Thứ Bảy, ngày 30 tháng 11 năm 2024

Lào Cai ứng dụng nền tảng số vào mọi mặt của đời sống xã hội

Ngày phát hành: 14/05/2023 Lượt xem 760

Đồng bào các dân tộc Lào Cai đã được tiếp cận toàn diện hơn với môi trường số.


Lào Cai đứng thứ 3/63 tỉnh có số giao dịch cao nhất qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) trong năm 2022 và đứng thứ 2/63 tính đến ngày 21/3/2023. Việc từng bước đẩy mạnh sử dụng các nền tảng số vào mọi mặt của đời sống xã hội đã giúp nhân dân địa phương phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, góp phần từng bước xây dựng nền tảng chính quyền số. 

Lấy người dân làm trung tâm 

Với mục đích làm cho người dân nhận thức rõ xu hướng tất yếu phải chuyển đổi số, thấy công nghệ số là thứ dễ dàng, hiệu quả, thiết thực, Lào Cai xác định, việc chuyển đổi số phải bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, hình thành lên cộng đồng số. Do vậy, sau 1 năm triển khai đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng với nòng cốt là trưởng thôn/tổ trưởng dân phố và cán bộ Đoàn cơ sở, đồng bào các dân tộc Lào Cai từ vùng thấp đến vùng cao, vùng sâu đã được tiếp cận toàn diện hơn với môi trường số. 

Là tổ trưởng tổ công nghệ số cộng đồng thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, chị Tẩn Sử Mẩy thường xuyên đến từng hộ gia đình trong thôn tuyên truyền những chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số; hướng dẫn người dân cài đặt nắm bắt kỹ năng cơ bản sử dụng các nền tảng số. Chị hỗ trợ bà con sử dụng và cài đặt một số ứng dụng cơ bản, cần thiết trên chiếc điện thoại thông minh như: các phầm mềm về thanh toán không dùng tiền mặt; tra cứu thủ tục hành chính, dịch vụ công và việc giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp; sổ sức khỏe điện tử...

Chị Tẩn Sử Mẩy cho biết, Sải Duần vốn nổi tiếng với mô hình ngâm tắm lá thuốc nam gắn với du lịch cộng đồng của người Dao đỏ. Các bài thuốc tắm với công dụng trị liệu hồi phục sức khỏe của người Dao đỏ địa phương ngày càng được biết đến rộng rãi khi được quảng bá mạnh mẽ trên các trang thông tin địa phương, mạng xã hội. Các bài thuốc tắm dần trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào địa phương, thu hút du khách đến trải nghiệm.

Bà Chảo Cói Mẩy từ khi làm trưởng nhóm vận hành mô hình cũng là lúc bắt đầu làm quen với điện thoại thông minh. Các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn cài đặt sổ sức khỏe điện tử; tra cứu bảo hiểm y tế, tạo lập tài khoản thanh toán trực tuyến, mua hàng online... Việc điều hành kinh doanh trở nên nhanh chóng thuận tiện hơn rất nhiều. "Việc phân công công việc giữa 12 thành viên trong nhóm nhanh chóng dễ dàng qua nhóm chat. Việc thanh toán, đặt cọc của cơ sở với khách hàng vô cùng thuận tiện", bà Chảo Cói Mẩy chia sẻ.

Mô hình thay đổi nhận thức về chuyển đổi số tới từng người dân thông qua các Tổ công nghệ số cộng đồng không phải là câu chuyện đơn lẻ của xã Phìn Ngan mà hiện đang được triển khai rộng khắp trên địa bàn huyện Bát Xát. Tính đến thời điểm này, toàn huyện đã thành lập một tổ công nghệ số cấp huyện, 21 tổ công nghệ số cấp xã, 176 tổ công nghệ số thôn, tổ dân số, phủ kín 100% các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn.

Gắn bó với nghề trồng quýt ở thôn Lao Chải, thị trấn Mường Khương hàng chục năm trời song chị Lò Dìn Phủng gặp khó khăn về đầu ra trong những năm COVID-19 bùng phát, chỉ bán được số lượng ít cho người thân, bạn bè. Chị mạnh dạn chuyển đổi sang phương thức bán hàng trực tuyến. Với sự tuyên truyền, hướng dẫn từ các tổ công nghệ cộng đồng, chị và gia đình đã tiếp cận nhanh hơn với công nghệ số, qua đó thúc đẩy công việc kinh doanh tiến triển ngày càng thuận lợi. 

Không chỉ vậy, những khó khăn về nhận thức hay khoảng cách địa lý đã giảm bớt nhờ chuyển đổi số đã dần len lỏi vào mọi mặt cuộc sống người dân vùng cao Lào Cai. Gần 1 năm nay, chị Phủng không phải dành ra cả nửa buổi di chuyển từ trên nương đồi cách xa hàng chục cây số đến các điểm thu tiền của điện lực để nộp tiền nữa, cũng không phải lo lắng về cảnh: Nếu lỡ hôm nay quên không đi nộp tiền điện, quá hạn lại bị cắt điện. "Giờ đây, ngay khi có thông báo về số điện tiêu thụ của gia đình và tổng mức tiền điện phải nộp qua tin nhắn điện thoại, chỉ trong nháy mắt, tôi đã thực hiện xong lệnh chuyển khoản, thanh toán tiền điện nhanh gọn chỉ bằng một vài thao tác trên smartphone", chị Phủng cho biết. 

 

Tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế

Mới đây, tại Hội nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông về triển khai chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường nhấn mạnh, làm công tác chuyển đổi số quan trọng nhất là phải thực chất, không hình thức. 

Hiện trạng hạ tầng và khả năng đáp ứng dịch vụ viễn thông, internet tại Lào Cai ngày càng được nâng cao đến từng thôn, tổ, hộ gia đình trên địa bàn. Hiện, toàn tỉnh có 99% thôn, tổ dân phố được phủ sóng tại khu vực trung tâm, các khu vực tập trung dân cư. 97,6% thôn, tổ dân phố có hạ tầng đảm bảo việc cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng di động (3G, 4G). 82,7% thôn, tổ dân phố có hạ tầng đảm bảo việc cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định. 58% hộ có đường Internet cáp quang băng rộng. 

Lào Cai đã triển khai 5 trạm BTS 5G tại thị xã Sa Pa và khu trung tâm hành chính của tỉnh, phục vụ việc trải nghiệm dịch vụ mới của người dân, du khách và các cơ quan quản lý nhà nước; triển khai 15/15 điểm phát sóng Wifi công cộng phục vụ du khách và nhân dân trên địa bàn thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đang thử nghiệm Cổng dịch vụ công cửa khẩu quốc tế để triển khai cửa khẩu số cho Cửa khẩu quốc tế.  

Năm 2023, tỉnh Lào Cai xác định là năm tăng tốc, bứt phá, khơi thông và tạo thêm các động lực cho tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy cải cách hành chính. Để đạt mục tiêu đó, địa phương xác định tiên phong triển khai chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động của bệnh viện và triển khai Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp nhằm theo dõi, giám sát quá trình thực hiện từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, tổ chức thực hiện dự án, cho đến việc tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp; bảo đảm an toàn, an ninh mạng…

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng - cánh tay nối dài của chính quyền các cấp, UBND tỉnh Lào Cai đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố rà soát, hướng dẫn và chỉ đạo UBND cấp xã trên địa bàn thực hiện kiện toàn tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố; thể hiện vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong hoạt động chuyển đổi số của các cấp chính quyền. Các địa phương thực thi có hiệu quả chủ trương “Lấy người dân làm trung tâm” trong chuyển đổi số, để người dân thấy được giá trị và lợi ích của chuyển đổi số, từ đó chủ động tham gia, đồng hành với chuyển đổi số vì chuyển đổi số là không có điểm kết thúc. 

Để thực hiện mục tiêu đó, Lào Cai sẽ tiếp tục rà soát, chỉ đạo, đôn đốc kiện toàn tổ công nghệ số cộng đồng; xây dựng tài liệu tập huấn tổ công nghệ số cộng đồng. Tỉnh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ nòng cốt về triển khai tổ công nghệ số cộng đồng cấp huyện, cấp xã; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho tổ công nghệ số cộng đồng. Tỉnh ban hành Kế hoạch và tổ chức đào tạo, hướng dẫn ứng dụng thương mại điện tử cho người dân, hộ kinh doanh cá thể; triển khai hoàn thiện Cơ sở dữ liệu địa chỉ số Quốc gia; nghiên cứu và đề xuất chính sách hỗ trợ hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng.../.

 

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết