Thứ Bảy, ngày 07 tháng 12 năm 2024

Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Ngày phát hành: 19/02/2024 Lượt xem 392

 

Năm 2024 được Bộ Khoa học và Công nghệ xác định là năm trọng điểm đối với nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, năm 2024, Bộ tiến hành một loạt nhiệm vụ trọng tâm như: Triển khai các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về khoa học và công nghệ, phát triển công nghệ sinh học...; sửa đổi, bổ sung các luật liên quan lĩnh vực khoa học và công nghệ, nghị định của Chính phủ về đầu tư, tài chính, cơ chế tự chủ...

 

Bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Kế hoạch triển khai Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/1/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Cùng với đó, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới; xây dựng dự thảo Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng dự án Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) trình Thủ tướng Chính phủ; xây dựng các quyết định của Bộ trưởng về quy chế tổ chức và hoạt động của các đơn vị trực thuộc Bộ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ; phê duyệt hoặc trình phê duyệt vị trí việc làm; xây dựng Nghị định quy định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

 

Bộ triển khai xây dựng Nghị định quy định về đầu tư, cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ; hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; hoàn thiện các quy trình để đưa vào vận hành chính thức Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia... Trong số các nhiệm vụ này, việc xây dựng dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) được coi là nhiệm vụ quan trọng của ngành trong năm 2024 bởi trong bối cảnh yêu cầu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày càng cao, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ là cần thiết nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật, từ đó thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

 

Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ tập trung vào 6 chính sách: Hoàn thiện quy định về thành lập, đăng ký và hoạt động của tổ chức khoa học, công nghệ; hoàn thiện quy định đối với cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ; hoàn thiện quy định về nhiệm vụ khoa học, công nghệ; sửa đổi, bổ sung quy định về đầu tư, tài chính phục vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hoàn thiện quy định để thúc đẩy hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

 

Trong năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nỗ lực hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều hoạt động của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đóng góp vào các mục tiêu tăng trưởng.

 

Trong năm 2023, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII của Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2022, xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp. Lần đầu tiên, bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) được xây dựng và triển khai trên toàn quốc từ năm 2023 giúp Việt Nam có thêm công cụ đo lường năng lực và kết quả đổi mới sáng tạo của từng địa phương, góp phần cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia.

Năm 2023 ghi dấu ấn sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, năng động, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia được đánh giá là một trong những hệ sinh thái năng động nhất châu Á, đứng thứ 58 thế giới.

 

Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã được cụ thể hóa bằng 44 chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030, cân đối cho cả ba lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ./.

 

Thu Phương (TTXVN)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết