Người nhập cư cập đảo Lampedusa của Italy. Nguồn: AFP
Theo hãng tin AP, 2023 là năm kỷ lục về số người di cư, ước tính có từ 100.000 - 105.000 người đã đến biên giới giữa Mexico và Mỹ và con số này sẽ vẫn ở mức cao trong năm 2024. Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) nhận định di cư bất hợp pháp và cưỡng bức di cư đã đạt đến mức độ "chưa từng có", trở thành vấn đề nan giải của nhiều quốc gia và khu vực, tiếp tục đặt ra thách thức không nhỏ đối với thế giới trong năm 2024 này.
Những con số đáng lo ngại
Những năm gần đây, Panama đối mặt với làn sóng di cư gia tăng ở mức chưa từng có đi qua khu vực rừng Darién nằm giữa biên giới tự nhiên giữa Panama và Colombia, tuyến đường được người di cư lựa chọn để đến Mỹ. Số liệu thống kê cho thấy Panama đã ghi nhận mức kỷ lục 520.000 người di cư vượt rừng Darién trong năm 2023, tăng hơn gấp đôi so với con số được báo cáo của năm 2022. Trong khi đó, nằm cách Liban và Syria 185km về phía Tây, trong những tháng gần đây, Cyprus đã ghi nhận lượng người di cư tới từ hai quốc gia này tăng lên, làm dấy lên quan ngại về khả năng làn sóng di cư tăng mạnh nếu căng thẳng tại Trung Đông lan rộng.
Các vấn đề liên quan đến dòng người di cư hiện cũng đang tạo ra áp lực rất lớn tại các khu vực vùng biên của ba quốc gia - Mexico, Mỹ và Guatemala - có đường biên giới liền kề này. Kể từ năm 2018, nhiều nhóm di cư với số lượng lên tới hàng nghìn người đã khởi hành từ Honduras và tìm cách đi bộ qua hai nước Guatemala và Mexico để đến Mỹ. Năm 2023, hơn 500.000 người đã mạo hiểm vượt qua Darien Gap - khu rừng rậm dọc giữa Panama - Colombia và là “hành lang chính” cho người di cư đi từ Nam Mỹ đến nước Mỹ. Con số này nhiều hơn gấp đôi so với của năm 2022. Nhà chức trách Mỹ cũng ghi nhận 302.000 người di cư tìm cách vượt biên giới phía Nam vào Mỹ trong tháng 12/2023. Đây là con số cao nhất từng được ghi nhận trong lịch sử.
Tại Đức, lượng người di cư - chủ yếu từ Syria và Afghanistan - đến nước này tăng cao trong những tháng gần đây đã gây sức ép đối với chính quyền địa phương và làm dấy lên tranh luận gay gắt về nhập cư ở quốc gia châu Âu này. Về phía Tunisia, bờ biển nước này đã trở thành điểm xuất phát chính của những nhóm người di cư bất hợp pháp từ các nước châu Phi khác nhau tìm cách vượt biển để đến đảo Lampedusa của Italy. Hòn đảo này chỉ cách Tunisia khoảng 80 km.
Theo Cơ quan bảo vệ biên giới và bờ biển châu Âu (Frontex), 380.000 người đã vượt biên trái phép vào các khu vực biên giới của Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2023, tăng 17% so với năm 2022 và là mức cao nhất kể từ năm 2016. Frontex nhấn mạnh, năm 2023 là năm thứ ba liên tiếp số người vượt biên trái phép vào EU tăng. Hơn 40% số người vượt biên trái phép vào châu Âu chọn tuyến đường vượt Trung Địa Trung Hải, chủ yếu khởi hành từ Tunisia và vào châu Âu qua Italy. Con số này tăng 49% so với năm 2022. Khoảng 26% số người vượt biên trái phép chọn tuyến đường Tây Balkan để đến châu Âu và số người chọn tuyến đường qua Đông Địa Trung Hải chiếm 16%. Hầu hết người nhập cư trái phép vào EU là nam giới đã trưởng thành. Phụ nữ và trẻ em đều chiếm 10%.
Các nước nỗ lực tìm giải pháp
Trước những thách thức của vấn nạn người di cư, các quốc gia thành viên của Tổ chức Bảo vệ và Tìm giải pháp cho người di cư khu vực (MIRPS) - bao gồm Panama, Mexico, Belize, Costa Rica, El Salvador, Guatemala và Honduras - ngày 24/1/2024 đã đi đến thống nhất trong việc tìm kiếm giải pháp tối ưu nhằm giải quyết tận gốc vấn đề người di cư. MIRPS đã nhất trí thông qua “Tuyên bố Panama”, trong đó cam kết nỗ lực và tiếp tục hợp tác chặt chẽ để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư. MIRPS là một cơ chế để triển khai Hiệp ước Toàn cầu về người tị nạn (GCR), góp phần thúc đẩy hợp tác khu vực và chia sẻ trách nhiệm tìm kiếm giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng di cư giữa các quốc gia bị ảnh hưởng. Về phần mình, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) khẳng định ẵn sàng hợp tác với các nước để đạt được kết quả tích cực trong vấn đề di cư.
Ở cấp độ song phương, các quan chức cấp cao của Mexico, Mỹ và Guatemala cho biết sẽ nhóm họp trong thời gian sớm nhất để giải quyết rốt ráo các vấn đề liên quan đến dòng người di cư. Mexico và Mỹ đã thống nhất việc cho phép người di cư từ khu vực Trung Mỹ có thể đăng ký các thủ tục xin visa từ xa thông qua một ứng dụng điện thoại do Mỹ cung cấp, qua đó cho phép họ có thể đăng ký lịch hẹn phỏng vấn ngay tại quốc gia mà họ đang sinh sống mà không phải vượt hàng ngàn km đến biên giới Mexico - Mỹ. Ứng dụng đăng ký thị thực có tên CBP One do Mỹ cũng cấp sẽ giúp giảm dòng người quá cảnh qua Mexico để đến biên giới Mỹ, cũng như giảm đáng kể tình trạng tập trung đông người tại các cửa khẩu biên giới giữa hai nước - vấn đề gây nhiều hệ lụy tiêu cực trong hàng chục năm qua. Mexico và Mỹ cũng ký kết 10 thỏa thuận quan trọng bao gồm tiêu chuẩn hóa số liệu di cư và các biện pháp ngăn chặn mạng lưới buôn lậu người.
Liên quan đến ngân sách để đối phó với khủng hoảng di cư, Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) hôm 22/1 đã phát động lời kêu gọi thường niên toàn cầu đầu tiên trong năm 2024, đề nghị mức kinh phí 7,9 tỷ USD để hỗ trợ các hoạt động của tổ chức này và giúp tạo lập hệ thống để thực hiện các cam kết về vấn đề người di cư. Nguồn tài trợ này sẽ giúp hỗ trợ cho gần 140 triệu người, bao gồm cả những người di tản trong nước và cộng đồng địa phương tiếp đón họ. Tổng giám đốc IOM Amy Pope nhấn mạnh di cư bất hợp pháp và cưỡng bức di cư đã đạt đến mức độ “chưa từng có” và những thách thức mà thế giới phải đối mặt ngày càng phức tạp. Hiện là thời điểm quan trọng nên IOM đưa ra lời kêu gọi trên nhằm giúp thực hiện các cam kết.
IOM đánh giá di cư là nền tảng cho sự phát triển và thịnh vượng toàn cầu. Theo IOM, 281 triệu người di cư quốc tế tạo ra 9,4% GDP toàn cầu. Nếu quản lý tốt vấn đề di cư, đây sẽ là động lực có khả năng thúc đẩy các kết quả phát triển, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu và thúc đẩy một tương lai an toàn hơn, hòa bình hơn, bền vững, thịnh vượng và công bằng hơn./.
Theo TTXVN