Thứ Hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024

Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII: Tập trung giải quyết vấn đề công bằng xã hội, đảm bảo thực chất

Ngày phát hành: 22/10/2020 Lượt xem 1226

Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa được công bố để lấy ý kiến nhân dân. Trao đổi với báo chí bên lề sáng 21/10, các đại biểu Quốc hội đã có những ý kiến tâm huyết góp ý vào các dự thảo Văn kiện này.

 

Đại biểu Quốc hội tỉnhThanh Hóa Bùi Sỹ Lợi. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

 

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nêu rõ: Với tư cách là những người xây dựng pháp luật, giám sát tình hình thực hiện kinh tế - xã hội, đồng thời là người quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, các đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ các văn kiện của Trung ương, đóng góp với tinh thần trách nhiệm cao, để các Văn kiện đi vào cuộc sống. Trong đó, những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cần được tính toán, phân tích sâu.

Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, nội dung Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cần tập trung giải quyết cho được vấn đề công bằng xã hội thực chất; tránh quan điểm, tư tưởng công bằng nhưng lại thực hiện theo hình thức cào bằng. Đại biểu phân tích, trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, có lúc, có nơi, việc thực hiện công bằng không đúng với ý nghĩa của sự phát triển. Có chính sách cho không hoặc cho vay, hỗ trợ không có điều kiện gì; điều đó không có ý nghĩa để thực hiện công bằng xã hội. Chính sự cào bằng này đã tạo ra sức ỳ trong xã hội và có thể khiến người dân ganh tỵ với nhau mà không tạo động lực để phát triển.

“Công bằng xã hội phải tuân thủ theo Hiến pháp, tức là đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Người dân muốn hưởng quyền lợi, phải có nghĩa vụ, không nên cào bằng khiến người dân chỉ nghĩ đến quyền lợi mà không nghĩ đến đóng góp, cống hiến của mình”, đại biểu nhấn mạnh.

 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Lê Thanh Vân. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

 

Góp ý vào các dự thảo Văn kiện, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) quan tâm đến vấn đề phân bổ nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đại biểu, nguồn nhân lực chất lượng cao là nhân lực trong lãnh đạo quản lý, khoa học công nghệ, đóng vai trò vô cùng quan trọng vì đây là chủ thể sáng tạo ra chính sách, tổ chức thực hiện tốt nhất và bắt kịp thời đại. “Hiện nay, chúng ta chưa chú trọng đến việc phân loại cán bộ theo từng lĩnh vực để bố trí phù hợp với năng lực. Tôi mong muốn, việc lựa chọn Ban Chấp hành Trung ương phải trí tuệ, sáng suốt, thực sự là tinh hoa của dân tộc để dẫn dắt được đất nước đi lên”, đại biểu nêu suy nghĩ.

Với trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại diện cho ý chí, nguyện vọng nhân dân, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng: Những đóng góp của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 sẽ là cơ sở quan trọng để Ban soạn thảo hoàn chỉnh các Văn kiện nhằm tiếp tục xây dựng đất nước phát triển ổn định và vững chắc trong thời gian tới. Đại biểu chỉ rõ, điều quan trọng nhất hiện nay là xây dựng được hệ thống chính trị vững chắc, tinh gọn, đội ngũ cán bộ hết lòng phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, Đảng có những định hướng để phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên mới với tốc độ nhanh hơn.

Theo chương trình, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ: “Các đại biểu là nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau nên khi thảo luận tại tổ sẽ thu được nhiều ý kiến đóng góp phong phú. Chúng tôi có trách nhiệm tiếp thu, tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội thay mặt cử tri, nhân dân đóng góp vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng gửi các cơ quan chức năng tổng hợp”.

 

TheoTTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết