Thứ Năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024

Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong kiểm tra, giám sát

Ngày phát hành: 25/08/2023 Lượt xem 742

Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và người lao động, có chức năng tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Để thực hiện tốt chức năng đó, đòi hỏi các cấp công đoàn phải làm tốt công tác giám sát và phản biện xã hội, từ đó nâng cao vai trò, vị thế cũng như bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng cho đoàn viên, người lao động.

 

 

Kịp thời ngăn chặn hậu quả ngoài mong muốn 

Hơn một năm trước, 31 lao động ở Công ty Cổ phần May Quảng Trị làm đơn kêu cứu các cơ quan chức năng vì bị nợ bảo hiểm xã hội với số tiền hàng tỷ đồng. Chủ doanh nghiệp nhiều lần hứa hẹn nhưng sự việc vẫn không được giải quyết khiến người lao động không được hưởng các chế độ chính đáng. Quyền lợi sát sườn không được đảm bảo, nhiều công nhân đã nộp đơn xin nghỉ việc. Trước sự việc trên, Công đoàn ngành Công Thương tỉnh Quảng Trị đã vào cuộc quyết liệt, nhiều lần làm việc với các cơ quan chức năng như Công an, thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội của tỉnh Quảng Trị, yêu cầu các đơn vị cùng tham gia bảo vệ người lao động.

Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương tỉnh Quảng Trị Hoàng Văn Tuân cho biết, nếu Công ty Cổ phần May Quảng Trị không thực hiện nghĩa vụ của mình trước pháp luật với người lao động, Công đoàn ngành sẽ hỗ trợ người lao động trong tư vấn pháp luật, củng cố hồ sơ để giúp người lao động khởi kiện ra toà. Đó là một trong những chức năng giám sát của tổ chức công đoàn, khẳng định vai trò bảo vệ quyền, và lợi ích hợp pháp cho người lao động. 

Sự vào cuộc của tổ chức công đoàn cùng các cơ quan chức năng, cũng như sức ép của dư luận, Công ty Cổ phần May Quảng Trị đã tổ chức buổi đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động với sự tham dự của lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Trị… Tại buổi đối thoại công khai, trước những ý kiến phản ánh của công nhân, Giám đốc doanh nghiệp đã thừa thận tình trạng trên và đưa ra phương án giải quyết, cam kết thực hiện. 

Có thể thấy, sau đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp trên cả nước gặp khó khăn trong việc sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, việc nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội kéo dài như ở Công ty Cổ phần May Quảng Trị là không thể chấp nhận được. Sự vô trách nhiệm của doanh nghiệp không chỉ vi phạm quy định của pháp luật mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người lao động vốn đã khó khăn. Nếu tình trạng này kéo dài ở nhiều nơi, công nhân sẽ phản ứng, dẫn đến ngừng việc tập thể để đòi quyền lợi…  

Do vậy, việc tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được người lao động ủy quyền khởi kiện doanh nghiệp là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, công đoàn đã đứng ra thực hiện chức năng của mình, cũng là nhằm mục đích xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, góp phần tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh bền vững. Việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu các hành vi vi phạm quyền lợi của người lao động đã thể hiện vai trò giám sát rất quan trọng của tổ chức công đoàn, nhằm ngăn chặn những hậu quả xảy ra ngoài ý muốn. 

Công đoàn phải trở thành chủ thể trong kiểm tra, giám sát

Đánh giá về vai trò giám sát, nhiều chuyên gia nhận định, chức năng này là hết sức cần thiết vì cán bộ công đoàn đều trưởng thành từ người lao động, gắn bó và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân, cũng như theo dõi mọi hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định của luật, vai trò của tổ chức công đoàn trong việc giải quyết mâu thuẫn của doanh nghiệp và người lao động vẫn chưa thực sự rõ ràng. 

Tiến sĩ Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, Điều 10 của Hiến pháp năm 2013 và Điều 14 của Luật Công đoàn năm 2012 đều ghi nhận quyền giám sát của Công đoàn Việt Nam. Tuy nhiên, không có sự thống nhất và đồng bộ về quyền giám sát của Công đoàn là chủ động giám sát hay chỉ phối hợp giám sát. “Khảo sát tại các tỉnh, thành cho thấy, công tác tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát của tổ chức Công đoàn tại các doanh nghiệp rất khó khăn, vì Công đoàn chỉ có quyền tham gia với các đơn vị khác, rất bị động”, Tiến sĩ Vũ Minh Tiến chia sẻ. 

Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Thủ Đức Nguyễn Đình Cường cho rằng, trong nhiều trường hợp tổ chức Công đoàn đã nhìn thấy những vấn đề xảy ra tại các doanh nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động như: nội dung trong hợp đồng lao động không đầy đủ, không cụ thể, rõ ràng; việc chấm dứt hợp đồng không đúng quy định, chậm thanh toán, nợ tiền lương của người lao động… Tuy nhiên, Công đoàn không thể đơn phương giải quyết vấn đề đó mà phải thông qua các cơ quan quản lý nhà nước, lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, dẫn đến hiệu quả không được như mong muốn. 

Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, hiện nay vai trò của Công đoàn trong việc thực hiện kiểm tra, giám sát, chỉ là thành viên, không phải chủ thể nên rất bị động. Dù trong quá trình tìm hiểu tâm tư, đời sống người lao động phát hiện ra nhiều bất cập nhưng không thể chủ động làm việc, kiểm tra hay yêu cầu làm rõ...

Từ thực tiễn trên, nhiều cán bộ công đoàn kiến nghị giao quyền chủ động kiểm tra, giám sát ở một số nội dung như thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng thỏa ước lao động tập thể và thực hiện kinh phí công đoàn… cho tổ chức Công đoàn. Việc trở thành chủ thể kiểm tra, giám sát sẽ giúp Công đoàn Việt Nam nâng cao vai trò, vị thế nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên - lao động.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, Công đoàn Viên chức các địa phương có trách nhiệm rất lớn trong thực hiện Chương trình cải cách hành chính nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Do đó, tổ chức công đoàn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các đoàn viên; tổ chức tốt phong trào thi đua yêu nước; tham gia xây dựng và hoàn thiện pháp luật; đồng thời thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội; tham gia thực hiện tốt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định, không chỉ dừng ở thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức mà từng cán bộ công đoàn còn là người thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của cải cách hành chính và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. 

Để thực hiện hiệu quả việc giám sát, kiểm tra đạt hiệu quả cao, công đoàn các cấp cũng cần bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát có đạo đức, có năng lực; am hiểu các quy định pháp luật và dám đấu tranh khi phát hiện các vi phạm. Điều này cũng rất quan trọng, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn Việt Nam…

 

Đỗ Bình (TTXVN)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết