Chiều 10/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 được tổ chức trực tuyến tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; đại diện các bộ, ngành, các cơ quan Trung ương; các tổ chức, doanh nghiệp đồng hành trong triển khai Chương trình và lãnh đạo các tỉnh, thành phố.
Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021- 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1660/QĐ-TTg, ngày 2/10/2021 nhằm bảo đảm chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cho trẻ em, học sinh thông qua việc duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và các trường chuyên biệt.
Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 xác định 5 nhóm nội dung và 7 nhóm giải pháp về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe, trẻ em, học sinh; giáo dục thể chất và hoạt động thể thao học đường; tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát, thống kê, báo cáo; tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học.
Mỗi nội dung được giao chỉ tiêu đánh giá cụ thể như: Đến năm 2025, 100% trường học có tổ chức bữa ăn học đường và căng tin trường học, bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định, sử dụng sữa học đường theo tiêu chí, tiêu chuẩn được quy định trong Chương trình Sữa học đường quốc gia…; 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn; 100% trường học có đủ giáo viên giáo dục thể chất và được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ…
Tại buổi lễ, đại diện các bộ, ngành, địa phương và đơn vị đồng hành cùng Chương trình sức khỏe học đường đã phát biểu cho rằng, với thông điệp “Trường học an toàn, trẻ em, học sinh khỏe mạnh”, lần đầu tiên tại Việt Nam, một chương trình quy mô, thiết thực và ý nghĩa về sức khỏe học đường với chương trình tổng thể, chính thống và toàn diện được thực hiện, cùng với đó là những trách nhiệm và hy vọng lớn lao về những ngôi trường an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh.
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đơn vị cam kết phối hợp thực hiện hiệu quả chương trình ý nghĩa này; đồng thời kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi tích cực cho trường học, để chăm sóc và nuôi dưỡng một thế hệ Việt Nam khỏe mạnh, năng động, trưởng thành.
Phát biểu tại lễ công bố, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cùng với việc mở cửa trường học trở lại trên phạm vi cả nước, đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần khẳng định quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước trong việc nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em, học sinh, dành những gì tốt nhất có thể cho thế hệ tương lai - thế hệ góp phần quan trọng quyết định sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong những năm tới.
Theo Thủ tướng, đối với mỗi người trong chúng ta và cả xã hội, sức khỏe luôn là vốn quý nhất. Đặc biệt, đối với gần 23 triệu trẻ em, học sinh, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho các cháu lại càng quan trọng bởi đây là thế hệ tương lai của đất nước. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe các cháu là trách nhiệm không chỉ của gia đình mà còn của cộng đồng, của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị.
Thủ tướng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới giáo dục, đào tạo và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân nói chung và sức khỏe học đường nói riêng. Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Nhiều chiến lược, kế hoạch, đề án, chương trình liên quan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cùng với sự nỗ lực của ngành Giáo dục, Y tế, Thể dục, Thể thao và các bộ, ban, ngành, địa phương; sự tham gia, hỗ trợ, phối hợp tích cực của các tổ chức trong nước và quốc tế, các cá nhân, từng gia đình và nhà trường đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, cải thiện đáng kể điều kiện học tập, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh, nhất là về dinh dưỡng, thể chất, điều kiện vệ sinh trường học, dự phòng bệnh tật học đường; đặc biệt là dịch COVID-19 hiện nay.
Theo Thủ tướng, mặc dù vậy, so với yêu cầu, hoạt động bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe học đường vẫn còn những hạn chế, khó khăn, thách thức. Đặc biệt, dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp và gián tiếp đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của hàng chục triệu học sinh.
Trên cơ sở nhận thức và xác định rõ những hạn chế, khó khăn, thách thức, nguyên nhân nêu trên, ngày 02/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025; giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương, đồng thời huy động sự tham gia của các tổ chức, triển khai lồng ghép với các đề án, chương trình, kế hoạch liên quan nhằm đẩy mạnh hoạt động chăm sóc toàn diện, đồng bộ về thể chất, tinh thần cho trẻ em, học sinh.
Thủ tướng Chính phủ bày tỏ, hơn 24 tháng phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua là khoảng thời gian dài đằng đẵng đối với tất cả chúng ta, nhất là trẻ em. Những đợt giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội và việc hạn chế di chuyển liên quan đến đại dịch đã khiến các cháu phải trải qua những ngày tháng khó khăn khi phải rời xa gia đình, bạn bè, trường lớp, thầy cô, rời xa những không gian, những trò vui của tuổi thơ. Các cháu ít được vận động ngoài trời, thiếu tương tác xã hội, không được giao lưu với bạn đồng lứa.
Đặc biệt, nhiều cháu phải trải qua những mất mát quá lớn. Đại dịch đã khiến hàng nghìn cháu nhỏ rơi vào hoàn cảnh mồ côi, mất đi sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của cha mẹ, người thân. Dịch COVID-19 đã bước sang năm thứ ba và đang tiếp tục tác động nặng nề lên sức khỏe tinh thần cũng như điều kiện sống của trẻ em và thanh thiếu niên.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; tích cực phối hợp tuyên truyền, phổ biến và huy động các nguồn lực hợp pháp để triển khai Chương trình.
“Từng nhà trường, gia đình, từng học sinh, người dân cần chủ động, tích cực hưởng ứng Chương trình vì chính sức khỏe của con em mình, thông qua những hành vi, lối sống lành mạnh và các hoạt động tự bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của bản thân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành quán triệt tinh thần chung là: Giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh là nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó ngành Giáo dục và ngành Y tế đóng vai trò nòng cốt; các bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp về chuyên môn.
Cần coi sức khỏe học sinh là đối tượng phục vụ đặc biệt và coi trọng chăm sóc sức khỏe tinh thần ngang với sức khỏe thể chất. Gia đình và nhà trường phải liên hệ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em và chúng ta còn phải suy nghĩ, phải chung tay, phải đưa ra thông điệp mạnh mẽ, phải hành động khi bên cạnh chúng ta vẫn còn những trẻ em chưa được bảo vệ, chưa được chăm sóc, còn đối mặt những nguy cơ mất an toàn về tính mạng, sức khỏe, tinh thần.
Thủ tướng chỉ đạo phải có những chương trình nghiên cứu, khảo sát, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về vấn đề ảnh hưởng tâm sinh lý, sức khỏe tâm thần của trẻ em, nhất là những tác động từ đại dịch để chúng ta có những biện pháp, giải pháp, sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục phù hợp cho các cháu - thế hệ tương lai của đất nước.
Đặc biệt cần chung tay giải quyết sớm và quyết liệt nhằm cải thiện điều kiện vật chất, cơ sở trường học, tăng cường xây dựng quy hoạch các điểm trường đảm bảo hợp lý, khoa học, chất lượng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tiếp tục cải thiện hệ thống nhà vệ sinh trường học và cơ sở vật chất để các cháu có không gian rèn luyện sức khỏe, chú trọng dạy các kỹ năng sinh tồn cho trẻ, nhất là có giải pháp giảm tỷ lệ trẻ đuối nước. Cải thiện bữa ăn, chế độ dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt ở những khu vực ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19. Giảm tải chương trình học, trước hết là ở bậc tiểu học để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ.
"Cùng với mở cửa trở lại trường học, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục phát động chiến dịch tiêm chủng cho các cháu từ 5 đến 12 tuổi an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh. Đây là một trong những việc trọng tâm hiện nay", Thủ tướng yêu cầu.
Theo Thủ tướng, Chính phủ hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đồng hành cùng Chương trình Sức khỏe học đường cũng như các chương trình, đề án, dự án về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nói chung; bày tỏ cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ tích cực, hiệu quả của các tổ chức quốc tế, các quốc gia đối với công tác chăm sóc sức khỏe học đường nói riêng và chăm sóc sức khỏe nói chung cho Nhân dân Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định “tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”; “gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam”. Trẻ em là tương lai của đất nước, nhưng chúng ta chăm sóc, bảo vệ tốt nhất trẻ em không chỉ vì tương lai của đất nước mà còn hơn thế nữa.
Thủ tướng nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Ấm no, hạnh phúc của mỗi trẻ em, của mỗi người dân là mục đích tự thân, mục đích cuối cùng trong sự nghiệp của Đảng, Nhà nước ta.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quản lý chặt chẽ, hiệu quả của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng lòng, quyết tâm, ủng hộ của Nhân dân cả nước, sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức, bạn bè quốc tế, sự tham gia hưởng ứng, trách nhiệm của nhà trường, thầy cô, Chương trình sức khỏe học đường sẽ được triển khai thành công, phát huy mạnh mẽ hiệu quả, tạo ra những bước đột phá trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho thế hệ tương lai của đất nước.
Cũng tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướn Vũ Đức Đam và đại diện các bộ, ngành, đơn vị liên quan đã thực hiện nghi thức công bố Chương trình sức khỏe học đường.
Đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đã ký kết Chương trình phối hợp về công tác y tế trường học và chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên giai đoạn 2022 - 2026. Đại diện lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2022 - 2026.
Phạm Tiếp - Việt Hà (TTXVN)