Thứ Ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024

Hợp tác quốc tế: "Lá chắn" đẩy lùi đại dịch COVID-19

Ngày phát hành: 30/07/2021 Lượt xem 1402

Tiêm vaccine COVID-19 của Moderna tại Mỹ. Ảnh: AP

 

Theo tạp chí Project Syndicate ngày 29/7, Mỹ hiện đã bước vào làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 5. Trong mỗi đợt lây nhiễm, nước này đã phải trả giá cho việc được cho là hành động chưa đủ để ngăn chặn dịch bệnh.
            
Trong làn sóng lây nhiễm đầu tiên, việc phong tỏa và áp dụng các biện pháp hạn chế không được thực hiện đồng nhất ở các bang. Sau đó là việc áp dụng các phương pháp điều trị chưa được thử nghiệm và chứng minh. Với việc triển khai tiêm chủng vaccine, các ca lây nhiễm mới đã giảm xuống đáng kể. Tuy nhiên, biến thể Delta đã khiến cho các ca lây nhiễm bùng phát trở lại ở những người chưa được tiêm chủng.
            
Ở mỗi giai đoạn, virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19 đã bị đánh giá thấp. Từ những gì chúng ta biết về khả năng thích ứng và phát triển của loại virus này thông qua các đột biến ngẫu nhiên, chỉ có một giải pháp khả thi để kiểm soát dịch bệnh lâu dài, đó là một chiến lược kết hợp giữa việc tăng cường mạnh mẽ kho lưu trữ vaccine và các loại thuốc kháng thể cùng với các biện pháp y tế cộng đồng mạnh mẽ cũng như sự hợp tác toàn cầu sâu rộng hơn.
            
Vaccine sẽ thiết lập tuyến phòng ngừa đầu tiên chống lại dịch COVID-19. Thế hệ vaccine đầu tiên ở Mỹ có hiệu quả cao và các thế hệ thứ hai, thứ ba cũng như các thế hệ tiếp theo sẽ còn mạnh hơn nữa. Nhưng ngay cả khi thực hiện các mũi tiêm nhắc lại và các thế hệ vaccine tiếp theo được điều chỉnh để chống lại các biến thể mới thì chỉ mỗi việc tiêm vaccine cũng sẽ không có khả năng chấm dứt được đại dịch này.
            
Vaccine sẽ không phát huy hiệu quả đối với tất cả mọi người. Trong trường hợp tốt nhất, tỷ lệ thất bại trong việc chống lại loại virus hoang dã ban đầu vẫn ở khoảng 5%. Biến thể Delta đã chứng tỏ sự biến đổi hơn các chủng trước đó trong việc chống lại các biện pháp phòng ngừa. Ngay cả khi toàn bộ dân số nước Mỹ đã được tiêm phòng, vẫn có khoảng 17,5 triệu người Mỹ có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh nếu tiếp xúc với virus. 
            
Hơn nữa, có một lượng dân số đáng kể những người có bệnh nền tiềm ẩn sẽ làm giảm hiệu quả của vaccine; những người này bao gồm những người được cấy ghép nội tạng, những người dùng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh nhân ung thư và một phần dân số cao tuổi. Giống như việc tiêm vaccine phòng cúm hàng năm, bằng chứng ban đầu cho thấy khả năng miễn dịch do vaccine chống lại đại dịch COVID-19 có thể mất dần theo thời gian.
            
Trong bối cảnh đó, thuốc kháng virus và thuốc dự phòng sẽ là cần thiết để lấp đầy khoảng trống và thiết lập vòng bảo vệ thứ hai. Chính phủ Mỹ gần đây đã cam kết đầu tư 3,2 tỷ USD để phát triển các liệu pháp kháng virus đối với dịch COVID-19. Mặc dù hầu hết mọi người tập trung vào việc sử dụng các loại thuốc này như một phương pháp điều trị, nhưng tiềm năng thực sự của chúng nằm trong việc kiểm soát đại dịch, bởi vì việc dùng thuốc dự phòng có thể ngăn những người đã tiếp xúc với virus không bị bệnh hoặc lây nhiễm.
            
Thế hệ hiện tại của những loại thuốc này không được sử dụng rộng rãi, do chi phí sản xuất cao và cần phải truyền tĩnh mạch trong những trường hợp lâm sàng. Lý tưởng nhất là thế hệ thuốc kháng virus tiếp theo sẽ ở dạng viên nén, mang lại tiềm năng rất lớn để sử dụng ở những nơi có nguy cơ cao như khu vực chăm sóc dài hạn, nơi có nhiều người bị ức chế miễn dịch không thể dựa vào vaccine để bảo vệ. Cách tiếp cận tương tự cũng áp dụng cho các trường học, doanh nghiệp, đội thể thao chuyên nghiệp và thậm chí cả tàu trên biển. Nếu một người có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch COVID-19, mọi người xung quanh anh ta có thể uống một viên thuốc để giúp ngăn ngừa khả năng bị nhiễm. 
            
Tuyến phòng ngừa tiếp theo sẽ đến từ các biện pháp y tế cộng đồng để ngăn chặn sự lây lan của virus. Các quốc gia như Australia, Trung Quốc, New Zealand, Singapore và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đã sử dụng hiệu quả việc xét nghiệm rộng rãi, truy tìm nguồn gốc tiếp xúc toàn diện, cách ly bắt buộc, kiểm soát chặt chẽ biên giới và kiểm dịch đối với những người mới đến. Những chiến lược như vậy là phương pháp bảo vệ quan trọng khi đối mặt với hầu hết mọi bệnh truyền nhiễm trong lịch sử gần đây. Nhưng ở Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới, việc xét nghiệm và truy tìm dấu vết đã bị đình trệ hoặc không thành công ngay từ ban đầu.
            
Các loại thuốc dự phòng kháng virus mới có thể giúp bù đắp những thất bại này. Trái ngược với "xét nghiệm, truy vết và cách ly", câu thần chú có thể trở thành "xét nghiệm, truy vết và uống thuốc" - một sự thay thế hấp dẫn hơn nhiều. Những loại thuốc này cũng có thể giúp mở ra cơ hội du lịch mới, loại bỏ nhu cầu cách ly lâu dài.
            
Ba tuyến phòng ngừa đầu tiên tạo thành một lớp bảo vệ tuyệt vời. Nhưng chúng vẫn sẽ chưa đủ nếu như không được áp dụng ở khắp nơi. Để thiết lập tuyến phòng ngừa cuối cùng, cộng đồng quốc tế phải làm việc cùng nhau để cải thiện việc giám sát dịch bệnh và cung cấp khả năng tiếp cận phổ biến đối với các xét nghiệm, phương pháp điều trị và vaccine. Tăng tốc tiếp cận các công cụ phòng chống COVID-19 (ACT) và sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu (COVAX) là bước đi quan trọng đầu tiên, song sức mạnh của nền tảng này đã bị suy giảm bởi tư lợi và chủ nghĩa dân tộc vaccine. Tuy nhiên, vẫn có hy vọng cho tương lai khi nhiều quốc gia có thu nhập cao đang dư thừa vaccine. Ngoài ra, còn có những nỗ lực đang được tiến hành để tăng cường sản xuất vaccine địa phương ở những khu vực chưa được cung cấp.
            
Bên cạnh những nỗ lực này, cộng đồng quốc tế cần đầu tư vào giám sát dịch bệnh toàn cầu để xác định các đợt bùng phát mới, đặc biệt là đợt bùng phát do các biến thể có khả năng lây nhiễm cao. Điều này đòi hỏi phải tăng cường giám sát, theo dõi sự gia tăng của virus ở tất cả các cộng đồng và một phương pháp chia sẻ dữ liệu rộng rãi theo thời gian thực.
            
Với các cơ chế đi đầu phù hợp, cộng đồng toàn cầu gồm các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và nhà sản xuất dược phẩm sẽ phải xác định cách thức vaccine và phương pháp điều trị chống lại từng biến thể mới và có thể làm gì để giảm thiểu sự lây lan và giảm khả năng xuất hiện của chúng.
            
18 tháng sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chúng ta đã có những gì cần để chấm dứt dịch bệnh này. Hiện giờ là thời điểm để áp dụng các kiến thức và công cụ. Các cách tiếp cận đơn lẻ sẽ không bao giờ phát huy hết hiệu quả. Tuy nhiên, việc kết hợp bốn tuyến phòng ngừa - vaccine, thuốc kháng virus, các biện pháp y tế công đồng và hợp tác quốc tế - có thể giúp chúng ta loại bỏ đại dịch như một căn bệnh đe dọa tính mạng và đem lại bình minh của một cuộc sống tốt đẹp hơn./. 

Theo TTXVN tại New York

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết