Thứ Tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024

Sau tuyên bố của WHO, thế giới bước vào cuộc chiến mới với bệnh đậu mùa khỉ

Ngày phát hành: 26/07/2022 Lượt xem 524

Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ ngày 23/7, các quốc gia đã tăng cường các biện pháp để đối phó với căn bệnh đang lây lan nhanh chóng này.

Chú thích ảnh
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus trong một cuộc họp báo tại Geneva, Thuỵ Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Strait Times, tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu là mức cảnh báo cao nhất của WHO đối với một căn bệnh, cho thấy bệnh đậu mùa khỉ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm với sức khỏe cộng đồng.

Bệnh đậu mùa khỉ vốn là dịch bệnh đặc hữu ở khu vực Tây và Trung Phi, nhưng đã lây lan trong hai tháng qua ở nhiều nước. Hiện có trên 16.000 ca mắc ở 78 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một số lượng lớn các ca bệnh xuất hiện ở châu Âu. Căn bệnh truyền nhiễm này có liên quan đến virus đậu mùa đã bị xóa sổ vào năm 1980, nhưng ít nghiêm trọng hơn nhiều.

Tỷ lệ tử vong của bệnh đậu mùa khỉ đang ở mức thấp khi mới có 5 người chết và đã có thể phòng bệnh bằng vaccine đậu mùa sẵn có. Dù vậy, WHO vẫn ban bố tình trạng khẩn cấp với căn bệnh này. Tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu có nghĩa WHO coi bệnh đậu mùa khỉ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng khi bệnh bùng phát trên toàn cầu và do đó, cần có cách tiếp cận phối hợp giữa các nước. Có thể nói đây là lời kêu gọi cộng đồng thế giới hành động nhằm ngăn chặn loại virus này lây lan.

Sau tuyên bố của WHO, các chính phủ sẽ phải tăng cường đánh giá, thừa nhận vấn đề về đậu mùa khỉ và vạch kế hoạch hành động. Các quốc gia thành viên của WHO giờ đây phải báo cáo mọi ca mắc bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 24 giờ; các nước không phải là thành viên cũng có thể báo cáo các ca bệnh hoặc đợt bùng phát tiềm ẩn.

Sau tuyên bố của WHO, dự kiến sẽ có thêm nguồn kinh phí để nghiên cứu về căn bệnh này. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tuyên bố này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình phát triển vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Hiện nay, các nước đang dùng vaccine và thuốc kháng vrirus cho bệnh đậu mùa để tiêm phòng và điều trị cho người mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Các nước có thể yêu cầu thực hiện biện pháp hạn chế về thương mại hoặc đi lại để hạn chế đậu mùa khỉ lây lan, nhưng tới nay, chưa có nước nào thực hiện các biện pháp kiểu này.

Mối quan tâm hiện nay là đậu mùa khỉ tiếp tục lây lan ra nhiều quốc gia khi mà các chuyên gia không hiểu biết đầy đủ về các cách thức lây truyền của virus. Trong bối cảnh đó, WHO kêu gọi các quốc gia đẩy mạnh các biện pháp giám sát và y tế công cộng, cũng như tăng cường khả năng điều trị, ngăn ngừa và kiểm soát các ca bệnh tại các cơ sở y tế.

WHO cũng khyến khích các quốc gia có năng lực tăng cường sản xuất vaccine, thuốc điều trị và bộ xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ, đề phòng trường hợp các ca bệnh tiếp tục tăng đột biến.

WHO coi nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ ở mức trung bình trên toàn cầu, ngoại trừ ở châu Âu - nơi WHO coi nguy cơ là cao.

Theo nghiên cứu mới được đăng trên Tạp chí Y học New England, 95% các ca bệnh đậu mùa khỉ là do lây truyền qua hoạt động tình dục. Tuy vậy, những người khác cũng có nguy cơ nhiễm bệnh, đặc biệt những người tiếp xúc gần với người mang virus. Ông Tedros cho biết hiện tại đây là đợt bùng phát tập trung ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, đặc biệt là những người có nhiều bạn tình. Ông cho rằng thế giới có thể ngăn chặn đợt bùng phát này bằng các chiến lược phù hợp đối với các nhóm đối tượng phù hợp, bằng sự phối hợp giữa các quốc gia để nỗ lực nâng cao nhận thức, áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn virus đậu mùa khỉ lây lan. WHO cũng cảnh báo về tình trạng phân biệt đối xử với các cộng đồng bị ảnh hưởng.

 

Các nước tăng cường đối phó đậu mùa khỉ

Cả trước và sau khi có tuyên bố của WHO, nhiều quốc gia đã tăng cường hành động.

Ngày 24/7, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul đã triệu tập một cuộc họp khẩn với các cơ quan y tế công cộng để thảo luận về các biện pháp đối phó với bệnh đậu mùa khỉ. Bộ trưởng Anutin cho biết cuộc họp này là cần thiết sau hành động của WHO, đồng thời nhấn mạnh ông sẽ thảo luận các biện pháp ngăn chặn cũng như những phương án điều trị với các cơ quan liên quan.

Thái Lan đã thực hiện các bước đối phó với bệnh đậu mùa khỉ kể từ tháng 5, mặc dù trường hợp đầu tiên chỉ được xác nhận vào tuần trước. Kể từ tháng 5, các bệnh viện đã được yêu cầu sàng lọc các trường hợp có thể mắc bệnh này và ngay lập tức thực hiện xét nghiệm đối với những bệnh nhân nghi nhiễm.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế hỗ trợ người dân tại điểm tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ ở New York, Mỹ ngày 14/7/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, Nhà Trắng tuyên bố có thể loại bỏ bệnh đậu mùa khỉ khỏi nước Mỹ bằng cách đẩy nhanh tiêm vaccine và điều trị. Phát biểu trong một chương trình trên kênh truyền hình CBS News, bác sĩ Ashish Jha, phụ trách điều phối nỗ lực đối phó với virus SARS-CoV-2 của Nhà Trắng, nêu rõ: “Tôi nghĩ bệnh đậu mùa khỉ có thể kiểm soát được, chắc chắn như vậy. Chúng ta đã hành động nhanh chóng”. Ông Jha cho biết Mỹ đã tiến hành những bước đi rất chắc chắn kể từ khi dịch bùng phát tại Mỹ hồi tháng 5, khi nguồn vaccine còn hạn chế. Mới đây Mỹ đã mua khoảng 800.000 liều vaccine từ Đan Mạch. Hiện thành phố New York là tâm dịch đậu mùa khỉ tại.

Sau tuyên bố của WHO, ngày 25/7, công ty Công nghệ sinh học Bavarian Nordic của Đan Mạch thông báo Ủy ban châu Âu đã cấp phép cho vaccine Imvanex của mình. Vaccine của Bavarian Nordic là loại vaccine duy nhất được cấp phép để sử dụng trong phòng chống bệnh đậu mùa khỉ ở Mỹ và Canada. Cho đến nay, vaccine này mới chỉ được chấp thuận để phòng chống bệnh đậu mùa ở châu Âu. Tuy nhiên, Bavarian Nordic đã cung cấp vaccine này cho một số nước EU trong đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay ở châu Âu.

Thông thường, một liều vaccine của Bavarian Nordic gồm hai mũi tiêm cách nhau 28 ngày, có thể tiêm nhắc lại hai năm sau đó. Tuy nhiên, trong hướng dẫn dành cho chuyên gia được công bố vào giữa tháng 6/2022, tỉnh Ontario ở Canada cho biết sẽ áp dụng phương pháp "tiêm chủng vòng" và chỉ tiêm một mũi duy nhất ở những khu vực có ca bệnh đã được xác nhận, do nguồn cung hạn chế. Các nỗ lực tiêm chủng của Canada cho đến nay cho thấy nước này phản ứng nhanh chóng đối với cuộc khủng hoảng y tế mới.

Chú thích ảnh
Kiểm tra y tế nhằm ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ lây lan tại sân bay quốc tế ở Chennai, Ấn Độ, ngày 3/6/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó tại Đức, ngày 21/7, Ủy ban Tiêm chủng Thường trực (STIKO) khuyến nghị nước này nên sử dụng tất cả nguồn vaccine có sẵn để tiêm mũi đầu tiên cho những người có nguy cơ cao và mũi thứ hai sẽ chỉ tiến hành khi có đủ số lượng. STIKO khuyến nghị những người trên 18 tuổi đã tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc có nguy cơ cao nhiễm đậu mùa khỉ nên tiêm một mũi vaccine của Bavarian Nordic.

Tại Bồ Đào Nha, ngày 21/7, Cơ quan Y tế Quốc gia (DGS) thông báo nước này đã bắt đầu tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ cho những người từng tiếp xúc với người mắc căn bệnh này. DGS cho biết sẽ tiếp tục truy vết những người từng tiếp xúc với người mắc bệnh ở nhiều địa phương để tiêm vaccine phòng bệnh.

Trái với các quốc gia trên, ngày 23/7, Cơ quan Giám sát Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hạnh phúc con người của LB Nga (Rospotrebnadzor) cho hay các chuyên gia của cơ quan này cho rằng không cần thiết phải áp dụng các biện pháp chống đậu mùa khỉ bổ sung ở Nga. Cho đến nay, trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ duy nhất ở Nga được ghi nhận vào ngày 12/7.

Các triệu chứng xuất hiện đầu tiên khi một người mắc bệnh đậu mùa khỉ bao gồm: sốt (thường là triệu chứng bệnh đầu tiên), đau đầu dữ dội, đau mỏi lưng và các cơ, ớn lạnh, mệt mỏi uể oải, nổi hạch. Sau khi có biểu hiện sốt, người bị bệnh đậu mùa khỉ có thể bị phát ban từ 1 đến 3 ngày.

 

Thùy Dương/Báo Tin tức

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết