Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024

Những yếu tố giúp Việt Nam trở thành trung tâm khoa học-công nghệ

Ngày phát hành: 04/02/2021 Lượt xem 664


Hãng tin Reuters ngày 2/2 đăng bài bình luận về mục tiêu “trở thành một quốc gia phát triển toàn diện vào năm 2045” mà Việt Nam đưa ra tại Đại hội Đảng XIII, nội dung như sau:
Kế hoạch kinh tế trong 5 năm tới của Việt Nam là nâng tầm đất nước từ một điểm đến có lao động giá rẻ thành một trung tâm khoa học và công nghệ. Việt Nam đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19 và đang hướng đến mục tiêu phục hồi kinh tế dựa trên các hiệp định thương mại tự do (FTA), tư nhân hóa và việc tiếp tục kiểm soát đại dịch.


Mục tiêu trở thành trung tâm khoa học-công nghệ
Được “trang bị” một loạt FTA khiến các nước trong khu vực ghen tị, Việt Nam ngày càng thu hút các công ty nước ngoài chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc. Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức thông qua “tham vọng” nâng mức tăng trưởng dự kiến lên 6,5% đến 7,0%/năm cho giai đoạn 2021-2025.
Theo kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm tới, Việt Nam sẽ thúc đẩy vai trò ngày càng tăng của mình như một trung tâm sản xuất quan trọng cho các công ty khổng lồ như Samsung Electronics và Intel Corp. Đồng thời, Đảng đang đặt mục tiêu đưa đất nước từ một điểm đến lao động giá rẻ thành một trung tâm khoa học và công nghệ.
Với hơn 10 hiệp định tự do thương mại (FTA) được ký kết, Việt Nam hy vọng mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Việt Nam đã gặt hái được nhiều lợi ích từ việc hai đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ vướng vào cuộc chiến thương mại gay gắt, khiến các nhà sản xuất phương Tây tìm cách chuyển ngày càng nhiều dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc với Việt Nam là điểm đến ưa thích.

 


Tiếp tục đối phó với COVID-19
Mục tiêu phát triển kinh tế 5 năm (2021-2025) được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam vừa phục hồi sau đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất trong gần 2 tháng. Đây là lời “nhắc nhở” rằng thành công trong tương lai ít nhất sẽ phụ thuộc vào việc ngăn chặn COVID-19 trong ngắn hạn.
Mức tăng trưởng 2,9% của Việt Nam năm 2020 được nhiều quốc gia trên thế giới “trầm trồ”, song đây là năm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ đối với nền kinh tế Việt Nam khi đất nước chịu tác động của các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ.
Bất chấp đại dịch, tháng 1 vừa qua, một đơn vị của Foxconn Technology Co Ltd của Đài Loan, nhà cung cấp chính của công ty Apple (Mỹ) đã có được giấy phép đầu tư 270 triệu USD vào Việt Nam. Nhà sản xuất chip Intel của Mỹ cho biết họ đã tăng đầu tư vào Việt Nam thêm 475 triệu USD, lên 1,5 tỷ USD.
Theo Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm tới, Việt Nam sẽ “tập trung các biện pháp để hoàn thiện cơ bản các yếu tố của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xử lý tốt hơn mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường và xã hội”.

 


Động lực cho quá trình cổ phần hóa
Các nhà phân tích cho rằng đề án kinh tế trên là động lực để Việt Nam tiếp tục cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trừ những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực được coi là thiết yếu cho an ninh quốc phòng.
Việt Nam cũng sẽ chuyển trọng tâm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ số lượng sang chất lượng và hạn chế tác động đến môi trường.
Sau nhiều thập kỷ phát triển nhờ nguồn vốn FDI mạnh mẽ, phần lớn là kinh doanh thâm dụng lao động và không thân thiện với môi trường, Việt Nam "sẽ không cấp phép các dự án công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường"./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết