Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm 15 thành viên đã nhóm họp hôm 6/6 theo yêu cầu của cả Nga và Ukraine một con đập lớn trên sông Dnipro ở miền Nam Ukraine bị phá huỷ.
Đập Nova Kakhovka, gần Kherson, Ukraine bị vỡ, ngày 6/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng tin Reuters, khi được hỏi liệu Mỹ có biết ai chịu trách nhiệm về vụ phá huỷ đập Nova Kakhovka hay không, Phó Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, ông Robert Wood, nói với các phóng viên trước cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc rằng “Không, chúng tôi không chắc chắn chút nào”, đồng thời bày tỏ hi vọng sẽ có thêm thông tin trong những ngày tới.
Tuy nhiên, theo ông Robert Wood, thật vô nghĩa khi Ukraine lại làm điều này với lãnh thổ và người dân của chính họ bởi phá đập Nova Kakhovka sẽ gây ra lũ lụt trên đất liền, buộc hàng chục ngàn người phải rời bỏ nhà cửa của mình.
Trước đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng nói rằng Liên hợp quốc không có bất kỳ thông tin độc lập nào về việc đập Nova Kakhovka bị vỡ như thế nào. Nhưng ông Guterres đã mô tả đây là "một hậu quả tàn khốc khác” từ cuộc chiến tại Ukraine.
Về phần mình, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia lưu ý rằng vào cuối tháng 10/2022, phía Nga đã lưu hành một ghi chú từ phái đoàn thường trực về kế hoạch phá hủy nhà máy thủy điện Kakhovka của Kiev như một tài liệu chính thức của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Đại sứ Nga bày tỏ sự tiếc nuối rằng lời kêu gọi của Moskva về việc cần phải làm mọi thứ có thể để ngăn chặn tội ác khủng khiếp này đã không được chú ý đúng mức và đổ lỗi cho Ukraine thực hiện kế hoạch phá đập Nova Kakhovka, nhưng không đưa ra bằng chứng.
Trong khi đó, Đại sứ Ukraine tại Liên hợp quốc Sergiy Kyslytsya cho rằng Nga đã kiểm soát con đập và toàn bộ nhà máy thuỷ điện Kakhvka trong hơn một năm qua và nhấn mạnh “thực tế là không thể làm nổ tung con đập bằng cách nào đó từ bên ngoài như pháo kích”.
Theo Đại sứ Ukraine, phía Nga đã cho nổ tung đập Nova Kakhovka bằng mìn, nhưng cũng không cung cấp bằng chứng.
Đập Nova Kakhovka trên sông Dnipro nằm cách thành phố Kherson khoảng 30 km về phía Đông, cao 30 mét và rộng hàng trăm mét, được xây dựng vào năm 1956, là một phần của nhà máy thủy điện Kakhovka.
Cảnh ngập lụt tại Ukraine do vụ vỡ đập gây ra. Ảnh: AP
Hồ chứa của đập này chứa khoảng 18 tỷ mét khối nước, khi bị vỡ giải phóng một lượng nước khổng lồ, gây ngập lụt các khu dân cư bên dưới, trong đó có cả Kherson, nơi đang nằm trong quyền kiểm soát của lực lượng Ukraine từ cuối năm 2022.
Hồ chứa trên đập Nova Kakhovka cung cấp nước cho bán đảo Crimea ở phía Nam đã sáp nhập Nga vào năm 2014, đồng thời là nguồn nước làm mát của nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia ở phía Bắc.
Hồ chứa cũng giúp cung cấp năng lượng cho nhà máy thủy điện Kakhovka. Việc phá hủy con đập sẽ làm tăng thêm các vấn đề năng lượng cho Ukraine, nhất là sau khi nhiều cơ sở hạ tầng năng lượng đã bị hư hỏng trong xung đột.
Ngoài ra, đập Nova Kakhovka bị vỡ cũng có khả năng phá hủy hệ thống kênh đào tưới tiêu cho phần lớn miền Nam Ukraine, trong đó có cả Crimea.
Từ khi bắt đầu cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, đập Nova Kakhovka đã được coi là mục tiêu tiềm năng vì nó có tầm quan trọng chiến lược và có thể gây thiệt hại lớn nếu bị phá hủy. Con đập nằm trong quyền kiểm soát của Nga từ hồi tháng 2/2022.
Vào tháng 10/2022, khi Ukraine đang trong quá trình giành lại phần lớn Kherson, Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi phương Tây cảnh báo Nga không được cho nổ đập Nova Kakhovka, vì sẽ làm ngập lụt một khu vực rộng lớn ở miền Nam Ukraine.
Ở thời điểm đó, ông Zelensky nói rằng các lực lượng Nga đã đặt chất nổ bên trong con đập và việc phá hủy con đập đồng nghĩa với một thảm họa quy mô lớn và so sánh hành động đó với việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Theo TTXVN