Nhiều cảng biển lớn nhất thế giới sẽ trở nên vô dụng vì nước biển dâng
Một số cảng biển lớn nhất thế giới sẽ không thể sử dụng được vào năm 2050 do mực nước biển dâng cao ảnh hưởng tới các hoạt động tại các cảng.
Theo Báo cáo Xu hướng Hàng hải toàn cầu 2050 công bố ngày 8/9, một số cảng lớn nhất thế giới, trong đó có cảng ở Thượng Hải (Trung Quốc), Houston (Mỹ) và Lazaro Cardenas (Mexico), nhiều khả năng sẽ không thể sử dụng được vào năm 2050 khi mực nước biển dâng cao 40 cm. Các cảng chính như Rotterdam (Hà Lan) cũng nằm trong diện nguy hiểm. Báo cáo được tổ chức nghiên cứu Economist Impact thực hiện, dưới sự ủy quyền của Lloyd’s Register - một tổ chức chứng nhận có uy tín trong ngành vận tải biển quốc tế, và tổ chức từ thiện Lloyd’s Register Foundation.
Người phát ngôn của Lloyd’s Register cho biết có khoảng 33% trong số 3.800 cảng biển toàn cầu thuộc vùng nhiệt đới, có nguy cơ cao chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu. Các cảng dễ bị ảnh hưởng như Thượng Hải có thể thiết lập hệ thống phòng chống lũ tương tự mô hình đê chắn Maeslant (Hà Lan) và hay đê chắn trên sông Thames ở London (Anh), song đây chỉ là giải pháp ngắn hạn và tốn kém. Vì vậy, báo cáo đề xuất các quốc gia cần đẩy mạnh đầu tư, nâng cao hiệu quả và khả năng chống chịu của các cảng biển và cơ sở hạ tầng logistics, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu ngày càng tăng.
Hoạt động vận tải biển gây ra gần 3% tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu. Theo Lloyd’s Register, ngành này đang tích cực cắt giảm lượng khí thải thông qua việc giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, song quá trình còn khá rời rạc. Nguyên nhân do hạn chế trong việc thu thập và chia sẻ dữ liệu giữa các bên.
Báo cáo được công bố trước thềm sự kiện Tuần lễ Vận tải biển quốc tế London diễn ra từ ngày 11/9 tới. Hiện nay, nhiều cảng trên thế giới cũng đã bị gián đoạn hoạt động do ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết bất lợi như tình trạng hạn hán làm giảm lưu thông qua kênh đào Panama./.
Theo TTXVN