Thứ Năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Ngày phát hành: 08/05/2022 Lượt xem 1453

Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của người dân, diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi thay, khởi sắc, sản xuất nông nghiệp phát triển hiện đại, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.

 

Nhiều hộ gia đình tại xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang giàu lên nhờ cây nhãn. Ảnh: Nam Sương/TTXVN

 

Nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn, bao trùm, toàn diện

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề chiến lược, luôn được Đảng, Nhà nước xác định là một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt, ngày 5/8/2008, Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) đã ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW, trong đó đề ra chiến lược tổng thể, toàn diện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với các quan điểm, chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình và hưởng ứng tích cực. Trên cơ sở Nghị quyết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, đề án để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân, xây dựng nông thôn mới. 

Huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, các xã còn lại đạt bình quân 15 tiêu chí/xã. Người dân trong xã đồng lòng cùng đóng góp công sức, tiền của để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Từ năm 2016 đến nay, người dân trên địa bàn đã hiến hơn 80.000 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.

Ông Hứa Thiên Khai, dân tộc Tày, ở thôn 5, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn chia sẻ, so với trước đây khi chưa thực hiện nghị quyết “tam nông”, hiện nay, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa sạch sẽ, thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Hệ thống kênh mương được kiên cố hóa đảm bảo cho việc sản xuất nông nghiệp. Hệ thống trường, lớp học được đầu tư xây dựng khang trang. Đây chính là động lực để người dân tiếp tục nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, đóng góp xây dựng quê hương.

Không chỉ ở huyện Yên Sơn, tại nhiều địa phương trong cả nước, nghị quyết về "tam nông” sau khi triển khai và đi vào cuộc sống đã trở thành luồng gió mới, khích lệ người dân năng động, đổi mới tư duy về sản xuất, thể hiện rõ vai trò chủ thể của người nông dân trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, nền nông nghiệp có bước chuyển biến mạnh mẽ; bộ mặt nông thôn khang trang hơn.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, trên cơ sở tổng kết, đánh giá cho thấy, sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết, nông nghiệp, nông thôn nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn, bao trùm, toàn diện. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt được mức khá cao (2,94%/năm), chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng 8,17%/năm, cán cân thương mại liên tục xuất siêu, nông sản Việt Nam có mặt trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa Việt Nam thành một trong những cường quốc nông sản. Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích sớm trước 1,5 năm, với những thành tựu to lớn, toàn diện và lịch sử. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm nhanh, bình quân giảm khoảng 1,5%/năm. Môi trường cảnh quan được cải thiện, xuất hiện ngày càng nhiều các làng, xã xanh - sạch - đẹp.

Đáng chú ý, nông nghiệp duy trì tăng trưởng và phát triển khá toàn diện, tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Sản xuất, kinh doanh nông sản chuyển mạnh theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị, thích ứng biến đổi khí hậu; phát huy lợi thế so sánh, theo nhu cầu thị trường và hướng mạnh vào xuất khẩu; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ...

Quá trình tổng kết Nghị quyết cũng cho thấy, nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò chủ thể, chủ động, tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ, tham gia chuỗi giá trị nông sản, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn. Đặc biệt, người dân nông thôn đã tích cực tham gia, tự nguyện hiến đất, hiến nhà, góp công, góp sức, trực tiếp tham gia cùng chính quyền cơ sở trong công cuộc xây dựng nông thôn mới theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra giám sát, dân thụ hưởng”. Đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân không ngừng được nâng cao; dân chủ ở cơ sở được tăng cường…

Tuy nhiên, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chỉ rõ, khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Giá trị tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng chậm lại, chưa bền vững. Việc xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Thu nhập ở nông thôn còn thấp, chênh lệnh vùng miền, giữa nông thôn và đô thị còn cao…

Xác định giải pháp đột phá, phù hợp với từng giai đoạn

Chú thích ảnh
Nông dân huyện Vị Thủy (Hậu Giang) thu hoạch lúa Đông Xuân. Ảnh tư liệu: TTXVN

Có thể khẳng định, thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã góp phần vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đạt được trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi lớn, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chủ trương hướng đến xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh mà Đại hội XIII của Đảng đề ra, đòi hỏi phải tăng cường nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp mạnh mẽ mới để thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Do đó, cần ban hành một Nghị quyết mới của Ban Chấp hành Trung ương về vấn đề này để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, phát triển "tam nông" trong thời kỳ mới.

Tại Hội nghị toàn quốc góp ý kiến Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW mới đây, gợi ý về quan điểm, mục tiêu và giải pháp đối với Nghị quyết mới, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, Nghị quyết mới phải tiếp tục khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề có vai trò, ý nghĩa chiến lược đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước; giải quyết tốt những vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là yếu tố quan trọng mang tính tiền đề để đất nước đạt mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đặt ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngoài ra, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, ban, bộ, ngành về vị trí, vai trò ý nghĩa chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Theo Thường trực Ban Bí thư, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết phải rõ ràng, mạch lạc, khả thi; trong đó phải xác định được các giải pháp đột phá phù hợp từng giai đoạn, có lộ trình để thực hiện, tránh trường hợp quá chung chung thời nào nói cũng được. Đặc biệt, Nghị quyết mới phải tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên cơ sở cái gì đã làm hay thì tiếp tục phát huy, giải pháp mới để giải quyết các vấn đề mới, khắc phục tối đa các hạn chế yếu kém.

Thường trực Ban Bí thư cũng lưu ý một số vấn đề đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội như: Thể chế về đất đai để phục vụ cho phát triển nông nghiệp được hoàn thiện; người nông dân an tâm làm giàu trên đất đã giao; thu hút được đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. “Nông sản Việt Nam phải được mong chờ đặt hàng chứ không phải là chờ đợi để giải cứu; nông thôn trở thành môi trường để giới trẻ khởi nghiệp trong kinh tế nông nghiệp; môi trường bền vững, an ninh trật tự được giữ vững; đời sống văn hóa tinh thần được nâng cao…”, Thường trực Ban Bí thư chỉ rõ.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam mong muốn, Nghị quyết mới phải thể hiện được quyết tâm của cả hệ thống chính trị đối với vấn đề này. Theo đó, để Nghị quyết mới có tính khả thi thì phải có những giải pháp đột phá. Riêng về lĩnh vực nông nghiệp nói chung, lĩnh vực trồng trọt nói riêng cần phải có giải pháp đột phá về hoàn chỉnh Luật Đất đai, vì thể chế về đất đai có ý nghĩa quyết định đối với vấn đề phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp hàng hóa khi thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

 
Phan Phương (TTXVN)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết