Thứ Sáu, ngày 26 tháng 04 năm 2024

Hội thảo lấy ý kiến của Hội đồng Lý luận Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học và các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố vào dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị

Ngày phát hành: 13/09/2018 Lượt xem 2918

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội thảo.

 

 

Dự hội thảo có các đồng chí: Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; GS.TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; GS.TS Vũ Văn Hiền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Hoàng Văn Nghiên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Nguyễn Thế Thảo, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội; các Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên Ban soạn thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.

Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố và các đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy; Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì Hội thảo.

Xây dựng chính quyền đô thị TP Hà Nội theo hướng đô thị thông minh

Khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, tại Kết luận số 22-KL/TƯ ngày 7-11-2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020, Bộ Chính trị đã “đồng ý để TP Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật”.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, để có cơ sở xây dựng Đề án, trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo và Tổ soạn thảo Đề án đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát tại các quận, huyện, thị ủy và các xã, phường, thị trấn trong thành phố; khảo sát học tập kinh nghiệm tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số Thủ đô của các nước thực hiện mô hình chính quyền đô thị thông minh trực tiếp . Ban Chỉ đạo và Tổ soạn thảo cũng đã phối hợp với các cơ quan tư vấn, các nhà khoa học, các chuyên gia, các sở, ban, ngành của thành phố triển khai xây dựng 8 chuyên đề; tổ chức 4 hội thảo tham gia ý kiến vào các nội dung của 8 chuyên đề; 3 cuộc hội thảo xin ý kiến 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn của thành phố về các nội dung của Đề án.

Ý kiến tại các cuộc hội thảo đều thống nhất cho rằng, cần thiết phải triển khai xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị Hà Nội. nhằm mục tiêu: xây dựng chính quyền đô thị TP Hà Nội (đô thị đặc biệt) theo hướng đô thị thông minh, phù hợp với xu hướng phát triển và quản lý thế hệ với, trong đó tập trung vào mô hình tổ chức chính quyền tại khu vực đô thị (quận, thị xã, phường) của thành phố và tiếp tục đổi mới, củng cố chính quyền nông thôn (huyện, xã, thị trấn) theo Kết luận số 22-KL/TƯ ngày 7-11-2017 của Bộ Chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp, phục vụ tốt các nhu cầu chính đáng của nhân dân, đảm bảo thực sự “Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân".Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nêu rõ.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng hy vọng thông qua hội thảo lần này sẽ tiếp thu được nhiều ý kiến quý báu, tâm huyết làm cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo, Tổ soạn thảo tiếp tục hoàn thiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, đủ điều kiện trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian tới”.

Cần mạnh dạn xây dựng dự thảo Đề án theo hướng xây dựng chính quyền Thủ đô 

Sau báo cáo đề dẫn của Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến vào 3 vấn đề: Cơ chế, chính sách phân cấp; các phương án mô hình thí điểm tổ chức chính quyền đô thị TP Hà Nội được xây dựng trong dự thảo đề án; tổ chức, hoạt động của tổ chức Đảng, MTTQ với các tổ chức chính trị xã hội trong mô hình thí điểm tổ chức chính quyền đô thị của TP.

PGS.TS Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội đánh giá, đây là dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị được chuẩn bị công phu, có chất lượng cao so với các dự thảo của các địa phương khác.

Tuy nhiên, nên viết gọn, súc tích hơn phần quan điểm trong đề án, đồng thời nhấn mạnh: “Xây dựng chính quyền đô thị không chỉ là mô hình tổ chức mà quan trọng là thẩm quyền và cách thức hoạt động. Chúng ta phải tạo ra một “cú hích” tập trung vào hai vấn đề then chốt là tự chủ và tự quản...”.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn cho rằng, phần đánh giá về hạn chế của chính quyền đô thị hiện nay chưa lột tả hết được bản chất vấn đề, đặc biệt là phải đánh giá, làm rõ hơn yếu tố nhân dân trong cơ cấu chính quyền để đề án vì sự phát triển của thành phố nhưng thực sự là phục vụ người dân.

 

GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương 
phát biểu tại Hội thảo.

 

Đồng chí đề xuất, thành phố nên tính đến mô hình chính quyền đô thị thứ 3 trong đề án. Trong đó, cấp chính quyền thành phố hoàn chỉnh được duy trì cơ bản như hiện nay. Thứ hai là chính quyền cấp quận, huyện không đầy đủ chỉ có ban đại diện hành chính hoặc UBND cấp quận, huyện nhưng phân theo chức năng. Thứ ba là giữ chính quyền đầy đủ ở cấp phường, xã, trong đó Bí thư Đảng ủy xã nên kiêm chức Chủ tịch HĐND.

Nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên, Nguyễn Thế Thảo đồng quan điểm đề nghị thành phố mạnh dạn xây dựng dự thảo Đề án theo hướng xây dựng chính quyền Thủ đô, bám sát vào Luật Thủ đô chứ không chỉ là mô hình chính quyền đô thị đơn thuần như các thành phố khác. Vì Thủ đô Hà Nội có những đặc thù quản lý không giống với bất kỳ đô thị nào khác trên cả nước.

Nguyên Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đồng tình với phương án mà GS.TS Tạ Ngọc Tấn đề xuất gồm duy trì chính quyền hoàn chỉnh ở cấp thành phố và cấp phường, xã, bỏ cấp trung gian là chính quyền cấp quận, huyện. Nhưng 5 đô thị vệ tinh cũng được tổ chức chính quyền hoàn chỉnh theo hai cấp. Đồng chí Nguyễn Thế Thảo đề nghị, nên xây dựng đề án theo hướng làm thực luôn, không nên thí điểm.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, chính quyền địa phương mà cứ phải báo cáo, xin ý kiến các bộ, ngành thì rất chậm và hiệu lực kém. Dự thảo đề án nên được xây dựng theo hướng chính quyền đô thị Thủ đô phải được trao đủ quyền và chịu trách nhiệm thực hiện quyền đó. Về mô hình, nên lựa chọn bước đi mạnh mẽ với cấp thành phố là cấp chính quyền hoàn chỉnh, còn lại là hai cấp hành chính (không tổ chức HĐND).

GS. TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cũng đồng tình với quan điểm thiết lập đề án theo hướng xây dựng chính quyền đô thị Thủ đô Hà Nội với những đặc thù của Thủ đô, không phải của một thành phố bình thường. Đồng thời, dự thảo đề án phải rõ về phần kiến nghị, nhất là những kiến nghị nhằm nâng cao sự tự chủ của chính quyền Thủ đô. 

 

GS.TS Vũ văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương 
phát biểu tại Hội thảo.

 

Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, dự thảo Đề án đã được xây dựng nghiêm túc, công phu, nhiều thông tin phong phú; tiếp cận các phương án, giải quyết các mối quan hệ một cách khoa học. Đồng chí tán thành là phải làm rõ tính chất đặc thù của Thủ đô trong đề án và đề nghị thành phố hoàn chỉnh đề án theo hướng xây dựng mô hình quản lý đô thị thông minh, trọng tâm là xây dựng hạ tầng thông minh và quản trị thông minh.

 

GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương 
phát biểu tại Hội thảo

 

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đánh giá, quá trình xây dựng đề án thành phố thể hiện trách nhiệm cao, đầy trăn trở trước những vấn đề đang đặt ra. Đồng chí đề nghị, dự thảo đề án phải làm rõ được tính đặc thù của Hà Nội với tư cách là Thủ đô; viết sâu hơn đặc điểm, tính chất, yêu cầu nhiệm vụ tổ chức, quản lý, điều hành đô thị với tư cách của một đô thị Thủ đô. Đồng chí cũng cho rằng, việc thực hiện đề án phải chắc chắn thì mới nên triển khai nhưng phải có quyết tâm.

 

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu

tại Hội thảo

 

Hoàn thiện dự thảo Đề án trình Bộ Chính trị vào tháng 12-2018

Kết luận hội thảo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cảm ơn các đại biểu đã góp ý cho thành phố nhiều ý kiến xác đáng; đồng thời đề nghị các đại biểu chưa phát biểu trực tiếp gửi lại văn bản góp ý để Ban Chỉ đạo và Tổ soạn thảo đề án tiếp thu đầy đủ.

Trao đổi về những băn khoăn của các đại biểu, đồng chí Hoàng Trung Hải cho biết, Hà Nội là đô thị đặc biệt, là 1/17 siêu đô thị vùng châu Á - Thái Bình Dương với những thách thức đặt ra ngày càng lớn hơn. Kinh tế Thủ đô ngày càng phát triển, dân số Hà Nội mỗi năm tăng thêm tương đương với số dân của một huyện. Trong khi, hạ tầng đô thị chậm phát triển, chưa tương xứng với vai trò, vị trí của Thủ đô...

 

Tuy nhiên, để đối phó với những thách thức và đòi hỏi to lớn đó, Hà Nội lại thiếu thẩm quyền, thiếu quyền tự chủ. Ngay cả khi Luật Thủ đô được ban hành, những cơ chế đặc thù dành cho Hà Nội cũng chưa được thực hiện đầy đủ.

Chính vì vậy, khi được Bộ Chính trị cho phép xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị, thành phố đã bắt tay vào cuộc với quyết tâm và kỳ vọng rất lớn. Đồng thời, thành phố cũng ý thức rất rõ về tính chất khó khăn, phức tạp của đề án này, nhất là những khó khăn khi đề xuất những đặc thù, đặc quyền cho Thủ đô.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, mong muốn đề xuất những cơ chế đặc thù cho Hà Nội rất lớn, nhưng trong dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội được xây dựng nhằm mục đích chính là xây dựng chính quyền hiệu lực, hiệu quả đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị, hội nhập quốc tế và nhu cầu của người dân. Trong đó, trọng tâm là tăng quyền tự chủ, tự quản; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tăng cường phân cấp, phân quyền và áp dụng chính quyền điện tử.

Đồng chí Hoàng Trung Hải yêu cầu, trên cơ sở các ý kiến tham luận, Ban Chỉ đạo và Tổ soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo đề án và tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến của lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương trong thời gian tới.

Thành phố sẽ trình Bộ Chính trị dự thảo đề án vào tháng 12-2018, nhưng quan điểm là việc chuẩn bị đề án phải thật thật kỹ, thật chặt chẽ, đủ điều kiện, bảo đảm tính khả thi cao mới trình - Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh./.

 

PV

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết