Dịch COVID-19 "chưa từng có tiền lệ", đã chi phối mọi khía cạnh của đời sống kinh tế-xã hội trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Các lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm tầm soát dịch COVID-19 ở phường An Lạc, quận Bình Tân.
Ảnh: TTXVN phát
Một đất nước có thu nhập trung bình thấp, buộc phải bước vào cuộc chiến chống "giặc COVID-19" với tiềm lực kinh tế hạn chế, trong đó hệ thống y tế còn nhiều khó khăn. Để chiến thắng "giặc dịch" trong bối cảnh này đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ, linh hoạt, vừa làm vừa điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện để ứng phó hiệu quả, hạn chế thấp nhất rủi ro do dịch bệnh gây ra.
Trong đợt dịch lần thứ 4 với những diễn biến phức tạp, nhiều thách thức, TP Hồ Chí Minh - nơi "đầu tàu" nền kinh tế cả nước, đã trở thành tâm dịch "nước sôi lửa bỏng" và bị ảnh hưởng nặng nề. Thật khó có thể tưởng tượng, số ca mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh đã chiếm gần 50% tổng số ca mắc trên cả nước trong đợt dịch này.
Thực tiễn hơn 160 ngày căng mình chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và những bài học kinh nghiệm được đúc rút đã góp phần chuyển hướng mạnh mẽ chiến lược phòng, chống dịch trên cả nước bước sang giai đoạn mới: "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19".
Ba trụ cột chống dịch
Quay trở lại những ngày đầu Việt Nam phòng, chống dịch COVID-19, từ việc phân tích, xác định rõ tốc độ và chu kỳ lây lan của chủng virus, công tác phòng, chống dịch đã tập trung tận dụng "khoảng thời gian vàng", phát hiện nhanh nhất các trường hợp F1, F2 liên quan để hạn chế tối đa lây lan ra cộng đồng. Các khâu chống dịch COVID-19 được triển khai thần tốc. Chiến lược phòng, chống dịch được thực hiện nhất quán trên cả nước: "Ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch; điều trị hiệu quả" và áp dụng 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế). Với chiến lược này, Việt Nam đã kiểm soát, ngăn chặn thành công 3 đợt dịch đầu tiên, tiếp tục thực hiện mục tiêu "không có ca COVID-19 trong cộng đồng" (Zero COVID).
Đợt dịch lần thứ 4 với những diễn biến phức tạp, nhiều thách thức do biến chủng virus Delta lây lan nhanh chóng, công tác phòng, chống dịch có những lúc không tránh khỏi lúng túng, khó khăn, đòi hỏi phải điều chỉnh linh hoạt, phù hợp, kịp thời để có thể thích ứng và từng bước kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Thực tiễn hơn 4 tháng chống dịch tại TP Hồ Chí Minh đã dần hình thành 3 trụ cột chính trong chiến lược phòng, chống dịch bệnh. Đó là: Giãn cách xã hội (hẹp nhất và chặt nhất có thể); xét nghiệm (thần tốc, an toàn, khoa học, hợp lý và hiệu quả); phân loại chăm sóc, điều trị hợp lý (từ xa, từ sớm, ngay từ cơ sở, góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong).
Trụ cột thứ nhất về thực hiện giãn cách xã hội. Ở đợt dịch thứ 4, chủng virus Delta với đặc tính nguy hiểm, lây lan nhanh, đã tấn công vào những điểm xung yếu nhất: Bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp trong khu công nghiệp, chợ đầu mối, xóm trọ, khu trọ công nhân chật chội… với số ca tăng lên "chóng mặt" mỗi ngày.
Các chuyên gia y tế đã chỉ ra rằng, giãn cách xã hội vẫn là giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng. Chỉ khi thực hiện triệt để giãn cách giữa người với người mới có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm của virus truyền nhiễm. Đặc biệt, khi những bệnh nhân không triệu chứng chiếm tỷ lệ ngày càng nhiều, nếu không kịp thời phát hiện các F0 trong cộng đồng thì khả năng lây lan rất lớn, rất nguy hiểm, khiến hệ thống y tế quá tải, nhiều người bị bệnh nặng, tử vong, đe dọa sự ổn định và phát triển của đất nước.
TP Hồ Chí Minh chính thức thực hiện đợt giãn cách xã hội đầu tiên từ ngày 31/5 theo Chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) thực hiện theo Chỉ thị 16, tiếp đó là thực hiện giãn cách xã hội tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Cuối tháng 7, đầu tháng 8 được xem là đỉnh dịch của TP Hồ Chí Minh khi phải đối mặt với việc ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc/ngày, số ca khỏi bệnh thấp, số ca tử vong lên đến 340 ca/ngày, số bệnh nhân chuyển nặng tăng quá nhanh, trong khi lượng vaccine được tiêm còn rất hạn chế… Từ 0 giờ ngày 23/8, TP Hồ Chí Minh quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: "Ai ở đâu ở yên đó", siết chặt chống dịch ở mức độ cao nhất để kịp thời triển khai xét nghiệm, điều trị. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định, giãn cách xã hội nghiêm góp phần hiệu quả trong việc kiểm soát tình dịch bệnh, kịp thời ngăn chặn nhiều ca mắc COVID-19 và tử vong trong thời gian qua.
Cùng với giãn cách xã hội, xét nghiệm và điều trị là những giải pháp trọng yếu, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau như "kiềng ba chân". Từ việc siết chặt các mức độ giãn cách xã hội đã hình thành chiến lược xét nghiệm và điều trị rõ ràng hơn ở từng giai đoạn. Tại TP Hồ Chí Minh, dựa vào tình hình thực tế, phương thức tổ chức xét nghiệm đã nhiều lần được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với diễn biến dịch ở từng thời điểm.
Vào giai đoạn đầu, với mục tiêu bóc tách toàn bộ F0 ra khỏi cộng đồng, xử lý triệt để các ổ dịch, thành phố tổ chức xét nghiệm diện rộng với phương thức xét nghiệm Realtime RT-PCR tại các ổ dịch, vùng nguy cơ cao (vùng cam), nguy cơ rất cao (vùng đỏ) và xét nghiệm nhanh để tầm soát, đánh giá nguy cơ tại vùng vàng và xanh. Tuy nhiên, theo GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (được Bộ Y tế giao điều phối chiến lược xét nghiệm tại đây), thời gian trả kết quả xét nghiệm Realtime RT-PCR chậm, trong khi đó nguồn cung kit xét nghiệm nhanh còn hạn chế, cùng với việc thực hiện giãn cách xã hội chưa nghiêm, khiến việc đánh giá tình hình có nhiều khó khăn, không theo kịp diễn biến thực tế lây lan của chủng Delta.
Sau khi nguồn cung xét nghiệm nhanh được cải thiện, thành phố đã chuyển sang phương thức xét nghiệm theo phương châm "rõ-chắc-nghiêm-nhanh", kết hợp xét nghiệm Realtime RT-PCR với xét nghiệm nhanh, nhằm tăng tốc độ xét nghiệm và điều chỉnh theo hướng xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên đánh giá dịch tễ. Xét nghiệm Realtime RT-PCR tại vùng đỏ, vùng cam đã dần theo kịp tốc độ lây của dịch với nhiều phương thức linh hoạt hơn (mẫu đơn, mẫu gộp, mẫu đại diện theo nguy cơ) đến từng khu phố, tổ dân phố. Đối với xét nghiệm nhanh, đến khoảng cuối tháng 8, một số quận, huyện đã mạnh dạn thử nghiệm hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Từ ngày 20/9, thành phố triển khai thần tốc lấy mẫu xét nghiệm chỉ bằng phương pháp test nhanh để bóc tách ngay nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời, thay vì có thêm phương pháp xét nghiệm RT-PCR như trước đây; từ đó, điều trị kịp thời và đánh giá, phân loại lại vùng nguy cơ. Nhiều đợt xét nghiệm nhanh được thực hiện nhằm "quét đi, quét lại" những vùng đỏ, vùng cam đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Thời điểm này, năng lực lấy mẫu xét nghiệm của Thành phố tăng lên, đạt trung bình 2 triệu mẫu/ngày, trong đó có tới 25% số mẫu người dân tự lấy. GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai cho rằng, việc bóc tách được tất cả nguồn lây nhiễm mạnh trong cộng đồng có thể góp phần hỗ trợ hiệu quả cho công tác điều trị, tiến tới khống chế dịch bệnh, mở cửa được sớm nhất và là tiền đề để có thể sống chung với COVID-19.
Song song với các giai đoạn xét nghiệm là phương án điều trị. Ở giai đoạn đầu, thành phố tập trung tổ chức hệ thống y tế để đáp ứng điều trị F0 tại các cơ sở y tế như xây dựng bệnh viện dã chiến, chuyển đổi công năng bệnh viện, mô hình "bệnh viện tách đôi" và phân tầng điều trị cho từng đối tượng bệnh nhân nhằm mục tiêu cao nhất giảm tỷ lệ tử vong. Chỉ trong chưa đến 10 ngày, TP Hồ Chí Minh đã khẩn trương xây dựng hơn 10 bệnh viện dã chiến với quy mô gần 40.000 giường. Công tác thu dung và điều trị người bệnh COVID-19 được ngành Y tế thay đổi liên tục để phù hợp với thực tiễn, từ tháp 3 tầng, lên 4 tầng, 5 tầng điều trị phù hợp từng cấp độ từ nhẹ đến nặng của bệnh nhân COVID-19.
Chính trong thời điểm này, nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố đã phát huy tinh thần sáng tạo, hình thành nhiều mô hình điều trị hiệu quả nhằm giảm số bệnh nhân chuyển từ không triệu chứng sang có triệu chứng; cấp cứu tại cơ sở thay vì phải đưa lên tuyến trên (do thành phố và Bộ Y tế quản lý - đang ở trong tình trạng quá tải) với mục tiêu cao nhất là giảm tỷ lệ tử vong.
Tuy nhiên, đối diện với đỉnh dịch: Số ca mắc tăng quá nhanh, cố ca chuyển nặng và tử vong tăng cao đã tạo nên áp lực vô cùng lớn đối với hệ thống điều trị và thành phố đã buộc phải có các biện pháp ứng phó. Chiến lược kiểm soát, điều trị của thành phố đã thay đổi từ cách ly tập trung chuyển sang cách ly F0, F1 tại nhà, giảm số ca nhập viện bằng cách thiết lập các trạm y tế lưu động ở cơ sở, trang bị thêm oxy và trang thiết bị y tế; phát các gói thuốc A, B, C cho F0. Từ đó, tận dụng tất cả nguồn lực y tế tại chỗ, được chi viện từ Trung ương và cả nước để tập trung chăm sóc F0 tại cộng đồng nhằm giảm số ca nhập viện, giảm chuyển nặng và tử vong, để đội ngũ nhân viên y tế tập trung sức lực điều trị cho các trường hợp nặng.
Những biện pháp tích cực từ giữa tháng 8, cùng với lực lượng y, bác sỹ tăng cường và tại chỗ đã giúp hiệu quả điều trị tốt hơn. Điều trị F0 không có triệu chứng lâm sàng tại nhà giúp giảm bớt áp lực cho cơ sở y tế. Số tử vong đã giảm dần cho thấy hướng đi hiện nay là đúng. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã nhận định như vậy tại cuộc họp trực tuyến với hơn 700 điểm cầu trong cả nước ngày 7/10.
Tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với các địa phương ngày 9/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo một lần nữa nhấn mạnh việc kiên trì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch dựa vào 3 trụ cột: Giãn cách xã hội, cách ly; xét nghiệm; phân loại chăm sóc, điều trị hợp lý. Bởi trong bối cảnh virus liên tục biến chủng để tồn tại, chúng ta cần phải liên tục thích nghi và điều chỉnh để thích ứng an toàn, song 3 trụ cột phòng, chống dịch luôn đóng vai trò trọng yếu để cả nước kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Vaccine - Yếu tố cốt lõi phòng, chống dịch
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Nhà thi đấu Phú Thọ (Quận 11), TP Hồ Chí Minh.
Ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Cùng với 3 trụ cột phòng, chống dịch, vaccine được coi là "chiếc áo giáp", biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, đợt dịch thứ 4 xuất hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh vào khoảng cuối tháng 5/2021, tỷ lệ người dân tiêm vaccine phòng COVID-19 rất thấp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến sau này, khi dịch xâm nhập "sâu", số ca chuyển nặng và tử vong tăng rất cao.
Trong bối cảnh "nước sôi lửa bỏng", thành phố phải cùng lúc thực hiện hai nhiệm vụ: Vừa thần tốc khoanh vùng, kiểm soát dịch, vừa cấp tốc triển khai chiến dịch tiêm vaccine có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Để có 15 triệu liều vaccine phòng COVID-19 tiêm cho 70% người dân trên địa bàn, đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng, chiến lược tiêm vaccine của Thành phố Hồ Chí Minh cũng được điều chỉnh kịp thời qua từng giai đoạn. Tất cả nhằm mục tiêu giảm số ca mắc, giảm số ca nhập viện trở nặng và giảm nguy cơ tử vong.
Trong những đợt đầu ưu tiên tiêm cho 11 nhóm đối tượng tuyến đầu chống dịch, lực lượng công nhân trong các khu chế xuất, công nghiệp, người lao động trong các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng hàng hóa thiết yếu, về sau thành phố mở rộng cho người cao tuổi, người mắc các bệnh lý nền, phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ; không phân biệt đối tượng, hộ khẩu thường trú hay tạm trú, chỉ cần cư trú trên địa bàn thành phố đều được tiêm.
Được Chính phủ, Bộ Y tế ưu tiên phân bổ vaccine nhiều nhất cả nước, ngành Y tế TP Hồ Chí Minh đã huy động hàng nghìn đội tiêm chủng đến từ các cơ sở đã được công bố đủ điều kiện tiêm vaccine phòng COVID-19; tập huấn cho hàng nghìn đoàn viên, thanh niên, thanh niên tình nguyện về công tác hỗ trợ. Cùng với đó, công tác tổ chức điều phối tiêm, lựa chọn các điểm tiêm phù hợp, đủ điều kiện đã được các cơ quan chức năng lựa chọn kỹ, thuận tiện cho người dân đến tiêm, bảo đảm thực hiện các quy định về phòng, chống dịch. Mặc dù vẫn còn những lúng túng ban đầu nhưng đợt tiêm chủng của thành phố đã thành công với sự vào cuộc tổng lực của nhiều lực lượng, bảo đảm an toàn cho người dân.
Để trở lại trạng thái bình thường mới, thành phố đề xuất cung ứng nguồn vaccine phù hợp để tiêm cho người từ 12-17 tuổi; đồng thời xây dựng kế hoạch tiêm phủ vaccine mũi 1 và mũi 2 cho tất cả người dân từ nay đến hết năm 2021, theo lộ trình 4 giai đoạn với thông điệp "vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất".
Tính đến chiều 16/10, TP Hồ Chí Minh đã tiêm vaccine mũi 1 đạt 99% người từ 18 tuổi trở lên; mũi 2 đạt trên 75%. Trên Cổng thông tin tiêm chủng Quốc gia ghi nhận, TP Hồ Chí Minh đã tiêm hơn 12,5 triệu liều vaccine. Đây là một tiền đề quan trọng, điều kiện tiên quyết để TP Hồ Chí Minh mạnh dạn ban hành Chỉ thị 18 về "Tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn thành phố" từ ngày 1/10.
Từ việc tiêm chủng của TP Hồ Chí Minh để ban hành "thẻ xanh COVID" đến phạm vi rộng hơn trên cả nước, việc tiêm vaccine - được xem là "yếu tố cốt lõi" phòng, chống dịch với mục tiêu sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, bao phủ toàn dân. Tại Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" do Chính phủ ban hành, một trong ba tiêu chí quan trọng để đánh giá, phân loại 4 cấp độ dịch là độ bao phủ vaccine. Bởi tiêm chủng góp phần quan trọng để giảm số ca nặng, tử vong và tỷ lệ mắc, thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Chuyển từ "Zero COVID" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả", Nghị quyết kiên định mục tiêu ngay từ những ngày đầu phòng, chống dịch: Bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.
Căn cứ Nghị quyết của Chính phủ, công tác phòng, chống dịch ở tất cả các cấp từ cơ sở đến Trung ương đang dần chuyển hướng thực hiện sát tình hình thực tế, phù hợp hơn với diễn biến dịch bệnh và yêu cầu khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Các tỉnh, thành phố trên cả nước đang tiếp tục rà soát, đánh giá và xác định cấp độ dịch, triển khai thực hiện các biện pháp tương ứng nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý để thành phố cũng như các địa phương khác có những chuyển biến trong nhận thức, chủ động điều chỉnh, sáng tạo nhằm kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong thời gian tới.
Đồng thời, nhìn lại đợt dịch lần thứ 4 càng thấy rõ hơn, trong mọi cuộc chiến cam go, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt, kịp thời của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống trị, tinh thần đoàn kết, đồng lòng của toàn thể nhân dân, sự giúp đỡ của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng và giữ vững được thành quả chống dịch, từng bước phục hồi kinh tế, đem lại cuộc sống bình thường mới cho người dân.
Diệp Trương (TTXVN)