Quang cảnh Hội thảo
Ngày 11/12/2020, tại tỉnh Tây Ninh, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp cùng Tỉnh ủy Tây Ninh với sự hỗ trợ của Nhóm Hỗ trợ xúc tiến nhanh cơ hội kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam (VBI Fast Track) tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế Mộc Bài – Lựa chọn mô hình và định hướng phát triển”. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tich Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện CTQG Hồ Chí Minh; GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận TƯ và đồng chí Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân tỉnh Tây Ninh chủ trì hội thảo.
Dự hội thảo có đông đảo lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành các Bộ, ban ngành hữu quan, Lãnh đạo một số các tỉnh thành, các Viện, Trung tâm nghiên cứu, và một số nhà đầu tư, tổ chức thương mại quốc tế tại Việt Nam.
Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Mộc Bài được thành lập theo Quyết định số 210/1998/QĐ-TTg ngày 27/10/1998 của Thủ tướng Chính phủ; tổng diện tích đất tự nhiên: 21.284 ha, nằm trên địa bàn 07 xã, thị trấn thuộc huyện Bến Cầu và 02 xã thuộc huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. KKTCK Mộc Bài có 03 cửa khẩu[1] phục vụ cho các hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa và các quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam với Campuchia và các nước trong khối ASEAN. Trong đó, Mộc Bài là cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất phía Nam trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia, là cầu nối giữa TP. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam với Thủ đô PhnomPenh của Vương quốc Campuchia. KKTCK Mộc Bài là 01 trong 09 KKTCK trọng điểm được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025. Ngày 27 tháng 5 năm 2011, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 1102/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Đô thị mới Mộc Bài, thuộc KKTCK Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, với quy mô 7.400 ha[2].
Qua hơn 20 năm thành lập và phát triển, đến nay, KKTCK Mộc Bài đã thu hút được 58 dự án đầu tư, 18 dự FDI và 40 dự án trong nước. Tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 455,88 triệu USD và 8.587,4 tỷ đồng. Hiện tại, có 21 dự án đi vào hoạt động, chiếm 15% trên tổng diện tích đất đăng ký đầu tư; giải quyết việc làm cho 17.500 lao động địa phương; kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu đạt 878 triệu USD; số lượt phương tiện qua lại đạt 417.611 lượt. Bình quân mỗi năm có trên 2 triệu lượt người qua lại cửa khẩu.
Tuy nhiên, sự phát triển của KKTCK Mộc Bài vẫn chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của khu; đóng góp của KKTCK Mộc Bài vào nền kinh tế của tỉnh không đáng kể so với quy mô được duyệt. Chỉ có 15% trên tổng diện tích đất đăng ký đầu tư được đưa vào sử dụng, khai thác, chủ yếu là các dự án sản xuất và dịch vụ, thương mại; các dự án có diện tích đất lớn, sử dụng nhiều đất không triển khai được do đền bù không liền thửa gây lãng phí tài nguyên, khó khăn cho quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Các dự án siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đường biên chỉ khởi sắc vào những năm đầu khi áp dụng chính sách bán hàng miễn thuế cho khách nội địa tham quan, du lịch; khi chính sách thay đổi, hoạt động thương mại ngày càng bị thu hẹp dần. Quy hoạch chung KKTCK Mộc Bài đến nay đã không còn phù hợp nhưng chưa được điều chỉnh kịp thời.
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá bối cảnh quốc tế mới đang diễn ra hiện nay; các xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại; chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế nói chung, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng, từ đó xác định rõ cơ hội và thách thức cho sự phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (gọi tắt là KKTCK) trong giai đoạn mới; Luận giải, làm rõ mục tiêu, mô hình, cấu trúc, những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra để xác định định hướng chiến lược phát triển KKTCK Mộc Bài trong giai đoạn mới.
Tại hội thảo, các tham luận đã tập trung làm rõ một số vấn đề sau: Đánh giá thực trạng của KKTCK Mộc Bài, vị trí địa kinh tế, địa chính trị với Tây Ninh, vùng, Quốc gia, khu vực và quốc tế; phân tích, làm rõ tiềm năng, lợi thế của KKTCK Mộc Bài để so sánh với các khu kinh tế khác trong nước và quốc tế. Những kết quả triển khai thực hiện phát triển KKTCK Mộc Bài trong thời gian vừa qua; những hạn chế và nguyên nhân; Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về phát triển khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, đặc khu kinh tế, khu công nghiệp – đô thị mô hình mới v.v… để từ đó đề xuất mô hình mới cho KKTCK Mộc Bài nhằm phát huy lợi thế so sánh trong bối cảnh phát triển mới; nhận định, đánh giá cơ hội thu hút đầu tư quốc tế đối với nước ta trong bối cảnh chuyển dịch dòng vốn do sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tình hình kinh tế thế giới sau đại dịch covid-19 và sự phát triển của công nghệ nhằm tìm cơ hội, thời điểm, động lực để phát triển nhanh khu kinh tế Mộc Bài; đề xuất về mô hình và định hướng phát triển Khu kinh tế Mộc Bài trong giai đoạn mới.
PV
[1] Gồm Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và hai cửa khẩu phụ Phước Chỉ, Long Thuận
[2] Trong đó, đất dân cư 1.033 ha, đất chuyên dụng 963 ha, đất dịch vụ công cộng và thương mại dịch vụ 370 ha, đất công viên sinh thái 600 ha, đất nông – lâm nghiệp 4.283,81 ha, đất giao thông 150,19ha