Thứ Hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024

Phụ nữ Việt Nam - những người khơi nguồn giá trị tốt đẹp

Ngày phát hành: 21/10/2020 Lượt xem 1459

 


Trong mọi thời đại, phụ nữ Việt Nam luôn thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong gia đình, cũng như công cuộc chấn hưng và phát triển xã hội. Chính vì thế, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng tặng phụ nữ Việt Nam tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ kháng chiến và “Trung hậu, đảm đang, tài năng, anh hùng” trong thời kỳ đổi mới. Đó không chỉ là sự khích lệ, động viên, mà còn là ghi nhận vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam - những người khơi nguồn giá trị tốt đẹp của dân tộc trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm.

* Đạt nhiều thành tích xuất sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội
Từ ngàn xưa, truyền thống Việt Nam đã xem trọng người phụ nữ, thể hiện qua nhiều ca dao, tục ngữ, như: "Phúc đức tại mẫu", "Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng", "Của chồng công vợ"...  và nhưng giá trị văn hóa tốt đẹp ấy vẫn luôn được giữ gìn, trao truyền và phát triển qua nhiều thế hệ.
Trong chiến tranh, cùng cả nước kháng chiến, lực lượng phụ nữ đã góp công lớn làm nên những chiến công vẻ vang, được Bác Hồ trao tặng 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Và trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và phát triển hôm nay, chị em càng nỗ lực phát huy các phẩm chất “Tự tin-tự trọng-trung hậu-đảm đang”, dám nghĩ, dám làm, sống trách nhiệm, hoài bão, phấn đấu không ngừng, góp phần viết tiếp lịch sử của thời đại mới.
Chiếm trên 50% dân số và hơn 48% lực lượng lao động xã hội, phụ nữ Việt Nam có mặt trong mọi lĩnh vực, trên mọi địa bàn, chủ động tham gia và đạt nhiều thành tích xuất sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong đời sống chính trị-xã hội, tỷ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ngày càng tăng. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021 là 27,2%, cao hơn mức 19% của châu Á và 21% trung bình toàn cầu. Tỷ lệ nữ cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 cấp tỉnh đạt 13,3%, cấp huyện 14,3%, cấp cơ sở 19,7%, đều tăng so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cả 3 cấp đều đạt trên 26%. Những nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây luôn có cán bộ nữ là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và nhiều Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Thứ trưởng… Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp thứ 97/144 quốc gia về tỷ lệ nữ tham gia chính trị; cũng là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất trên toàn thế giới ở mục tiêu số 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái...
Trong lĩnh vực kinh tế, tại khu vực châu Á, tỷ lệ phụ nữ tham gia trong ban lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp tại Việt Nam đứng thứ hai với khoảng 36%, sau Philippines (37,46%) và trước Singapore (33,04%). Lao động nữ tại Việt Nam đã tham gia nhiều ngành nghề mới mà trước đây chỉ dành cho nam giới: ở lĩnh vực khoa học-công nghệ, phụ nữ tham gia gần 40%, tỷ lệ các nhà khoa học nữ đạt hơn 6%. Trong giáo dục đào tạo và y tế, cán bộ nữ chiếm tỷ lệ lớn, nhiều người có trình độ cao. Đặc biệt, giáo viên nữ chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối ở hệ mẫu giáo; 71% ở bậc phổ thông và gần 49% giảng viên ở bậc đại học, cao đẳng… Đồng thời, phụ nữ còn làm tốt vai trò người vợ, người mẹ, người thầy đầu tiên, là điểm tựa tinh thần vững chắc, gắn kết các thành viên trong gia đình, cùng chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc.
Sự trưởng thành của phong trào phụ nữ, những đóng góp xứng đáng của phụ nữ đạt được đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý. Nhiều tập thể, cá nhân nữ được tặng Huân chương Độc lập và Huân chương Lao động các hạng; hàng nghìn chị em được phong tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc, nhà giáo, thầy thuốc ưu tú; nhà giáo, thầy thuốc nhân dân; nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân... Nhiều tấm gương thầm lặng làm nhiều việc tốt, việc thiện đã tô đẹp thêm hình ảnh cao quý của phụ nữ Việt Nam.

 


*  Để tiếp cận và hưởng thụ quyền lợi chính đáng của mình
Việt Nam là một trong những quốc gia đi tiên phong trong khu vực về việc xây dựng chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời nỗ lực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề này. Việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới của Việt Nam đã tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận và tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đất nước chuyển mình trong thời kỳ mới, vừa tạo ra thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với phụ nữ. Hiện nay tại Việt Nam, tỷ lệ lao động nữ từ 15 tuổi trở lên có việc làm chiếm 48,1% tổng số người có việc làm - một trong những tỷ lệ cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, tiềm năng của lực lượng lao động này vẫn chưa được phát huy tối đa, do sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới trong cơ hội việc làm, quyền lựa chọn công việc, các gánh nặng không cân xứng trong trách nhiệm chăm sóc gia đình và nhiều nguyên nhân khác. Theo khảo sát, tại Việt Nam, với công việc có cùng trình độ, thu nhập trung bình của lao động nữ luôn thấp hơn nam khoảng 10,7%. Sự chênh lệch này càng có xu hướng nới rộng ở các nhóm lao động có trình độ cao. Nếu như thu nhập của lao động nữ chưa qua đào tạo chỉ thấp hơn nam cùng trình độ là 8,1%, thì ở nhóm trình độ đại học trở lên, mức chênh lệch lên tới 19,7%.
Mặc dù số lượng phụ nữ hiện diện trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp đang dần tăng nhưng sự bình đẳng giới tại vị trí chủ chốt vẫn còn khá xa. Bên cạnh đó, vẫn còn một số trở ngại đối với nhà lãnh đạo cấp cao nữ ở Việt Nam như thiếu cơ hội phát triển nghề nghiệp, cơ hội xây dựng các mối quan hệ, trách nhiệm chăm lo gia đình ngoài công việc và có thêm thời gian cho công việc chủ chốt. Đây đều là những thách thức ngăn cản phụ nữ trau dồi thêm kỹ năng và đạt được thành công trong công việc của mình.
Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, định kiến giới còn tồn tại càng khiến đời sống của một bộ phận phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật thêm khó khăn.
Để đạt được mục tiêu bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, theo các chuyên gia, không chỉ cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo đảm quyền của phụ nữ, mà còn cần sự tuyên truyền định hướng của các cơ quan chức năng, truyền thông; tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực để bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ở Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh đó, bản thân người phụ nữ phải nỗ lực vươn lên, nắm bắt cơ hội, vượt qua rào cản, cùng với xã hội hướng tới cách ứng xử bình đẳng giới để tiếp cận và hưởng thụ quyền lợi chính đáng của mình./.

 

Thu Hạnh (TTXVN)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết