Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Minh bạch, trách nhiệm giải trình và gắn kết xã hội là chìa khóa ứng phó với Covid-19 thành công

Ngày phát hành: 08/12/2020 Lượt xem 1070

 Chiều 8-12, tại Hà Nội, Cơ quan Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo công bố báo cáo "Cảm nhận và trải nghiệm của người dân về phản ứng của chính quyền trước tác động của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam ".

 

Quang cảnh hội thảo.

 

UNDP và Viện Nghiên cứu phát triển Mekong (MDRI) đã tiến hành một cuộc khảo sát xã hội học về nhận thức và trải nghiệm của người dân Việt Nam đối với các biện pháp ngăn chặn đại dịch Covid-19 của chính quyền Trung ương và địa phương.

Theo bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của UNDP, Việt Nam ứng phó thành công đại dịch Covid-19 là một câu chuyện truyền cảm hứng. Hành động nhanh chóng và hiệu quả của Chính phủ kết hợp với lòng tin và sự tuân thủ của người dân đối với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ là chìa khóa thành công. Những bài học kinh nghiệm về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và gắn kết xã hội từ thành công này sẽ giúp Chính phủ đối phó với khủng hoảng trong tương lai và giải quyết những thách thức mà người dân quan tâm hàng đầu trong bốn năm qua - nghèo đói, môi trường và tham nhũng (theo báo cáo PAPI).

Về niềm tin và sự tin tưởng của người dân đối với hành động ứng phó với Covid-19 của Chính phủ, khảo sát cho thấy sự đồng thuận cao và sự ủng hộ mạnh mẽ của những người được hỏi đối với chính sách và hành động của chính phủ nhằm ngăn chặn đại dịch. Hơn 96% số người được hỏi đánh giá nỗ lực ứng phó của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống và kiểm soát Covid-19 là tốt hoặc rất tốt, gần 94% có cùng đánh giá đối với nỗ lực ứng phó của chính quyền cấp tỉnh. Có tới 99% người được hỏi cho biết họ đeo khẩu trang khi ra ngoài và 93% rửa tay hằng ngày trong thời gian cao điểm của đại dịch.

Về tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế quốc dân và sinh kế của người dân, kết quả khảo sát cho thấy khu vực dịch vụ (như dịch vụ bán lẻ truyền thống và dịch vụ hộ gia đình) bị ảnh hưởng nhiều nhất. Cũng như vậy, những người không có tay nghề và làm việc trong các khu vực phi chính thức, thuộc nhóm nghèo nhất và nhóm cận nghèo bị ảnh hưởng nặng nề nhất. 24% số người được hỏi cho biết đã bị mất việc làm và 65% cho biết thu nhập của họ bị giảm.

Về khả năng tiếp cận và hiệu quả của gói cứu trợ trị giá 62 nghìn tỷ đồng (tương đương 2,6 tỷ USD) của Chính phủ, kết quả của cuộc khảo sát cho thấy nhìn chung người dân có phản hồi tích cực đối với gói hỗ trợ này. Trong số những người được hỏi đã nhận được hỗ trợ từ gói viện trợ (21% trong số 1.335 người cung cấp thông tin), phụ nữ, người dân tộc thiểu số, các nhóm nghèo nhất và cận nghèo là nhóm mà gói hỗ trợ này hướng đến.

Theo khảo sát, ước tính có khoảng 13% số người được hỏi chưa biết đến gói hỗ trợ và người dân tộc thiểu số, người nghèo nhất, người dân ở các vùng nông thôn và những người có trình độ học vấn thấp hơn chưa tiếp cận được đầy đủ đối với thông tin về gói hỗ trợ này.

Tại hội thảo công bố kết quả khảo sát này, các chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới, Oxfam Việt Nam, Tổ chức Hướng tới Minh bạch và UNDP cũng chia sẻ những phát hiện từ các cuộc khảo sát khác và phản ánh về các vấn đề liên quan, như tác động kinh tế của đại dịch; tác động đến người khuyết tật và tính minh bạch trong ứng phó và khôi phục sau dịch bệnh.

Sử dụng phương pháp phỏng vấn qua điện thoại có sự hỗ trợ của máy tính (CATI), cuộc khảo sát qua điện thoại chuyên sâu này được thực hiện trong tháng 9-2020 với sự tham gia của 1.334 người được chọn ngẫu nhiên từ mẫu PAPI 2019. Bộ Ngoại giao và Thương mại của Chính phủ Úc đã hỗ trợ tài chính cho cuộc khảo sát này trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu "Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam" (PAPI).

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết