Thứ Hai, ngày 29 tháng 04 năm 2024

Kỳ họp thứ 4 Hội đồng Lý luận Trung ương

Ngày phát hành: 21/07/2022 Lượt xem 379


 

Thực hiện Chương trình công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026, vào các ngày 20-21/7 tại tỉnh Vĩnh Phúc, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Kỳ họp thứ 4. Đồng chí GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì Kỳ họp; đồng chí Hoàng Thị Thuý Lan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Vĩnh Phúc, các đồng chí trong Thường trực Hội đồng và toàn bộ thành viên Hội đồng tham dự Kỳ họp.

Kỳ họp thứ 4 của Hội đồng tập trung vào hai nội dung quan trọng:

 

1-Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 của Hội đồng Lý luận Trung ương;

 

2- Thảo luận, góp ý kiến vào ba Dự thảo Báo cáo tư vấn của Hội đồng, góp phần phục vụ việc chuẩn bị Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII (dự kiến họp vào tháng 10 năm 2022), bao gồm:

 

(1) Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.

(2) Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 (trong đó có nội dung về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, cải cách tư pháp và cải cách hành chính).

(3) Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Tại Kỳ họp này, với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc vào dự thảo Báo cáo Kết quả thực hiện công tác 6 tháng đầu năm, Kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2022 của Hội đồng Lý luận Trung ương và 3 Dự thảo Báo cáo tư vấn nêu trên. Hội đồng cũng đã nghe Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, kết quả công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị và kinh nghiệm tiến hành công cuộc CNH, HĐH tại địa phương của Thường trực tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân Vĩnh Phúc.

 

 (1) Về Dự thảo Báo cáo Kết quả thực hiện công tác 6 tháng đầu năm và Kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2022 của Hội đồng Lý luận Trung ương:

Các ý kiến phát biểu cơ bản nhất trí với Dự thảo Báo cáo, phân tích làm rõ hơn những kết quả nổi bật, những đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động mà Hội đồng đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022. Các đại biểu cũng nhấn mạnh thêm yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội đồng thích ứng với điều kiện mới.

 

(2) Về các báo cáo tư vấn phục vụ Bộ Chính trị, Ban Bí thư:

2.1. Về Dự thảo Báo cáo tư vấn “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”. Các ý kiến cơ bản nhất trí với Dự thảo Báo cáo, đồng thời đã nhấn mạnh, bổ sung một số kết quả nổi bật qua gần 15 năm thực hiện Nghị quyết; phân tích rõ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra hiện nay về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; dự báo tình hình sắp tới, bổ sung một số nội dung, quan điểm chỉ đạo, giải pháp chủ yếu để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị thời gian tới.

 

Nhiều ý kiến nhấn mạnh vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của phương thức lãnh đạo của Đảng với tính chất là biểu hiện tập trung nhất của vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, vì thế cần tập trung đổi mới đồng bộ các nội dung phương thức lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là đổi mới phương thức hoạch định đường lối, ra nghị quyết, tổ chức thực hiện các nghị quyết và phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua công tác tổ chức, cán bộ.

 

2.2. Về Dự thảo Báo cáo tư vấn “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Các ý kiến phát biểu về cơ bản nhất trí với Dự thảo Báo cáo, đồng thời đã nhấn mạnh, bổ sung một số kết quả nổi bật về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam qua 35 năm đổi mới; phân tích rõ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra hiện nay về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dự báo bối cảnh mới, bổ sung một số nội dung, quan điểm chỉ đạo, định hướng nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Các ý kiến nhất trí kiến nghị về xây dựng Nghị quyết Trung ương mới “Về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

 

2.3. Về Dự thảo Báo cáo tư vấn “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Các ý kiến cơ bản nhất trí với Dự thảo Báo cáo, đồng thời nhấn mạnh, bổ sung một số kết quả nổi bật về thực hiện CNH, HĐH qua 35 năm đổi mới; phân tích rõ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong thực hiện CNH, HĐH qua 35 năm đổi mới; dự báo tình hình sắp tới, bổ sung một số nội dung, quan điểm chỉ đạo, định hướng nhiệm vụ và giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Bên cạnh các ý kiến phát biểu tại hội trường, những ý kiến góp ý bằng văn bản của các Ủy viên Hội đồng rất xác đáng, thể hiện tinh thần trách nhiệm, là cơ sở quan trọng để hoàn thiện ba báo cáo tư vấn trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, kịp thời phục vụ Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII.

 

Cũng trong khuôn khổ kỳ họp, ngày 21-7, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực tế tại Công ty cổ phần ống Thép Việt Đức và Huyện ủy Bình Xuyên./.

P.V

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết