Thứ Năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024

Thế giới đối mặt với “bóng ma” lạm phát

Ngày phát hành: 15/04/2022 Lượt xem 692

Áp lực lạm phát không chỉ đè nặng người tiêu dùng, mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phục hồi

của nền kinh tế. (Ảnh: AP)

 

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã gia tăng áp lực lạm phát, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu vốn mong manh và khiến giá năng lượng và lương thực tăng vọt.

 

 Lạm phát tăng cao tại Mỹ và châu Âu

 
Theo Bộ Lao động Mỹ, lạm phát tại Mỹ đã tiếp tục tăng trong tháng 3/2022, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,5% trong 12 tháng qua. Đây là mức tăng cao nhất trong hơn 40 năm qua, kể từ tháng 12/1981. Giá xăng đã tăng 18,3% trong tháng 3, chiếm khoảng một nửa mức tăng chung của CPI. Trong khi đó, giá năng lượng tổng thể trong tháng 3 đã tăng 11% so với tháng trước đó, trong đó giá dầu nhiên liệu tăng 22,3%. Một số yếu tố khác tác động đến lạm phát tại Mỹ như giá thực phẩm tăng 1%, giá nhà ở, bao gồm nhà thuê, tăng 0,5%. Các chuyên gia kinh tế cho rằng tháng 3 có thể là tháng đỉnh điểm về lạm phát hằng năm tại Mỹ. Trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay cùng với tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng tiếp diễn, chỉ số lạm phát ở mức cao sẽ vẫn duy trì đến hết năm nay và sang năm 2023.
Trong khi đó, số liệu do cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) công bố đầu tháng 4 cho thấy, lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 3 vừa qua cũng đã tăng lên mức kỷ lục 7,5%, cao hơn nhiều so với mức dự báo 6,6%. Mức tăng giá tiêu dùng tại 19 nước sử dụng đồng tiền chung euro này đã tăng nhanh từ 5,9% trong tháng 2, khi xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đẩy giá nhiên liệu và khí đốt lên mức cao kỷ lục. Dù năng lượng là nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng vọt, song lạm phát giá thực phẩm, dịch vụ và các mặt hàng lâu bền cũng đều cao hơn so với mục tiêu 2% do Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đề ra.
CPI của Đức trong tháng 3/2022 đã tăng lên 7,3% so với cùng kỳ năm trước, qua đó chạm mức cao nhất của 40 năm. Tỷ lệ lạm phát ở mức cao tương tự gần nhất được ghi nhận vào mùa Thu năm 1981, khi giá dầu tăng đột biến do kết quả của Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất giữa Iraq và Iran. Thực tế cho thấy xung đột Nga-Ukraine cũng có "tác động rõ rệt đến tốc độ tăng giá ở Đức, đặc biệt là đối với dầu sưởi, nhiên liệu động cơ, khí đốt tự nhiên cũng như một số sản phẩm thực phẩm.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Anh cũng tăng lên mức cao nhất trong 30 năm qua, trong bối cảnh giá năng lượng và các mặt hàng tiêu dùng tăng vọt tại nước này. Số liệu thống kê chính thức cho thấy lạm phát tại Anh đạt 7,0% trong tháng 3, tăng mức 6,2% ghi nhận tháng trước đó. Lạm phát của Tây Ban Nha đã tăng lên mức cao nhất trong gần 37 năm qua do giá năng lượng tăng vọt vì chịu ảnh hưởng từ tình hình căng thẳng Nga-Ukraine, làm gia tăng thêm áp lực lên chính phủ. Tây Ban Nha ghi nhận mức lạm phát tăng vọt lên 9,8% trong tháng 3 từ mức 7,6% trong tháng 2. Đây là mức lạm phát cao nhất kể từ tháng 5/1985, chủ yếu do giá điện và nhiên liệu đi lên tỷ lệ thuận với giá thực phẩm.
Tại Nga, tỷ lệ lạm phát tại nước này đã lên đến 16,7% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 2015, trong khi giá thực phẩm thậm chí còn tăng mạnh hơn. Ngân hàng trung ương Nga đã đặt mục tiêu lạm phát 4%, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ của phương Tây, con số lạm phát thực tế theo năm lại cao hơn gấp 4 lần mức mục tiêu đề ra. Giới quan sát dự đoán lạm phát của Nga sẽ đạt đỉnh ở mức 24% vào mùa Hè này.

 

Những nơi khác “cùng chung cảnh ngộ”

 
        Tại châu Á, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 14/4 đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm nhằm kiềm chế áp lực lạm phát gia tăng do gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài, nhu cầu phục hồi từ đại dịch đồng thời giá dầu và hàng hóa tăng cao hơn do ảnh hưởng từ cuộc xung đột quân sự đang diễn ra giữa Nga-Ukraine.
Indonesia cũng ghi nhận mức lạm phát trong tháng 3 đạt 0,66%, mức cao nhất kể từ tháng 5/2019, nguyên nhân chính là do tăng giá nhóm hàng thực phẩm, nhiên liệu gia dụng. Lào công bố mức lạm phát cao nhất kể từ đầu năm 2016 khi tỷ lệ lạm phát trong tháng 2/2022 tăng lên mức 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tiêu dùng tại Lào tăng là do chi phí nhiên liệu và các sản phẩm nhập khẩu khác tăng vì đồng kip mất giá. Nhu cầu ngoại tệ, nhất là đồng USD và đồng baht của Thái Lan, vẫn cao trong bối cảnh các doanh nghiệp Lào phải sử dụng các ngoại tệ này để nhập khẩu hàng hoá.
Không chỉ riêng Mỹ, châu Âu và châu Á, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cảnh báo tình hình căng thẳng tại Ukraine khiến giá lương thực và năng lượng leo thang tại Mỹ Latinh và Caribe, qua đó làm gia tăng lạm phát. IMF nhận định Mỹ Latinh và Caribe có thể chịu tác động đáng kể trong cơn bão giá, trong bối cảnh 5 nền kinh tế lớn ở khu vực là Brazil, Mexico, Chile, Colombia và Peru vốn đã ghi nhận tỉ lệ lạm phát hàng năm vào khoảng 8%. Số liệu mới nhất của IMF cho thấy lạm phát hàng năm ở Argentina, nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực, đã tăng trên 52%. Các chuyên gia dự báo tình hình này buộc các ngân hàng trung ương phải đẩy mạnh cuộc chiến chống lạm phát, một vấn đề làm xói mòn sức mua của tiền lương và ảnh hưởng đến nhu cầu của thị trường.
Theo nhận định của IMF, Nga và Ukraine là các nước sản xuất nguyên liệu thô lớn, do đó gián đoạn trong trao đổi các mặt hàng này do xung đột giữa hai nước đã khiến giá cả toàn cầu “nhảy múa”, đặc biệt là các nguồn năng lượng như dầu mỏ và khí đối tự nhiên. Giá lúa mì tăng cao kéo theo giá một số loại thực phẩm leo thang. IMF cảnh báo mặc dù hiện nay các điều kiện tài chính vẫn tương đối thuận lợi, song tình hình có thể xấu đi nếu xung đột leo thang, dẫn đến các quốc gia phải thắt chặt hơn chính sách tiền tệ trong nước.
Ngân hàng trung ương các nước hiện phải đối mặt với thách thức kiềm chế lạm phát mà không làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. ECB, trong cuộc họp hồi tháng 3 vừa qua, đã nhất trí nhanh chóng giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng trong quý II, đồng thời đảm bảo điều chỉnh linh hoạt thời điểm kết thúc chính sách kích thích kinh tế. Cơ quan này cũng để ngỏ khả năng về một đợt tăng lãi suất sau "một thời gian" sau khi kết thúc chiến lược mua trái phiếu. Trong nhiều năm qua, ECB đã duy trì chính sách tiền tệ lỏng, đưa lãi suất xuống mức thấp kỷ lục và tích trữ hàng tỷ euro trái phiếu mỗi tháng để đảm bảo dòng tín dụng chảy vào Eurozone.
Trong khi đó, một số nhà kinh tế cho rằng châu Á vẫn chưa phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng, nhưng không loại trừ áp lực lạm phát ngày càng gia tăng. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định lạm phát gia tăng trong khu vực vẫn có thể kiểm soát được. Điều quan trọng là các ngân hàng trung ương trong khu vực phải theo dõi tình hình lạm phát của mỗi nước một cách chặt chẽ. Lạm phát cao và kéo dài ảnh hưởng nặng nề nhất đến người nghèo và do đó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội./.


Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết