Lao động nữ làm việc tại một xưởng may ở thành phố Cape Town, Nam Phi. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Thu hẹp khoảng cách tiền lương giữa nam và nữ trong lực lượng lao động có thể giúp kinh tế thế giới tăng thêm khoảng 7%, tương đương 7.000 tỷ USD. Tuy nhiên, với tốc độ hiện nay, thế giới có thể mất tới 132 năm mới có thể xóa bỏ hoàn toàn mức chênh lệch về lương theo giới tính. Đây là nhận định vừa được công ty phân tích Moody's đưa ra trong báo cáo mới đây.
Theo báo cáo của Moody's, tăng trưởng kinh tế sẽ tăng lên khi phụ nữ tham gia lực lượng lao động nhiều hơn và năng suất tăng hơn. Không chỉ vậy, tỷ lệ phụ nữ nắm giữ các vai trò quản lý và chuyên môn cao hơn cũng sẽ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Moody’s ước tính rằng nếu phụ nữ trong độ tuổi từ 25 - 64 tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) có mức lương bằng với nam giới cùng độ tuổi vào năm 2021, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước này sẽ tăng thêm 10%, trong khi tăng trưởng GDP toàn cầu tăng thêm 6,2%. Báo cáo cho rằng việc xóa khoảng cách giới trong lực lượng lao động và các vị trí quản lý ở các nước OECD sẽ giúp gia tăng năng suất và sản lượng kinh tế trên toàn cầu.
Báo cáo chỉ ra thực trạng số phụ nữ tại các nước OECD có bằng thạc sĩ hoặc tương đương cao hơn so với nam giới, song tỷ lệ phụ nữ giữ vai trò quản lý cấp trung và cấp cao vẫn thấp hơn đáng kể. Báo cáo cho rằng việc sử dụng không phù hợp thời gian và kỹ năng của phụ nữ có thể dẫn đến thiệt hại về kinh tế “ở cấp độ cá nhân và kinh tế vĩ mô", trong khi các nền kinh tế ghi nhận sự tiến bộ "hạn chế và khác nhau" trong vấn đề nâng cao vị thế của phụ nữ trong 10 năm qua. Các tác giả của báo cáo cho rằng phụ nữ đầu tư cho giáo dục ban đầu cao hơn, song lại có xu hướng đảm nhận những vị trí cấp thấp hơn, bị trả lương thấp hơn, cũng như làm những công việc đòi hỏi kỹ năng thấp hơn so với trình độ giáo dục của họ.
Báo cáo chỉ ra những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến bất bình đẳng thu nhập theo giới là phụ nữ phải gánh vác trách nhiệm gia đình và thiếu mạng lưới kết nối. Bên cạnh đó, phụ nữ “ít có khả năng” được đề xuất thăng chức trong khi phải tuân theo các tiêu chuẩn cao hơn nam giới.
Báo cáo khuyến nghị các chính phủ triển khai một số giải pháp như thực hiện điều kiện làm việc linh hoạt, cung cấp chi phí chăm sóc trẻ với giá phải chăng và chế độ người lao động nghỉ thai sản được hưởng lương./.
Nguyễn Hằng (TTXVN)