Thứ Hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024

Nâng cao chất lượng dân số trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Ngày phát hành: 12/07/2021 Lượt xem 1128


Nhân Ngày Dân số Thế giới 11/7/2021, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) kêu gọi các quốc gia, tổ chức thành viên nâng cao nhận thức và hành động về những vấn đề quan trọng và cấp bách đối với dân số toàn cầu trong và sau đại dịch COVID-19.

*Đảm bảo quyền và sức khoẻ sinh sản
       Một trong những trọng tâm lớn nhất của Ngày Dân sốThế giới năm nay là vấn đề sức khỏe và quyền sinh sản của mỗi người. Trước những khó khăn và xáo trộn thời dịch bệnh, UNFPA kêu gọi các quốc gia, tổ chức thành viên cùng hành động để đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe sinh sản cho mọi người dân trên thế giới.
         Trong các giai đoạn dịch bệnh bùng phát tại một số khu vực trên toàn cầu, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản có thể chịu nhiều gián đoạn do bị coi là “không thiết yếu”. Để đối phó với COVID-19, nhiều bệnh viện đã bố trí, sắp xếp nhân viên khoa sản sang làm việc và hỗ trợ cho các khoa cấp cứu, hồi sức tích cực. Ngoài việc khoa sản thiếu đi nguồn nhân lực, tâm lý lo lắng, bất an do nguy cơ lây nhiễm tại bệnh viện có thể ảnh hưởng tới việc khám thai định kỳ của các bà mẹ.
UNFPA kêu gọi các chính phủ ưu tiên đảm bảo quyền sinh sản của người dân bằng cách duy trì các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tình dục, sinh sản một cách an toàn. Đội ngũ nhân viên y tế cần được trang bị đầy đủ các phương pháp bảo hộ để có thể hỗ trợ những phụ nữ đang mang thai một cách tận tình, hiệu quả. Việc duy trì những cơ sở khám thai và các dịch vụ hỗ trợ sinh sản có thể giúp giảm thiểu tình trạng tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh và trẻ em. Ngành y tế cũng cần chú ý tới những phụ nữ có thai thuộc nhóm dân tộc thiểu số, hộ nghèo hoặc các nhóm có hoàn cảnh khó khăn do khuyết tật, HIV.
         Theo UNFPA, việc đóng cửa trường học trong thời dịch cũng ảnh hưởng tiêu cực tới công tác giáo dục giới tính và sức khoẻ sinh sản tại nhiều nơi. Chính phủ các nước nên trang bị thông tin, kiến thức liên quan tới sức khoẻ tình dục, sinh sản và lối sống lành mạnh cho mọi người dân bằng các biện pháp tuyên truyền. Công tác thông tin, truyền thông cũng hỗ trợ người dân trong quá trình tìm hiểu và tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu khi cần thiết. Việc cung cấp các biện pháp tránh thai, hỗ trợ kế hoạch hoá gia đình và điều trị bệnh lây qua đường tình dục cần được chú trọng đặc biệt.

*Thực hiện chính sách nâng cao chất lượng dân số
         Theo khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kế hoạch hoá gia đình là một trong những dịch vụ y tế bị ảnh hưởng nhiều nhất trên toàn cầu do đại dịch COVID-19. Việc thiếu đi sự hỗ trợ về kế hoạch hoá gia đình và các phương pháp tránh thai an toàn gây ảnh hưởng tiêu cực tới các cá nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. UNFPA kêu gọi các quốc gia thành viên tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, tư vấn kế hoạch hoá gia đình.
         Đại dịch COVID-19 còn khiến cho nguy cơ bạo lực giới tính tăng cao trên thế giới. Tại một số nơi, nhiều phụ nữ và trẻ em gái đang đứng trước nguy cơ bị bạo hành hoặc bị ép tảo hôn. Quy định giãn cách xã hội phòng chống dịch cũng khiến nhiều phụ nữ không thể tiếp cận được sự bảo vệ, hỗ trợ từ các tổ chức xã hội. Để đạt được mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao chất lượng dân số, LHQ khuyến cáo các cơ quan chính phủ duy trì, đầu tư vào những chương trình hỗ trợ, bảo vệ sức khoẻ cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo hành. Các cơ quan hành pháp và tư pháp cần hành động nhanh để đối phó và ngăn chặn nguy cơ bạo lực gia tăng trong thời dịch.
         Nhóm người cao tuổi luôn có những đóng góp tích cực trong hoạt động tình nguyện, các tổ chức cộng đồngvà công tác phòng chống dịch. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của người cao tuổi đối với xã hội hiện đại, UNFPA đề cao những chương trình hành động nhằm đảm bảo quyền được chăm sóc sức khoẻ, đời sống vật chất và tinh thần của nhóm dân số này. Ví dụ, chương trình chung về Bảo vệ quyền lợi và vị trí của người cao tuổi trong xã hội Châu Âu và Trung Á (2020-2023) của các cơ quan LHQ đặc biệt chú trọng tới thông điệp về quyền bình đẳng, sự cống hiến của người cao tuổivà việc xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi.

*Phát triển dân số bền vững
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của dân số thế giới, chính phủ các nước cần nghiên cứu về xu hướng dân số. Những xu hướng tăng trưởng, già hoá dân số, đô thị hoá hay di cư có ảnh hưởng lớn tới các mục tiêu xoá đói giảm nghèo, cải thiện điều kiện sinh hoạt và các dịch vụ xã hội cơ bản.
Tại nhiều khu vực trên toàn cầu, người trẻ tuổi không có nhiều cơ hội được học tập kiến thức, kỹ năng cũng như đảm bảo có công việc ổn định. Để nâng cao chất lượng dân số một cách bền vững và đồng đều, chính phủ các nước nên chú ý tới việc xoá bỏ rào cản về y tế, giáo dục và việc làm cho nhóm thanh niên chưa có việc làm. Theo UNFPA, chính phủ các nước nên chú trọng đầu tư vào các chương trình học tập, đào tạo lâu dài cũng như kích thích lao động đối với thanh, thiếu niên. Ngoài các công tác ngăn chặn bạo lực và thúc đẩy bình đẳng giới, các quốc gia cần triển khai những chương trình giáo dục giới tính, giảng dạy về quyền công dân và kỹ năng sống cho các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em gái ở lứa tuổi vị thành niên.
Trước xu hướng đô thị hoá và di dân về thành phố, hệ thống chính quyền cấp nhà nước và địa phương nên có phương án xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp. Những thành phố đông dân cần phòng ngừa tình trạng tắc nghẽn giao thông, quá tải hạ tầng, ô nhiễm và thiếu thốn dịch vụ cơ bản. Việc thu thập và sử dụng dữ liệu dân số có thể tạo lợi thế cho quá trình xây dựng, phát triển giao thông công cộng, và mở rộng không gian xanh trong đô thị. Dữ liệu dân số còn có thể được sử dụng để hỗ trợ cho những khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu. Dựa trên những thông tin thu thập được, nhà chức trách có thể lên kế hoạch hỗ trợ người dân ứng phó và phòng ngừa hậu quả của các hiện tượng tự nhiên hoặc biến đổi khí hậu.
Thực tế cho thấy trong quá trình phòng chống dịch bệnh COVID-19, dữ liệu dân số đã hỗ trợ các chính phủ khoanh vùng và hỗ trợ những nhóm dễ bị tổn thương như người cao tuổi, cư dân của các khu vực thiếu nước hoặc có mật độ dân số cao. UNFPA cũng đã sử dụng dữ liệu dân số để theo dõi và vạch kế hoạch ứng phó với sự gián đoạn của các dịch vụ sức khoẻ sinh sản và các chương trình chống bạo lực, tảo hôn./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết