Cải cách lương hưu là một trong những chính sách tham vọng nhất của Tổng thống Emmanuel Macron kể từ khi lên nắm quyền. Tuy nhiên, cuộc tổng đình công phản đối kế hoạch này đã diễn biến với những dự báo không khả quan. Đây cũng là một trong các cuộc đình công quy mô lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua tại Pháp, và đặt ra thách thức không nhỏ với chính quyền.
* Kế hoạch cải cách hưu trí
Theo luật định, hệ thống hưu trí tại Pháp vận hành dưới hình thức bảo hiểm tập thể. Người lao động đóng tiền vào các quỹ hưu qua việc trích một phần trong thu nhập lương hàng tháng của họ. Khoản tiền đóng góp sau đó được dùng chi trả lương cho người lao động về hưu. Thời gian làm việc của người lao động được tính theo đơn vị quý. Mức thu nhập và tất cả các khoản phụ cấp khác trong thời gian làm việc sẽ làm cơ sở để tính toán lương hưu. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng chính quỹ lương hưu do người đang đi làm đóng góp được dùng để trả lương cho người đã về hưu thực sự. Hiện ở Pháp có 42 quỹ hưu tương ứng cho các chế độ hưu khác nhau. Phổ biến nhất là chế độ cơ bản dành cho những người hưởng lương trong khu vực tư nhân. Hơn 80% người về hưu hưởng chế độ cơ bản này. Tiếp đó là các quỹ dành cho người lao động nông nghiệp và quỹ hưu cho chế độ người lao động độc lập. Sau ba quỹ hưu lớn đó là những người hưởng chế độ đặc biệt. Chế độ đặc biệt liên quan đến các công chức Nhà nước (nhân viên cảnh sát, cơ quan hành chính địa phương, chính phủ, giáo viên các trường công lập…), các nhân viên thuộc doanh nghiệp Nhà nước và một số quỹ hưu thuộc chế độ đặc biệt liên quan đến những người làm nghề tự do như luật sư. Bên cạnh đó còn có các quỹ đóng góp bổ sung, bắt buộc đối với người hưởng lương. Quỹ này sau đó sẽ được dùng để chi trả bổ sung vào lương hưu cho một số hạng mục người lao động. Trong suốt quá trình làm việc, một người lao động có thể đóng góp theo nhiều chế độ hưu trí khác nhau nếu họ thay đổi công việc, ví dụ như chuyển từ khu vực tư nhân sang khu vực nhà nước hay ngược lại. Khi về hưu, họ cũng sẽ được trả lương hưu theo các chế độ khác nhau tính theo thời gian làm việc và đóng góp khác nhau.
Tuổi về hưu theo luật định của Pháp hiện nay là 62 tuổi đối với những người theo chế độ cơ bản. Một số trường hợp có thể về sớm hơn như những người khuyết tật, người làm công việc nặng nhọc, lực lượng cảnh sát, quân đội… Mọi người đều có quyền về hưu ở tuổi theo luật định. Tuy nhiên, không phải ai cũng được hưởng lương hưu đầy đủ. Tỷ lệ này phụ thuộc vào thời gian làm việc đóng góp của người lao động. Thời gian đủ để hưởng lưởng hưu toàn phần khác nhau theo từng độ tuổi.
Lương hưu của một người về hưu ở Pháp bao gồm tiền hưu cơ bản và tiền hưu bổ sung. Lương hưu cơ bản tính trên cơ sở mức lương cao nhất của 25 năm trong khu vực tư nhân và 6 tháng cuối cùng đối với các đối tượng thuộc ngạch công chức Nhà nước. Nếu đóng góp đủ năm, người về hưu sẽ được hưởng tỷ lệ 50% lương trung bình của 25 năm đối với khu vực tư nhân và 75% mức lương trung bình 6 tháng lương cuối cùng đối với công chức Nhà nước. Các khoản lương hưu bổ sung dựa trên hệ thống tính điểm được chuyển đổi thành tiền để cộng thêm vào lương hưu cơ bản.
Mỗi quỹ hưu trí tại Pháp có những đặc thù riêng và được quản lý độc lập, các mức đóng góp và quyền lợi cũng rất khác nhau. Hệ quả là người về hưu đã đóng góp theo nhiều chế độ hưu khác nhau và nhận các khoản lương hưu từ các quỹ hưu khác nhau, rất phức tạp.
Chương trình cải cách hưu trí là một trong những cam kết quan trọng trong chiến dịch vận động tranh cử của Tổng thống Macron. Nhằm rút gọn hệ thống lương hưu "cồng kềnh" của Pháp, Tổng thống Macron đã công bố hơn 40 kế hoạch khác nhau trong đó có các đề xuất điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu và lương hưu, vì cho rằng hệ thống này tốn kém và không công bằng. Ông hướng tới một hệ thống đơn giản, quy định mức lương hưu theo điểm để đảm bảo công bằng cho mỗi người hưởng lương. Chương trình này chỉ áp dụng đối với những người sinh sau năm 1963 và được thực hiện bắt đầu từ năm 2025 nhằm đảm bảo sự cân bằng về chế độ lương hưu. Với Tổng thống Macron, kế hoạch này có vai trò quan trọng, định hình cho nửa nhiệm kỳ còn lại với những biện pháp cải cách cần thiết để đảm bảo hệ thống tài chính phát triển trong bối cảnh dân số già hóa.
* Thách thức không nhỏ
Khi Tổng thống Pháp Macron công bố hơn 40 kế hoạch khác nhau nhằm rút gọn hệ thống lương hưu "cồng kềnh" của Pháp thì ngày 5-12 vừa qua, cuộc tổng đình công trong ngành giao thông công cộng tại Pháp với khoảng 800.000 người tham gia nhằm phản đối kế hoạch cải cách này đã bùng phát. Các nghiệp đoàn lập luận rằng, chế độ lương hưu chung sẽ đòi hỏi hàng triệu người lao động trong cả lĩnh vực công và tư nhân phải làm việc lâu hơn hoặc đối mặt với việc bị giảm lương hưu. Nhiều công nhân viên lại cho rằng, cải cách nêu trên tước đi các quyền lợi đặc biệt dành cho họ lâu nay.
Sau đó, các cuộc tuần hành quy mô lớn tại Pháp khiến hoạt động giao thông tại nhiều khu vực tê liệt, thậm chí nhiều trường học phải đóng cửa, hệ thống đường sắt cao tốc và nhiều chuyến bay bị hoãn hủy hoặc gián đoạn, tiếp tục bước sang tuần mới với dự báo không khả quan hơn.
Tổng công ty đường sắt quốc gia (SNCF) cho biết phần lớn các chuyến tàu cao tốc TGV đều bị hủy trong ngày 9-12. Cụ thể, trên các trục phía Đông chỉ có 1 trên 6 tàu TGV hoạt động. Tỉ lệ này là 1 trên 4 tại phía Bắc và phía Tây, 1 trên 5 tại phía Đông-Nam. Các tuyến liên vận quốc tế cũng bị ảnh hưởng nặng vì đình công của nhân viên ngành đường sắt. Đối với các tàu hỏa nội vùng, cứ 5 chuyến mới có 1 chuyến khởi hành. Hành khách phải chờ xe buýt thay thế. Sau 4 ngày đình công, dự kiến các nhà ga của vùng Ile-de-France sẽ rơi vào trạng thái đông nghẹt "rất nguy hiểm" vào đầu tuần này, theo phát ngôn viên của SNCF Agnès Ogier. Bà cho biết không hy vọng có sự cải thiện vào ngày 10-12, ngày mà các công đoàn kêu gọi người lao động tiếp tục xuống đường đông đảo phản đối dự án cải cách lương hưu của chính phủ.
Tại thủ đô Paris, cảnh sát đã buộc phải bắn đạn hơi cay để giải tán các nhóm biểu tình quá khích. Trong khi đó, 10 trên 16 tuyến tàu điện ngầm ngừng hoạt động ít nhất trong hai ngày tới. Bốn tuyến lưu thông một phần nhưng chỉ trong giờ cao điểm. Hai tuyến tự động số 1 và 14 vận hành bình thường. Tương tự, giao thông sẽ rất gián đoạn trên các tuyến xe buýt, tàu điện và tàu nội đô. Cơ quan quản lý giao thông công cộng thủ đô khuyến cáo hành khách hoãn chuyến hoặc tìm phương thức vận chuyển thay thế khác, như dịch vụ đi chung xe.
Theo Bộ trưởng Môi trường Elisabeth Borne, các phương tiện dịch vụ đi chung xe sẽ được phép lưu thông trên cùng làn đường riêng dành cho xe buýt và taxi, trên những trục quốc lộ chính dẫn đến Paris, nhằm hạn chế ùn tắc giao thông. Biện pháp này sẽ được áp dụng đối với xe chở từ 3 người trở lên, bắt đầu từ 5h sáng 9-12 và có thể được gia hạn trong những ngày tới. Tuy nhiên, biện pháp trên không được áp dụng trong nội thành.
Như vậy, sau làn sóng biểu tình của phong trào "Áo vàng" phản đối tăng giá nhiên liệu diễn ra vài tháng trước, cuộc đình công tại Pháp nhằm phản đối kế hoạch cải cách lương hưu lần này đã lại tiếp tục đặt ra thách thức với chính quyền Tổng thống Pháp Macron.
Có thể thấy, mục tiêu cải tổ của Tổng thống Macron là chế độ hưu bổng phải công bằng, đơn giản và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, theo nhật báo Le Figaro, kết quả có thể sẽ theo hướng ngược lại: chính sách mới có thể không hiệu quả. Mục tiêu ngân sách được cân đối vào năm 2025 dường như sẽ không thể đạt được, thậm chí gánh nặng tài chính cho nhà nước sẽ càng tăng lên. Nhật báo Le Figaro cũng cho rằng, mặc dù phải gánh chịu một cuộc đình công kéo dài nhưng cũng phải tiến hành một cuộc cải tổ đầy tham vọng để giải quyết dứt điểm hồ sơ hưu trí. Le Figaro ghi nhận dự án hệ thống hưu trí phổ quát do Tổng thống Macron đề nghị về lý thuyết rất hấp dẫn nhưng thực hiện lại phức tạp vô cùng và chắc sẽ mất nhiều thời gian để cải tổ thành công.
Đối với Tổng thống Pháp Macron, hồ sơ cải cách hưu trí lần này là một trắc nghiệm cho hai năm rưỡi còn lại trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Cũng chính vì muốn vượt qua được thách thức to lớn này mà từ nhiều tuần qua, Tổng thống Macron và Thủ tướng Edouard Philippe đã huy động toàn thể Nội các tham gia giải thích, trấn an đối với hồ sơ nhạy cảm này. Theo giới phân tích, đây là một cuộc "đọ sức" và là "màn đầu" của một phong trào có thể kéo dài và sẽ buộc chính phủ phải thương lượng. Trong khi đó, báo La Croix đề cập đến một “cuộc cải tổ triền miên” bởi chính phủ tiền nhiệm ở Pháp đã từng thất bại trong việc thực hiện chương trình cải cách lương hưu do tính chất gai góc và nhạy cảm của vấn đề.
Nghiêm trọng hơn, nhiều nhà phân tích nhận định, các đảng phái chính trị đối lập cũng không ngần ngại tận dụng cơ hội từ sự bất bình trong xã hội đối với chương trình cải cách chế độ hưu trí để trục lợi chính trị, khơi dậy làn sóng phản kháng làm suy yếu chính quyền Tổng thống Macron./.
Theo TTXVN