Hôm nay (27/4), phát biểu tại hội nghị bàn tròn của Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” ở Bắc Kinh, Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, quan điểm của các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều phải được tôn trọng, lắng nghe và các khác biệt được giải quyết bằng tham vấn, đối thoại. Quan hệ hợp tác cần bình đẳng, minh bạch, cởi mở, chân thành, cùng có lợi...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị bàn tròn. Ảnh: VGP
Thủ tướng đánh giá cao các nỗ lực thúc đẩy kết nối, liên kết kinh tế quốc tế, trong đó có sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI); hoan nghênh phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó nêu rõ các nguyên tắc hợp tác quan trọng của Sáng kiến BRI: “Hợp tác cùng có lợi, cùng thắng giữa các quốc gia, đóng góp vào hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cùng phát triển, đem lại ngày càng nhiều lợi ích cho nhân dân các nước dọc theo tuyến đường BRI”.
Sự cộng hưởng giữa Sáng kiến BRI với các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế khác sẽ là tấm gương thành công to lớn về sự gắn kết hài hòa, tương tác hiệu quả, vì hoà bình, bình đẳng cùng có lợi, cùng thịnh vượngvà phát triển bền vững. Thủ tướng bày tỏ Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác tốt với Trung Quốc và các nước để xây dựng các hình thức hợp tác hiệu quả, cùng có lợi.
Thủ tướng hoan nghênh các chủ đề của Diễn đàn là tăng cường kết nối, cộng hưởng chính sách và phát triển bền vững có mối liên hệ hữu cơ, chặt chẽ và tương tác lẫn nhau. Kết nối phải được thúc đẩy một cách toàn diện cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, bao gồm cả kết nối số, từ giao thông, năng lượng, thông tin viễn thông... đến kết nối con người. Nếu dự án kết nối hạ tầng cơ sở là điều kiện cần thì sự phối hợp giữa các quốc gia nhằm bảo đảm môi trường chính sách thuận lợi là điều kiện đủ để kết nối thành công, mở rộng không gian hợp tác giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế và sự tham gia của các doanh nghiệp, người dân. Phát triển bền vững của BRI chính là sự đồng điệu với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình nghị sự 2030 của LHQ.
Hội nghị bàn tròn của Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường”. Ảnh: VGP
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm: (i) cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn với mục tiêu phát triển dài hạn, hiệu quả về kinh tế, bền vững về môi trường và hài hoà về xã hội; (ii) lấy con người làm trung tâm, với đề cao trách nhiệm, đóng góp, sáng tạo của người dân và họ phải được hưởng thụ thành quả hợp tác BRI với cuộc sống tốt đẹp hơn, không ai bị bỏ lại phía sau; và (iii) chuyển đổi sang nền kinh tế số với tăng trưởng dựa trên sáng tạo, khoa học công nghệ làm nền tảng trong dòng chảy của Cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, để hợp tác đem lại kết quả thực chất, lâu dài: (i) quan điểm của các quốc gia dù lớn dù nhỏ đều phải được tôn trọng, lắng nghe và các khác biệt được giải quyết bằng tham vấn, đối thoại; (ii) quan hệ hợp tác cần bình đẳng, minh bạch, cởi mở, chân thành, cùng có lợi, đồng thời tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp quốc tế. Đây chính là những nền tảng cho kết nối và phát triển bền vững thành công.
Thủ tướng đã chia sẻ kinh nghiệm 30 năm đổi mới và mở cửa của Việt Nam, nhấn mạnh phát triển là trách nhiệm của mỗi quốc giavàphát huy tốt tiềm năng thế mạnh cùng với hội nhập quốc tế sâu rộng là nền tảng cho hợp tác thành công. Thủ tướng khẳng địnhViệt Nam đang tập trung phát triển kinh tế xã hội trong nước, đồng thời đẩy mạnh hội nhập quốc tế, trong đó có hợp tác với Sáng kiến BRI; nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc, trong đó tham gia tích cực vào các sáng kiến giảm chất thải nhựa, bảo tồn đa dạng sinh học.
Phát biểu của Thủ tướng đã được Hội nghị đánh giá cao. Nhiều nhà lãnh đạo bày tỏ ủng hộ quan điểm của Việt Nam.
|
Các nhà lãnh đạo chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh: VGP |
Kết thúc Hội nghị, các nhà Lãnh đạo đã thông qua Thông cáo chung, chúc mừng thành công của Diễn đàn và hoan nghênh việc tổ chức Diễn đàn hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba.
Với chủ đề “Hợp tác Vành đai và Con đường: Định hình tương lại chung tươi sáng hơn”, Hội nghị bàn tròn thượng đỉnh tập trung thảo luận về kết nối khu vực, cộng hưởng chính sách, và phát triển bền vững. Các nhà Lãnh đạo tái khẳng định cam kết đối với Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; nhấn mạnh việc tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế là trách nhiệm chung, và xây dựng một thế giới hoà bình, thịnh vượng là nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia. Hướng đến hợp tác chất lượng cao trong tương lai, các nhà lãnh đạo đề cao các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tự nguyện, tham vấn rộng rãi và xây dựng đồng thuận, minh bạch, bao trùm, cởi mở, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Hợp tác cần lấy con người làm trung tâm, phục vụ phát triển bền vững; phù hợp với quy luật thị trường, luật pháp quốc gia, các nghĩa vụ quốc tế và bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng. Các nhà lãnh đạo cũng khẳng định sự ủng hộ đối với hệ thống thương mại đa phương phổ quát, dựa trên luật lệ, cởi mở, minh bạch và không phân biệt đối xử, với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là trung tâm.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam đã tham dự và phát biểu tại các Diễn đàn chuyên ngành.
Đức Tuân Chinhphu.vn