Thứ Năm, ngày 28 tháng 03 năm 2024

Hội thảo lần thứ nhất Chương trình "Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025"

Ngày phát hành: 28/05/2022 Lượt xem 1497


GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình KX 04/21-25 phát biểu khai mạc.

 

Sáng 28/5, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học: "Những vấn đề lý luận-chính trị, phương pháp luận nghiên cứu và cách thức tổ chức thực hiện Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025".

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và chỉ đạo Hội thảo. Đồng chí GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định đồng chủ trì Hội thảo.

Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025, mã số KX 04/21-25, gọi tắt là Chương trình KX 04/21-25 là một chương trình nghiên cứu khoa học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm mục đích cung cấp các cơ sở khoa học và thực tiễn, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng; phục vụ việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phục vụ việc hoạch định đường lối của Đảng mà cụ thể và trực tiếp là phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Do ý nghĩa đặc biệt quan trọng nên Chương trình KX 04/21-25 có những yêu cầu riêng về nội dung với 5 nhóm vấn đề gồm toàn diện các lĩnh vực: những vấn đề lý luận chung, những vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, hội thảo lần này là cuộc hội thảo quan trọng của Chương trình KX 04/21-25, mở đầu cho việc triển khai toàn diện các nội dung, nhiệm vụ của toàn bộ Chương trình, của các đề tài trong Chương trình. Hội thảo này cần tập trung trao đổi, thảo luận để tạo sự thống nhất cao về mục tiêu, nội dung, phương pháp luận nghiên cứu và cách thức tổ chức thực hiện Chương trình và các đề tài nhằm hoàn thành Chương trình với kết quả cao nhất. Các đề tài trong Chương trình cần phải tuân thủ theo đúng các nghị định, quy định, thông tư đã được ban hành; đồng thời, phải được thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tính thực tiễn cao.

 

Đồng chí nhấn mạnh, Chương trình KX 04/21-25 là nhiệm vụ khoa học công nghệ đặc biệt cấp Quốc gia, có sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, với mục tiêu là nghiên cứu nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận về đổi mới, xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; hoạch định đường lối của Đảng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Trong giai đoạn 2021-2025, ngoài những vấn đề chung, Chương trình còn có một mục tiêu hết sức quan trọng là tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận mới qua 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, 35 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, đề xuất lý luận về đường lối đổi mới của Đảng phục vụ cho việc bổ sung, hoàn thiện nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ mới, do đó yêu cầu đặt ra với Chương trình là phải có những phát hiện, những tìm tòi, luận giải thật sự thuyết phục, đủ cơ sở lý luận và thực tiễn.

 

Đây là Hội thảo đầu tiên của Chương trình KX 04/21-25 với sự tham gia đầy đủ của các cơ quan chủ trì, chủ nhiệm, thư ký của 39 đề tài. Tại hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về các nhóm vấn đề của Chương trình KX 04/21-25 yêu cầu, đặt ra như: làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận chung về hệ tư tưởng; mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; giải quyết các mối quan hệ lớn trong quá trình đổi mới, phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghiên cứu những vấn đề về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; về vấn đề dân chủ và kiểm soát quyền lực… phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong Đảng, trong xã hội.

Các đại biểu cùng làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn về kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, thể chế kinh tế, các khu vực kinh tế, vấn đề quản lý phát triển kinh tế. Tổng kết thực tiễn những vấn đề về văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và môi trường. Những vấn đề trọng yếu bảo vệ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đây chính là nội dung các vấn đề đặt ra trực tiếp phục vụ cho nhiệm vụ chính trị mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặt ra cho Chương trình KX 04/21-25. 

 

Kết thúc Hội thảo, đồng chí GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng thay mặt Ban Chủ nhiệm Chương trình trao Hợp đồng nghiên cứu khoa học cho 24 đề tài đã hoàn thành đầy đủ thủ tục, đáp ứng các yêu cầu của Chương trình.

 

P.V


Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết