Thứ Ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024

Thế giới đón năm mới 2022 với niềm tin chiến thắng dịch bệnh

Ngày phát hành: 03/01/2022 Lượt xem 681

 

Những ngày này, người dân khắp nơi trên thế giới đều hân hoan chào đón năm mới 2022 với niềm hy vọng về một khoảng thời gian tốt đẹp hơn phía trước. Đây cũng là dịp để gia đình, bạn bè sum họp, cùng nhìn lại một năm cũ đã qua và cầu chúc những điều may mắn, tốt lành, hạnh phúc sẽ đến trong năm tới. Tuy nhiên, khi dịch bệnh COVID-19 vẫn hoành hành, cộng thêm sự xuất hiện, lây lan nhanh của biến thể mới Omicron, các nước đã phải nâng cao cảnh giác và áp đặt trở lại các biện pháp phong tỏa nhằm kiềm chế đà lây lan của biến chủng này.

Các nước bước vào “năm COVID-19 thứ ba” với số ca nhiễm mới gia tăng

 
Khi năm cũ chuẩn bị khép lại, sự xuất hiện của biến thể Omicron đã khiến nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới tăng chóng mặt. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ mắc COVID-19 đã tăng lên 11% trên toàn cầu trong tuần vừa qua và các ca nhiễm biến chủng Omicron chiếm đa số tại nhiều quốc gia. Cho đến nay, khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận các ca nhiễm biến chủng Omicron, trong đó có khoảng 40 quốc gia châu Âu và hơn 20 quốc gia châu Phi. Đáng lo ngại, tuần qua đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày trên toàn thế giới lần đầu tiên vượt qua 1 triệu người kể từ khi đại dịch bùng phát cách đây 2 năm.


Tốc độ lây lan của biến thể Omicron khiến số ca mắc mới theo ngày ở nhiều nước châu Âu tăng đột biến. Riêng “điểm nóng” Anh mỗi ngày ghi nhận hơn 183 nghìn ca nhiễm mới. Các cố vấn của Chính phủ Anh nhận định những số liệu công bố chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", giới chức Anh tin rằng khoảng 60% ca mắc mới COVID-19 ở nước này hiện nay là Omicron.


Quốc gia láng giềng của Anh là Pháp cũng công bố số ca mắc mới theo ngày ở mức cao nhất kể từ đầu dịch, với hơn 200 nghìn ca vào ngày 31/12.


Bộ Y tế Ireland xác nhận có hơn 16 nghìn ca mắc mới, mức theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại nước này, trong đó khoảng 83% ca có liên quan biến thể Omicron. Đan Mạch cũng ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng lên mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, hơn 13.500 ca/ngày. Italy và Bồ Đào Nha tuần qua cũng đều trải qua ngày có số ca mắc mới COVID-19 nhiều nhất trong năm 2021…


Mỹ ghi nhận số ca mắc mới trung bình mỗi ngày trong vòng 7 ngày qua tăng lên mức cao kỷ lục-258,3 nghìn ca, và biến thể Omicron chiếm hơn 73% các ca mắc mới ở Mỹ, chính thức trở thành biến thể chủ đạo…


Trước những diễn biến mới của dịch COVID-19, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ quan ngại rằng cùng với biến thể Delta, sự xuất hiện của biến thể Omicron sẽ khiến số ca mắc COVID-19 tăng vọt, qua đó tiếp tục gây áp lực đối với các nhân viên y tế, khiến nhiều hệ thống y tế trên bờ vực sụp đổ. Ông Ghebreyesus tiếp tục kêu gọi các quốc gia phân phối vaccine đồng đều hơn và cảnh báo việc quá chú trọng tiêm mũi tăng cường tại các nước phát triển có thể khiến nguồn cung vaccine cho các nước nghèo trở nên hạn hẹp. Hiện, WHO đang thực hiện chiến dịch vận động để mỗi quốc gia đều sẽ đạt mục tiêu tiêm phòng cho 70% dân số vào giữa năm 2022, từ đó giúp thế giới vượt qua giai đoạn hiểm nghèo vì đại dịch COVID-19.

 Nhiều biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt được các nước áp dụng

 
Trong bối cảnh có nhiều quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao chưa từng có, nhiều nước đã quyết định hủy sự kiện hoặc giới hạn hoạt động chào mừng Năm mới 2022, do lo ngại việc tụ tập đông người sẽ tạo cơ hội cho biến thể Omicron lây lan.


Tại Australia, một trong những nơi đón giao thừa sớm nhất thế giới, chính quyền thành phố Sydney vẫn quyết tâm tổ chức màn bắn pháo hoa đêm giao thừa. Với tỷ lệ tiêm phòng cao ở người trưởng thành, chính phủ Australia đã từ bỏ chiến lược "Zero COVID", chọn cách sống chung và thích nghi với tình hình dịch bệnh.


Còn tại Trung Quốc, nhà chức trách đã kêu gọi người dân hạn chế các hoạt động tụ tập đông người. Thành phố Tây An (Xian), tỉnh Thiểm Tây vẫn đang áp lệnh phong tỏa, trong khi nhiều sự kiện chào đón năm 2022 tại các thành phố lớn đã bị hủy.


Tại Hàn Quốc, giới chức thành phố Seoul cũng cấm người dân tới xem sự kiện truyền thống rung chuông đêm giao thừa. Thay vào đó, các gia đình có thể theo dõi sự kiện này trực tiếp trên truyền hình hoặc trên nền tảng thực tế ảo metaverse.
Tại Nhật Bản, Thủ tướng Kishida Fumio đã kêu gọi người dân đeo khẩu trang tại các bữa tiệc và giới hạn số người tham dự. Chính quyền quận Shibuya, địa điểm giải trí nổi tiếng ở thủ đô Tokyo, đã cấm các bữa tiệc cuối năm. Thị trưởng thành phố Tokyo và Osaka đã hối thúc người dân tránh tụ tập đông người vào dịp cuối năm trong bối cảnh xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có ổ dịch vừa mới được xác nhận tại nhà dưỡng lão ở Osaka…


Nhằm ngăn các đám đông tụ tập, nhà chức trách Ấn Độ đã áp đặt các quy định nghiêm ngặt từ ngày 30/12 với lệnh giới nghiêm buổi tối tại các thành phố lớn và yêu cầu các nhà hàng phải hạn chế lượng khách.


Tại Đông Nam Á, Thái Lan tạm dừng chương trình nhập cảnh không cần cách ly (Test and Go) ít nhất cho đến ngày 4/1/2022. Thủ đô Bangkok của Thái Lan đã hủy các sự kiện lễ hội do nhà nước tổ chức, kể cả lễ đếm ngược chào đón Năm mới 2022 tại quảng trường thành phố. Chính phủ Indonesia công bố hàng loạt biện pháp tăng cường giám sát trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới 2022 (gọi là Nataru) như điều chỉnh các quy tắc cần thiết để dự đoán và chuẩn bị các kịch bản phòng chống dịch bệnh trước và sau Nataru 7 ngày.


Tại Mỹ, thành phố New York (Mỹ) đã quyết định thu hẹp quy mô tổ chức và giới hạn người tham gia bữa tiệc mừng Năm mới theo truyền thống tại Quảng trường Thời đại. Theo đó, chính quyền thành phố New York sẽ chỉ cho phép 15.000 người tham dự thời khắc quả cầu pha lê rơi xuống, đánh dấu Năm mới và những người tham gia buộc phải đeo khẩu trang và có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19. Thông thường hàng năm, có khoảng 58.000 người tập trung tại Quảng trường Thời đại để chứng kiến thời khắc đón năm mới này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã công bố kế hoạch triển khai quân nhân đến bệnh viện, vận chuyển vật tư đến các bang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, cũng như thiết lập và vận hành các địa điểm xét nghiệm miễn phí mới. Khoảng 1.000 bác sĩ, y tá và nhân viên quân y sẽ được huy động triển khai trên khắp đất nước để hỗ trợ các bệnh viện bị quá tải khi cần thiết trong tháng 1 và tháng 2/2022.


Còn tại Rio de Janeiro (Brazil), các hoạt động đón mừng năm mới vẫn diễn ra như bình thường. Mọi năm hoạt động này thường thu hút khoảng 3 triệu người đến bãi biển Copacabana của thành phố. Canada cũng yêu cầu đóng cửa các quán bar, rạp chiếu phim, phòng tập thể thao và hàng loạt quy định giãn cách xã hội mới.


Tại châu Âu, các nước Hà Lan, Bỉ, Hy Lạp, Đan Mạch, Đức và Italy đều đã ban bố hàng loạt quyết định siết chặt các hạn chế. Chính phủ Italy đã thông qua sắc lệnh mới gồm một loạt các biện pháp bổ sung nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới sắp tới. Theo sắc lệnh mới, từ ngày 30/12, người dân phải có Thẻ xanh COVID-19 mới được phép tham gia các dịch vụ bơi lội, phòng tập thể dục, thể thao, các trung tâm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, trung tâm văn hóa, vui chơi, giải trí; việc áp dụng ngoại trừ trẻ em dưới 12 tuổi và những trường hợp được miễn tiêm chủng.


Ngoài ra, Italy cũng tăng cường hoạt động kiểm soát tại sân bay, nhà ga, bến tàu, và triển khai xét nghiệm kháng nguyên hoặc phân tử với du khách nhập cảnh vào nước này. Trong trường hợp có kết quả dương tính sẽ buộc phải cách ly 10 ngày, nếu cần thiết sẽ triển khai cách ly tại Khách sạn COVID-19.


Tại Anh, màn trình diễn pháo hoa nổi tiếng chào đón năm mới tại thủ đô London đã buộc phải hủy bỏ năm thứ hai liên tiếp do nỗi lo biến chủng Omicron lây lan mạnh. Ban đầu, chính quyền thành phố dự định thay thế bắn pháo hoa bằng một buổi lễ chào mừng tại Quảng trường Trafalgar với sự tham gia của các nhạc công, ca sĩ nổi tiếng. Tuy nhiên, sự kiện này cũng đã phải dừng lại.


Còn ở Pháp, chính quyền đã thông báo không tiến hành màn bắn pháo hoa truyền thống trên đại lộ Champs-Elysées để chào đón năm mới vì sự gia tăng các ca nhiễm biến chủng Omicron. Thủ tướng Jean Castex cho biết, các lễ hội ngoài trời cũng bị cấm, đồng thời khuyến cáo những người đã tiêm vắc xin nên tự xét nghiệm nhanh COVID-19 trước khi tham gia vào các bữa tiệc cuối năm cùng người thân, bạn bè…


Có thể thấy rõ, nỗi lo từ sự lây lan của biến thể Omicron là nguyên nhân khiến các nước bước sang năm 2022 với tâm thế lo ngại và bầu không khí trầm lắng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, trước mắt, các quốc gia cần tiếp tục tăng cường "lập rào chắn" để ngăn ngừa biến chủng Omicron lan rộng. Các biện pháp y tế nghiêm ngặt, tiêm chủng rộng rãi và sự hợp tác từ công chúng, bao gồm việc tuân thủ nghiêm túc các quy tắc giãn cách xã hội, sẽ quyết định sự thành công của cuộc chiến chống lại biến thể Omicron./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết