Thứ Sáu, ngày 26 tháng 04 năm 2024

Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19: lan tỏa những tấm lòng cao cả vì cộng đồng

Ngày phát hành: 06/06/2021 Lượt xem 746

 

Tối 5/6/2021, tại Hà Nội sẽ diễn ra sự kiện ra mắt Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhằm kêu gọi mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đóng góp, tài trợ, hỗ trợ cho Quỹ vaccine phòng COVID-19 với tấm lòng và trách nhiệm vì sức khỏe mỗi người, vì cộng đồng, vì quốc gia, dân tộc. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng COVID-19 và kêu gọi đồng bào chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài chung sức đồng lòng với Chính phủ góp sức, góp tiền cho Quỹ vaccine.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi đồng bào chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài chung sức

đồng lòng với Chính phủ góp sức, góp tiền cho Quỹ vaccine.


* Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19: lan tỏa những tấm lòng cao cả vì cộng đồng
Ngày 26/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19. Quỹ được thành lập với mục tiêu tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước để tiêm chủng cho người dân.
Dự kiến, Việt Nam cần mua 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng. Theo, Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến chiều 3/6, Quỹ đang có hơn 103 tỷ đồng do người dân, doanh nghiệp chuyển trực tiếp và hơn 2.000 tỷ đồng các doanh nghiệp lớn đã cam kết ủng hộ.
Lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng COVID-19 sẽ được tổ chức vào lúc 20 giờ 10 phút thứ bảy  5/6/2021, tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Sự kiện này được tổ chức nhằm tiếp tục kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, các doanh nghiệp, doanh nhân, mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện tham gia đóng góp, tài trợ, hỗ trợ cho Quỹ vaccine phòng COVID-19 với tấm lòng và trách nhiệm vì sức khỏe mỗi người, vì cộng đồng, vì quốc gia, dân tộc và với tinh thần đoàn kết quốc tế, chung tay đẩy lùi đại dịch ở mỗi quốc gia và toàn cầu.
Quan điểm nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là triệt để tiết kiệm ngân sách nhà nước, tìm mọi cách, huy động mọi nguồn lực của xã hội, của các tổ chức và cá nhân trong nước cũng như quốc tế để có nguồn kinh phí tiêm vaccine cho nhân dân. Đây cũng là dịp để thể hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tình cảm, sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè, đối tác quốc tế; nâng niu, trân trọng, sử dụng đúng mục đích và công khai, minh bạch từng đồng đóng góp của nhân dân và bạn bè quốc tế.
Bộ Tài chính khẳng định, toàn bộ số tiền do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện sẽ được tập trung đầy đủ, kịp thời về Quỹ vaccine phòng COVID-19, trong trường hợp cần thiết sẽ có thanh tra, kiểm toán theo quy định. Quỹ được hoạt động công khai, minh bạch dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng và sẽ công khai để nhân dân biết, giám sát.
Trước đó, ngày 1/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã ký ban hành văn bản về việc miễn phí chuyển tiền ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19.
Doanh nghiệp và người dân có thể chuyển khoản vào tài khoản "Quỹ vaccine phòng COVID-19" mở tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, qua ba số tài khoản: 21110009116868 (VND), 21110371116868 (USD) và 21110142996868 (EUR). Hoặc tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước: 37610909886691999 (VND), 376109098869.91999 (USD), 37610909878691999 (EUR). Ngoài ra, ba số tài khoản tiếp nhận tiền từ nước ngoài là: 21110009116868 (VND), 21110371116868 (USD) và 21110142996868 (EUR).

* Quyết liệt hơn nữa trong triển khai Chiến lược vaccine
Theo thống kê, tính từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 5.000 ca mắc COVID-19 mới. Hiện đã thực hiện tiêm hơn 1,1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh, thành phố, trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 31.177 người.
Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát, số ca trong cộng đồng đã được phát hiện sớm, kịp thời áp dụng biện pháp truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Tuy nhiên, dịch COVID-19 còn nhiều nguy cơ, thách thức, đặc biệt tại một số điểm dịch ở tỉnh Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh... Do đó cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao để đảm bảo được khả năng khống chế dịch bệnh trên địa phạm vi cả nước .
Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, “truy vết, khoanh vùng, dập dịch là chiến lược “phòng ngự” đã giúp đất nước ta khống chế thành công dịch COVID-19 và duy trì mức tăng trưởng dương cho nền kinh tế trong các đợt bùng phát dịch trước đây. Tuy nhiên, trong một thế giới toàn cầu hóa sâu rộng như hiện nay, việc cách ly đất nước triệt để khỏi mọi tác động của bên ngoài là gần như không thể. Do đó phải có một chiến lược “tấn công” đó là đẩy mạnh tiêm chủng để tạo ra miễn dịch cộng đồng. Muốn vậy phải có vaccine và phải có đủ số lượng cần thiết. Do đó, một chiến lược vaccine là không thể thiếu. Chiến lược này đã được hình thành trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Trước hết, đó là việc huy động mọi nguồn lực tài chính để mua và sản xuất vaccine. Bên cạnh một khoản ngân sách rất lớn đã được nhanh chóng thông qua, Chính phủ còn thành lập Quỹ Vaccine để huy động sự đóng góp của toàn xã hội. Thứ hai, đó là đa dạng hóa nguồn vaccine. Ngoài việc cấp phép nhập khẩu các loại vaccine đảm bảo; vận động các nước, các tổ chức quốc tế ủng hộ; cũng cần chủ động tìm kiến, thương lượng để được chuyển giao công nghệ và nhanh chóng tổ chức sản xuất vaccine trong nước; đẩy nhanh quá trình thử nghiệm và sản xuất vaccine do Việt Nam tự nghiên cứu. Thứ ba, đó là khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức có điều kiện chủ động tìm kiếm nguồn vaccine để tiêm cho người lao động và các thành viên của mình.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, dự kiến đến cuối năm 2021, Việt Nam có đủ vaccine tiêm cho 70% dân số (tương đương 150 triệu liều). Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng phải có vaccine “càng sớm càng tốt”. Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 yêu cầu, Bộ Y tế phải có kế hoạch linh hoạt, điều tiết nguồn vaccine (mặc dù hiện nay còn phụ thuộc vào tiến độ giao hàng của nhà cung cấp); tuyệt đối tránh tình trạng trước mắt chưa có vaccine, nhưng đến cuối năm 2021, đầu năm 2022 vaccine lại về cấp tập.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, ngày 2/6 vừa qua, phía Nga đã đồng ý cung ứng cho Việt Nam 20 triệu liều vaccine Sputnik V phòng COVID-19 trong năm 2021. Bên cạnh đó, để đảm bảo an ninh vaccine trong những năm tiếp theo, Bộ Y tế xác định việc hợp tác trong sản xuất, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine là rất cần thiết, vì vậy đã giao các đơn vị trực thuộc khẩn trương đàm phán, thống nhất với đối tác về vấn đề này.
Thời gian qua, Công ty Vabiotech, đơn vị đầu tiên của Bộ Y tế đã hợp tác với phía Nga và dự kiến đến tháng bảy tới sẽ tiến hành đóng ống, gia công vaccine phòng COVID-19 của Nga tại Việt Nam với công suất dự kiến 5 triệu liều/tháng. Đây là kết quả rất quan trọng để phía Nga có thể tiến hành chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam thời gian tới. Bộ Y tế đề nghị các đơn vị của Bộ, các doanh nghiệp, tập đoàn tiếp tục trao đổi, hợp tác chặt chẽ với phía Nga trong chuyển giao công nghệ để có thể thiết lập Nhà máy sản xuất vaccine công suất lớn tại Việt Nam, nhằm đảm bảo thị trường trong nước cũng như hướng đến xuất khẩu trong tương lai.
Trước đó, từ tháng 5/2020, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã tích cực đàm phán, tiếp cận tất cả các nguồn vaccine phòng COVID-19. Bên cạnh nguồn vaccine của Nga, Bộ Y tế đã nỗ lực đàm phán, tiếp cận với các nguồn vaccine khác như COVAX; Astra Zeneca; Pfizer, Moderna, Johnson&Johnson…
Như vậy, đối với nguồn cung ứng của Nga, Mỹ và Anh, Việt Nam đã dần dần hướng tới mục tiêu mua đủ 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021 để tiêm chủng cho 75% dân số theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ. Hiện, Bộ Y tế vẫn đang tích cực đàm phán tiếp tục để tăng thêm nguồn cung ứng vaccine cho Việt Nam, nhằm giúp Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 đầu năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Mới đây, Bộ Y tế cũng đã công bố danh sách 36 đơn vị được cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vaccine, kinh doanh dịch vụ bảo đảm vaccine. Các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu nhập khẩu vaccine ngừa COVID-19 có thể liên lạc với các đơn vị có đủ điều kiện và pháp nhân nhập khẩu mà Bộ Y tế đã công bố.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định Bộ sẽ cắt giảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, an toàn vaccine và chống việc giả mạo vaccine. Những nội dung này đã được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã sẵn sàng thực hiện những việc này.
Bộ Y tế lưu ý, hiện nay có tình trạng nhiều bên đứng ra làm đại diện môi giới vaccine. Các địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp nên làm việc trực tiếp với nhà sản xuất vaccine hoặc đơn vị được nhà sản xuất ủy quyền, không nên qua bên thứ 3, để tránh nguy cơ mua phải vaccine giả mạo hoặc bị lừa đảo như tổ chức Interpol đã cảnh báo.
Trong khi chúng ta vẫn chưa thể có ngay vaccine, và nếu có thì vẫn chưa thể tiêm chủng ngay cho từ 70-75 triệu người (tương đương 70-75% dân số để tạo ta miễn dịch cộng đồng), thì truy vết, khoanh vùng, dập dịch vẫn rất cần thiết và vẫn phải là một nội dung quan trọng của chiến lược phòng chống dịch COVID-19. Bộ Y tế khuyến cáo, mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện thông điệp 5K để bảo vệ bản thân, gia đình, đồng thời thể hiện trách nhiệm với cộng đồng./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết