó khăn, tương lai còn bấp bênh hơn, EU khó có thể đưa ra quyết định một cách chóng vánh. Đến nay, EU đã sử dụng gần hết những đòn bẩy nắm trong tay để gây sức ép với Nga, lá bài hiệu quả cuối cùng là chấm dứt mua năng lượng, nhưng giữa mong muốn và thực hiện là một khoảng cách rất lớn. 

Trong suốt tuần qua, lãnh đạo nhiều nước liên tục đưa ra những tuyên bố trái ngược về việc cấm vận năng lượng Nga. Đối với Đức, Ba Lan, Đan Mạch, giới hạn đỏ là cấm vận than đá Nga, còn với Hà Lan, dầu mỏ là hàng hóa không thể đụng đến. Kết cục, EU không thể dung hòa lợi ích của tất cả các thành viên và không đưa ra được một quyết định cụ thể. Thay vào đó, EU chỉ khẳng định sẽ “chấm dứt phụ thuộc vào dầu, khí đốt và than đá của Nga sớm nhất có thể”, như đã nêu trong tuyên bố Versailles. Dự kiến từ nay đến tháng 5, Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu sẽ phối hợp để đưa ra kế hoạch toàn diện và tham vọng để cụ thể hóa việc thực hiện mục tiêu, trên cơ sở xem xét điều kiện thực tế của từng nước. 

Được cảnh báo từ vài năm trước, song nhiều nước châu Âu đã không thay đổi chính sách năng lượng mà quyết dựa hẳn vào Nga. Khoảng  41% khí đốt và gần 30% dầu mỏ tiêu thụ tại châu Âu nhập từ Nga, những bức tranh không hoàn toàn đồng nhất. Nếu như Đan Mạch, Thụy Điển, Ireland, Áo, Croatia hoàn toàn không cần nguồn cung này, thì có những nước như Lítva, Estonia, Romania, Slovenia, Bulgaria phụ thuộc 100%, hoặc Đức, Ba Lan, Phần Lan, CH Séc, Hungary phải nhập khẩu trên 50%. “Quyết định cấm vận hoàn toàn năng lượng từ Nga sẽ buộc EU phải thực hiện những biện pháp rất phức tạp”, nhà chuyên gia người Pháp gốc Việt Nguyễn Phúc Vinh, Viện nghiên cứu Jacques Delors, Paris, nhận xét trên tờ Furura Sciences.

Phát biểu trước Quốc hội Đức ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Olaf Scholz cho rằng Đức cần chấm dứt phụ thuộc năng lượng vào Nga theo lộ trình phụ hợp, nhưng “nếu làm điều này trong ngày một ngày hai sẽ đẩy đất nước và toàn châu Âu vào suy thoái”, khiến cho “hàng trăm nghìn việc làm bị mất, nhiều ngành công nghiệp đứng bên bờ vực sụp đổ”. Trước sức ép từ các nước khác, ngày 25/3, Berlin đã phải tuyên bố từ nay đến giữa năm sẽ giảm một nửa nhập khẩu và đến cuối năm sẽ gần như không còn phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga. Berlin cũng đặt mục tiêu độc lập hoàn toàn với than đá của Nga vào mùa Thu năm nay. 

Từ sau khi nổ ra xung đột ở Ukraine, EU đã phải thanh toán cho Nga gần 17 tỷ euro hóa đơn năng lượng, cao hơn mức bình thường. Một báo cáo của trung tâm nghiên cứu Bruegel (Brussels) dẫn số liệu của Trung tâm quản lý mạng lưới vận chuyển khí đốt châu Âu cho biết trong tuần qua Nga đã bơm sang "lục địa già" 2,6 tỷ mét khối khí đốt, so với 1,7 tỷ tuần đầu tháng 1. Dù đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 đã “chết lâm sàng” do bị phương Tây trừng phạt, Dòng chảy phương Bắc 1 đi theo biển Baltic để tránh Ukraine vẫn hoạt động bình thường trong điều kiện xung đột, mỗi ngày vận chuyển 170 triệu mét khối khí. 

Những con số khổng lồ đó cho thấy EU đã gặp khó khăn đến chừng nào và buộc phải né tránh đặt ra thời gian biểu cụ thể loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch từ Nga. Các nhà lãnh đạo mới chỉ đạt được giải pháp tối thiểu nhằm hỗ trợ các nước đối phó với sự leo thang của giá khí đốt, với việc quyết định EU sẽ đứng ra mua chung các sản phẩm khí đốt, tạo ra sức mạnh tập thể để buộc các nhà cung cấp phải giảm giá. Quyết định này tương tự như việc EU đứng ra thương lượng mua chung vaccine phòng COVID-19 sau đó phân phối cho từng nước. 

Trước mắt, Mỹ sẽ tăng nguồn cung khí hóa lỏng sang châu Âu. Trong tuyên bố chung đưa ra ngày 25/3, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen thông báo Mỹ sẽ cung cấp cho EU ít nhất 15 tỷ mét khối  khí hóa lỏng bằng các tàu chở chuyên dụng và có thể cao hơn trong năm 2022. Con số này rất nhỏ bé so với nhập khẩu từ Nga, ước tính khoảng 155 tỷ mét khối mỗi năm. EC đang hết sức cố gắng để tăng cường tiếp cận các nguồn cung khác, từ Australia, Mỹ Latinh cho đến Qatar để tăng khối lượng nhập khẩu khí hóa lỏng lên 50 tỷ mét khối. Về dài hạn, EU sẽ đẩy nhanh triển khai các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, khí methan, đồng thời tăng cường tiết kiệm năng lượng, cắt giảm tiêu thụ. Tuy nhiên, đó là câu chuyện lâu dài, còn ngay lúc này, không ít ý kiến cho rằng bài toán nguồn cung năng lượng đã khiến EU chạm đến giới hạn cuối cùng trong trừng phạt Nga.

 
Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết